Thứ bảy 05/10/2024 03:48
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Vùng Đồng bằng sông Hồng ưu tiên vị trí đẹp cho sản xuất, kinh doanh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ đầu năm đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng đang là 5/11 địa phương luôn thuộc nhóm 10 địa phương có tổng số vốn FDI dẫn đầu cả nước và chiếm 41,6% tổng thu cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng còn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý, trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng các địa phương dành những vùng đất, vị trí đẹp và có lợi thế cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Vùng Đồng bằng sông Hồng ưu tiên vị trí đẹp cho sản xuất, kinh doanh

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng ưu tiên vị trí đẹp cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Khánh Huy

"3 cái thiếu" và "5 hạn chế lớn" của vùng Đồng bằng sông Hồng

Tiềm năng phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng là rất lớn, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới, niềm tin mới để tạo ra giá trị mới. Tuy nhiên quá trình phát triển của vùng còn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Thủ tướng cho rằng, vùng có 3 cái thiếu: thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp.

Cùng với đó, vùng có 5 hạn chế lớn: hạn chế thứ nhất về tính liên kết, liên kết trong hạ tầng giao thông và liên kết chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành trong các hành lang phát triển thậm chí liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI. Hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp. Hạn chế trong ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng. Hạn chế cả trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ 12 chữ mang tính chất "từ khóa" trong triển khai quy hoạch và phát triển, liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian tới: truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện, bền vững.

Phương châm, quan điểm xuyên suốt: con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển. Các yếu tố nền tảng là: phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thúc đẩy 3 đột phá chiến lược; tập trung phát triển các động lực mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và liên kết vùng.

Thủ tướng cũng lưu ý "không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần"; đẩy mạnh thông tin truyền thông để nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần: "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân giám sát - Dân thụ hưởng".

Ưu tiên vị trí đẹp cho sản xuất kinh doanh

Vùng Đồng bằng sông Hồng ưu tiên vị trí đẹp cho sản xuất, kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, hoàn thành trong quý 2/2024. Ảnh: Khánh Huy

Vùng Đồng bằng sông Hồng có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, du lịch đặc biệt là văn hóa. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh: vùng Đồng bằng sông Hồng vai trò Thủ đô Hà Nội là quan trọng nhất. Do đó, Hà Nội phải triển khai nhanh nhất hệ thống tàu điện metro để giải được bài toán vận chuyển hành khách; quan tâm cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hai bên sông Hồng; kết nối Hà Nội với phía Nam để giải quyết mạch máu giao thông vì các cửa ngõ thường xuyên bị ùn tắc.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng: nếu hoàn thiện được tuyến hành lang ven biển, vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển nhanh. Bên cạnh đó, vùng Đồng bằng sông Hồng cần có hình mẫu phát triển quốc gia vượt trước, do đó cần thiết lập Khu thương mại tự do thế hệ mới ở Quảng Ninh, Hải Phòng để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý các địa phương xây dựng các cung triển lãm quy hoạch để nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp thuận tiện tìm hiểu và giám sát thực hiện quy hoạch… "Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, hoàn thành trong quý 2/2024; tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển.

Cùng với đó, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo (nhất là nhân lực bán dẫn), nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

4 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng có hạ tầng tốt nhất cả nước là Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh. Trong đó, Hà Nội đứng thứ 4, Hải Phòng thứ 7, Bắc Ninh thứ 8…

20 dự án quan trọng mang ý nghĩa liên kết vùng, trong đó 7 dự án đã khởi công gồm: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; đường Vành đai 5 vùng Thủ đô (đã triển khai một số đoạn qua các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Bình); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B Quảng Ninh - Lạng Sơn, đoạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách quốc tế T2 sân bay Nội Bài; tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; cải tạo, nâng cấp tĩnh không cầu Đuống trên tuyến đường thủy số 1 từ Hải Phòng - Quảng Ninh - Việt Trì; các bến cảng số 3, 4, 5, 6, 7, 8 tại cảng Lạch Huyện, Hải Phòng.

8 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư gồm: đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình; đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến; tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đoạn Hà Nội - Vinh); tuyến đường sắt vành đai phía Đông từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng; Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đầu tư xây dựng Nhà ga T2 sân bay Cát Bi. Các dự án còn lại đang được nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: một số dự án quy mô lớn của vùng đã được Thủ tướng chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực ngân sách Trung ương để triển khai là đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình)…

Khu Tây Hà Nội sẽ tiếp tục bứt phá ngoạn mục
Hướng dẫn triển khai thực hiện quy hoạch cửa khẩu các tuyến biên giới đất liền
Nguyễn Vũ - Hải Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động