Thứ sáu 29/03/2024 15:58

Vĩnh Phúc: Tháp gốm men chùa Trò được công nhận là bảo vật quốc gia

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 16-5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tháp gốm men chùa Trò là bảo vật quốc gia và khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa thời Lý - Trần trên đất Vĩnh Phúc”.    

Tháp gốm men chùa Trò của tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong số 21 bảo vật khác của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12-2018. Đây là hiện vật gốc, độc nhất vô nhị, có niên đại thế kỷ XIV, được Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc sưu tầm trực tiếp từ di tích chùa Trò, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc.

Về hình dạng bảo vật, Tháp gốm men chùa Trò là tháp thờ, có 9 tầng, lòng tháp rỗng, cao 1,45m, rộng đế 0,5m. Đây là tháp thờ bằng gốm men lớn nhất, nguyên vẹn nhất có trong kho tàng gốm cổ Đại Việt, được lưu giữ. Bảo vật này có hoa văn trang trí vô cùng phong phú mang đậm yếu tố nghệ thuật Phật giáo, bảo lưu truyền thống gốm dân tộc, thể hiện sự giao thoa, tiếp biến văn hóa. Về màu sắc men, tháp gốm chùa Trò sử dụng ba màu men chính: Chủ đạo là men ngọc, men trắng làm nền, cuối cùng là men nâu có vai trò điểm xuyết. Đây cũng là ba màu men chính của gốm Đại Việt thời Lý - Trần, kỹ thuật chế tác của bảo vật này đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển gốm Việt Nam.

vinh phuc thap gom men chua tro duoc cong nhan la bao vat quoc gia
Lễ công bố Quyết định công nhận Tháp gốm men chùa Trò của Vĩnh Phúc là bảo vật quốc gia (ảnh cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc)

Tháp gốm men chùa Trò được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia không chỉ là niềm vinh dự cho tỉnh mà còn khẳng định trách nhiệm to lớn của người dân Vĩnh Phúc trong việc triển khai có hiệu quả các hoạt động giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị kho báu di sản văn hóa của quê hương, đất nước.

Việc xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo quản và trưng bày nhằm tôn vinh giá trị nhiều mặt của Tháp gốm men chùa Trò; cũng như công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, sẽ tăng cường bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, qua đó, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.

Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động