Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran và canh bạc của Israel
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMỹ và Israel "đứng sau" vụ ám sát?
Chiếc xe chở nhà khoa học Fakhrizadeh - người "đóng vai trò quan trọng trong các tiến bộ quốc phòng Iran” - đã bị phục kích trên một đại lộ ở ngoại ô Tehran, sau khi dừng lại vì “một vụ tai nạn”. Đúng lúc xe của ông dừng lại, một chiếc xe chứa chất nổ bên kia đường đã nổ tung, sau đó nhiều tay súng xuất hiện và bắn xối xả vào xe. Trong thông cáo ngày 27-11, Bộ Quốc phòng Iran cho biết, ông Fakhrizadeh - 59 tuổi, lãnh đạo Phòng Nghiên cứu và đổi mới của bộ - đã không qua khỏi sau khi được nhập viện khẩn cấp.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ra thông cáo lên án “bàn tay tàn nhẫn” của Mỹ và “tay sai” Israel “đã vấy máu một người con của dân tộc”. Giới chính trị gia và quân sự Iran đồng loạt lên án vụ tấn công và thề báo thù. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng như Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf đều cáo buộc Israel nhúng tay vào vụ sát hại ông Fakrizadeh bằng một cuộc tấn công được chuẩn bị rất tinh vi ở phía bắc thủ đô Tehran. Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri đã cảnh báo về “sự trả thù tàn khốc” nhằm vào những kẻ ra tay tấn công và những người chịu trách nhiệm về vụ sát hại này.
Cách đây 2 năm, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng nhắc đến ông Fakrizadeh khi khẳng định mọi người phải nhớ đến tên của nhân vật này, ngầm cho rằng nhà khoa học Iran là mục tiêu tương lai của Israel. Vụ sát hại ông Fakrizadeh xảy ra 5 tháng sau vụ nổ ở khu hạt nhân Natanz, sự việc mà Tehran cũng đã cáo buộc Israel và Mỹ can dự. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Iran không nêu rõ sẽ báo thù như thế nào cho cái chết của ông Fakrizadeh, người được cho là cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran.
Hiện trường vụ ám sát và ông Fakhrizade. Ảnh tư liệu |
Ván bài của Israel
Giới chức tình báo Mỹ nhận định Israel đứng sau vụ việc này, một vụ việc ẩn chứa tất cả những dấu hiệu của một chiến dịch đã được cơ quan tình báo Mossad của Israel "lên kế hoạch chính xác”. Và Israel đã không làm gì để bác bỏ quan điểm này. Thủ tướng Netanyahu lâu nay coi Iran là một mối đe dọa hiện hữu, đồng thời gọi nhà khoa học bị ám sát là kẻ thù số 1, có khả năng chế tạo một loại vũ khí có thể đe dọa một đất nước 8 triệu dân chỉ bằng một vụ nổ. Tuy nhiên, tờ New York Times cho rằng, ông Netanyahu có thể ấp ủ mưu đồ khác liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngay sau khi có thêm nhiều kết quả bỏ phiếu cho thấy ông Joe Biden sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ, Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố: "Không thể quay lại thỏa thuận hạt nhân trước kia”. Ông ta tin rằng chương trình phát triển hạt nhân bí mật của Iran vẫn đang tiếp tục dưới sự điều hành của nhà khoa học Fakrizadeh cho đến trước khi ông này bị sát hại và chương trình này sẽ không bị hạn chế sau năm 2030, thời điểm mà những hạn chế của thỏa thuận hạt nhân Iran áp đặt đối với khả năng của nước này chế tạo nhiều nhiên liệu hạt nhân như mong muốn hết hiệu lực.
Ông Mark Fitzpatrick - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, bình luận: "Lý do ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh không chỉ nhằm cản trở khả năng chiến tranh của Iran mà còn nhằm cản trở tiến trình ngoại giao”. New York Times cho rằng, cả 2 lý do có thể đều đúng. Bất luận động cơ là gì thì ông Biden phải khôi phục tình hình chỉ trong 7 tuần. Câu hỏi đặt ra là liệu thỏa thuận hạt nhân mà ông Biden đã vạch ra, trong đó gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hạt nhân mà chính quyền Trump áp đặt trong vòng 2 năm qua nếu Iran nghiêm túc quay trở lại những giới hạn hạt nhân đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân 2015, có bị hủy hoại cùng với vụ ám sát nhà khoa học nói trên hay không. Câu trả lời phụ thuộc phần nhiều vào cách Tehran hành xử trong thời gian tới.
Nếu Iran không đáp trả thì vụ ám sát nhà khoa học Iran coi như là một thành công, cho dù vụ việc này có thể đẩy chương trình hạt nhân của Iran phát triển bí mật hơn nữa. Còn nếu Tehran đáp trả, ông Trump sẽ có cớ để tiến hành một cuộc tấn công trả đũa trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1-2021. Khi đó, ông Biden sẽ gánh chịu những vấn đề đau đầu hơn, không chỉ dừng lại ở câu chuyện về sự đổ vỡ của một thỏa thuận hạt nhân vốn chứa đựng nỗ lực ngoại giao của 5 năm qua. Tuy nhiên, đối với Tổng thống Trump, cả hai lựa chọn nói trên đều có vẻ ổn với đội ngũ chính sách đối ngoại sắp rời nhiệm sở của ông, vốn đang nỗ lực cản trở sự đảo ngược triệt để chính sách Iran mà chính quyền Trump triển khai trong vòng 4 năm qua.
Robert Malley, người đứng đầu Nhóm khủng hoảng quốc tế và là một trong những nhà đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, nhận định: “Mục tiêu của chính quyền Trump có vẻ rõ ràng, đó là tận dụng thời gian còn lại trước khi rời nhiệm sở để củng cố di sản của mình, đồng thời khiến người kế nhiệm khó nối lại chính sách ngoại giao với Iran và khó quay trở lại thỏa thuận hạt nhân”. Tuy nhiên, ông Malley cho rằng, khó có thể xóa bỏ con đường ngoại giao hoặc thỏa thuận hạt nhân, nhấn mạnh rằng Tehran vẫn đợi cho đến khi ông Biden chính thức lên nắm quyền tổng thống.
Từ năm 2008, nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý vì “tiến hành những hoạt động và giao dịch góp phần phát triển chương trình hạt nhân của Iran”. Vụ sát hại xảy ra vào lúc Washington sắp có chính quyền mới. Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng tham vấn nhiều lãnh đạo cấp cao Mỹ về khả năng “hành động” nhắm vào một khu hạt nhân Iran. Ngay sau vụ ám sát, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi “kềm chế và cần tránh mọi hành động có thể gây leo thang căng thẳng trong vùng”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại