Xây dựng ngân hàng câu hỏi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được Bộ GD&ĐT ấn định sẽ tổ chức vào ngày 7 và 8-7. Nhiều địa phương như Bắc Giang, Vĩnh Phúc… hiện vẫn bị dịch Covid-19 bủa vây khiến học sinh trở thành F0, F1, F2 phải điều trị, cách ly y tế.
Các địa phương không căng thẳng vì dịch bệnh cũng đã sẵn sàng các phương án tổ chức kỳ thi một cách chủ động trong mọi tình huống. Tại tỉnh Sơn La năm nay có hơn 11.000 thí sinh đăng ký dự thi. Đến thời điểm này, chỉ có Trường THPT Mai Sơn liên quan Covid-19, học sinh buộc phải nghỉ học; các trường THPT khác vẫn cho học sinh học trực tiếp trên lớp. Được biết, số lượng điểm thi, phòng thi dự phòng cũng được chuẩn bị tăng lên, giáo viên, cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi được tập huấn kỹ càng các tình huống. Phòng trường hợp bất khả kháng, không đủ lực lượng giáo viên để huy động coi thi, chấm thi, làm phách…, Sở huy động thêm 25% giáo viên dự phòng. Địa phương còn chuẩn bị cả thiết bị chiếu tia cực tím để diệt khuẩn bài của thí sinh F1, F2. Thí sinh làm bài xong sẽ không trực tiếp nộp bài cho cán bộ coi thi mà cán bộ coi thi dùng tia cực tím quét qua diệt vi khuẩn, sau đó mới thu bài.
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TP Hà Nội có hơn 113.600 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng khoảng 22.000 thí sinh so với năm 2020 |
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Bắc Giang, Ban Chỉ đạo tỉnh đã họp để bàn bạc, xem xét, thống nhất triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 trên địa bàn. Theo thống kê, đến hết ngày 22-5, có 1 giáo viên THPT ở Bắc Giang mắc Covid-19; 1.516 giáo viên và 9.147 học sinh lớp 12 bị buộc phải cách ly y tế. Trong đó, có 1 học sinh mắc Covid-19; 141 học sinh thuộc diện F1, số còn lại thuộc diện vùng giãn cách hoặc F2.Điều này gây khó khăn rất lớn cho ngành trong việc tổ chức kỳ thi, một số lượng lớn cán bộ, giáo viên trong các khâu của kỳ thi đang phải cách ly nên nhân sự chuẩn bị cho kỳ thi sẽ bị thiếu hụt.
Đặc biệt, do hàng ngàn học sinh là F0, F1, F2, F3 đang bị cách ly, ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập và đến thời điểm thi có thể học sinh vẫn còn trong khu cách ly, phong tỏa. Theo đề xuất mà Sở GD&ĐT Bắc Giang đưa ra, trước hết tổ chức cho học sinh đủ điều kiện tham gia thi đợt 1 theo lịch tổ chức của Bộ GD&ĐT. Số học sinh còn lại, sẽ tổ chức thi đợt 2 và xem xét cả phương án tổ chức thi cho học sinh đang phải cách ly hoặc trong vùng bị cách ly. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất, cần đưa ra xem xét và chờ Bộ GD&ĐT "quyết" phương án thực hiện chính thức.
Tại tỉnh Phú Thọ có hơn 16.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn 2.600 em, dự kiến thành lập 39 điểm thi. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Phú Thọ có 2 khu vực thuộc huyện Thanh Thủy và TP Việt Trì phải cho học sinh nghỉ học vì có ca mắc Covid-19 nên Sở GD-ĐT đã chuẩn bị nhiều phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, có trường hợp F0, F1, F2 thì ngoài 39 điểm thi chính, Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ thành lập 3 điểm dự phòng để tổ chức riêng cho đối tượng F1, F2 - gồm TP Việt Trì, thị xã Phú Thọ và huyện Thanh Thủy. Ngoài ra, mỗi điểm thi bố trí ít nhất 2 phòng dự phòng để tổ chức thi riêng cho đối tượng F3, F4 hoặc những học sinh có biểu hiện ho, sốt.
Tại tâm dịch Bắc Ninh, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT của địa phương này năm nay tăng trên 2.000 so với năm trước, dự kiến 27 điểm thi. Sở GD&ĐT Bắc Ninh đang xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh chờ xét duyệt. Sau khi được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh, sẽ xin ý kiến quyết định của Bộ GD&ĐT trong cuộc họp trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT sắp tới đây. Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cũng cho biết thêm, trên địa bàn hiện có 14 học sinh là F0, 124 học sinh F1 và 702 học sinh F2. Số cán bộ giáo viên liên quan tới dịch, đến thời điểm này có 5 giáo viên F0, 164 giáo viên là F1 và 973 cán bộ giáo viên là F2.
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TP Hà Nội có hơn 113.600 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng khoảng 22.000 thí sinh so với năm 2020. Với số lượng này, Sở GD&ĐT TP Hà Nội dự kiến tổ chức 193 điểm thi với hơn 4.200 phòng thi, tăng thêm 50 điểm thi và hơn 900 phòng thi so với năm trước. Sở GD&ĐT TP Hà Nội cũng đang phối hợp Sở Y tế và các đơn vị, địa phương xây dựng phương án tổ chức kỳ thi với quyết tâm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi, chuẩn bị sẵn sàng phương án dự phòng để ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19.
PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay trong trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi. Để thực hiện phương án này, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng đề thi cho yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt. Trường hợp số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch (F1, F2, F3, thí sinh ở trong vùng bị phong tỏa) lớn, bộ sẽ xem xét đến phương án tổ chức đợt thi thứ hai cho đối tượng này. Nếu số thí sinh trong diện trên không nhiều thì có thể tính toán phương án thi một đợt nhưng có khu vực/phòng thi cách ly cho thí sinh trong diện F1, F2, F3.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại