Thứ bảy 23/11/2024 11:01

Vĩnh Phúc: Làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 21/10 Hội thảo “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu tại tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn" được tổ chức, đã làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề trong quá trình triển khai xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu ở địa phương này.
Vĩnh Phúc: Làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu
Quang cảnh hội thảo “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn”. Ảnh: Sỹ Hào.

Nhìn lại bước đầu thực hiện chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Lê Văn Lợi Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Dự Hội thảo có các đại biểu của Trương ương, địa phương và các nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Hoàng Thị Thúy Lan cho biết: Sau hơn 9 tháng triển khai thực hiện, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM), nhiều ngôi làng với hệ thống các thiết chế nhà văn hóa, thư viện, sân thể thao, công viên - vườn hoa,… được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã trở thành hiện thực trong niềm vui, hồ hởi và hân hoan của người dân trên địa bàn tỉnh. Và thành quả lớn nhất là đã tạo nên thế trận lòng dân, đoàn kết đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Vĩnh Phúc: Làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh Sỹ Hào.

Người dân đã chung tay góp sức khoảng hơn 35 tỷ đồng, đồng thời đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình khu thiết chế văn hóa thể thao và đường giao thông, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đường giao thông, vệ sinh môi trường.

“Hội thảo tổ chức, để nhìn lại bước đầu triển khai thực hiện chủ trương xây dựng LVHKM trên địa bàn. Góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng LVHKM của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, việc cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa và Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thành những hoạt động thiết thực.

Thông qua Hội thảo, các đại biểu làm rõ hơn những bước phát triển tiếp theo của xây dựng LVHKM trên cơ sở phân tích thực trạng hiện nay.” – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh.

Những bài học kinh nghiệm từ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: “Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên triển khai xây dựng LVHKM trên phạm vi rộng ở nhiều thôn, tổ dân phố (gọi chung là “làng”) bên cạnh những thuận lợi, cũng sẽ có nhiều khó khăn thách thức. Vì thế vừa triển khai thực hiện, vừa nghiên cứu, tổng kết đúc rút bài học kinh nghiệm để nhân rộng mô hình là yêu cầu nhiệm vụ cấp bách đặt ra.”

Vĩnh Phúc: Làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyễn Xuân Thắng trình bày phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh Sỹ Hào.

Từ những kết quả bước đầu trong xây dựng LVHKM ở Vĩnh Phúc, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyễn Xuân Thắng cho biết, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm không chỉ cho riêng Vĩnh Phúc mà có thể là những gợi ý quan trọng cho những địa phương, tỉnh thành khác đã và đang triển khai xây dựng mô hình.

Trong đó, có bài học về lựa chọn lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; bài học về sự đồng bộ trong xây dựng khung thể chế và tổ chức thực hiện; bài học về tư duy đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện nghị quyết.

Để đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã không chỉ dừng ở việc xây dựng, ban hành Nghị quyết, mà còn thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai thực hiện, nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

“Đặc biệt, bài học về đặt lợi ích của người dân lên trước hết, và phát huy lực lượng đoàn kết của nhân dân. Thực tế xây dựng LVHKM ở Vĩnh Phúc đã cho thấy sức mạnh to lớn của lực lượng đoàn kết nhân dân trong thực hiện Nghị quyết của Đảng.

Cách làm lấy người dân làm chủ thể, là trung tâm và là đối tượng được hưởng lợi từ thành quả xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc là một sự cụ thể hóa cho việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.” – đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Nhiều vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn được làm rõ

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 30 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhiều tham luận được trình bày trực tiếp và các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại hai phiên thảo luận bàn tròn. Các tham luận khoa học, các đề xuất, kiến nghị tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, phân tích làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý của việc xây dựng mô hình LVHKM với những đặc trưng cơ bản, đó là có cấu trúc, cảnh quan, không gian văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh; có cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện.

Qua các ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học, cho thấy: Việc xây dựng mô hình LVHKM là một xu thế tất yếu khách quan dựa trên những thành tựu đạt được từ quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đồng thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống.

Vĩnh Phúc: Làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu
Qua thảo luận nhiều vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu với những đặc trưng cơ bản đã được làm sáng tỏ hơn. Ảnh: Sỹ Hào.

Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng việc xây dựng mô hình LVHKM ở Vĩnh Phúc trong thời gian qua. Những thành quả bước đầu cho thấy chủ trương xây dựng mô hình LVHKM của Vĩnh Phúc là đúng đắn, kịp thời; thể hiện bước đột phá mới trong tư duy lãnh đạo, quản lý, trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống với mục tiêu xuyên suốt là “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh”.

Những kết quả bước đầu trong xây dựng mô hình LVHKM đã tạo những chuyển biến căn bản, tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự khởi đầu của một chủ trương đúng, chính sách kịp thời, đã phát huy những hiệu quả rõ rệt trong đời sống thực tiễn. Đây là những bài học kinh nghiệm cần được lan tỏa, nhân rộng hơn nữa.

Thứ ba, hội thảo cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng mô hình làng văn hóa; về chính sách bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn gắn với phát triển bền vững ở một số quốc gia trong khu vực. Đó là những gợi ý, tham khảo hữu ích để Vĩnh Phúc có thể nghiên cứu, vận dụng và triển khai trong xây dựng LVHKM trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội - văn hóa đặc thù.

Thứ tư, qua những trao đổi, chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo cho thấy, việc xây dựng mô hình LVHKM trong bối cảnh hiện nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức từ những tác động của quá trình chuyển đổi mô hình xã hội; từ mặt trái nền kinh tế thị trường; quá trình hội nhập toàn cầu; sự di dân tự do; sự xung đột trong quan niệm về giá trị giữa các thế hệ…

Vì thế việc xây dựng mô hình LVHKM cần phải xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại; giữa tăng tưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.

Thứ năm, hội thảo đã thảo luận, gợi mở và đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách trong việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung bộ tiêu chí trong xây dựng mô hình LVHKM; về những khả năng có thể nhân rộng, triển khai mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh cũng như ứng dụng, triển khai rộng rãi trên phạm vi các thôn, bản, ấp, làng trên phạm vi cả nước.

Kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, hội thảo đã làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu với những đặc trưng cơ bản, đó là có cấu trúc, cảnh quan, không gian văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Qua đó, bước đầu làm rõ thực chất nội dung chủ yếu, các nguyên tắc và cách thức tổ chức, vận hành Làng văn hóa kiểu mẫu. Những thành quả bước đầu cho thấy chủ trương xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu của Vĩnh Phúc là đúng đắn, kịp thời; thể hiện bước đột phá mới trong tư duy lãnh đạo, quản lý, trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Thông qua hội thảo đã gợi mở và đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách trong việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung bộ tiêu chí trong xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu; về những khả năng có thể nhân rộng, triển khai mô hình trên phạm vi toàn tỉnh.

Vĩnh Phúc: Làng văn hóa kiểu mẫu đã khơi dậy thế trận lòng dân xây dựng quê hương giàu đẹp Vĩnh Phúc: Làng văn hóa kiểu mẫu đã khơi dậy thế trận lòng dân xây dựng quê hương giàu đẹp
Vĩnh Phúc: Nhiều “điểm sáng” trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu Vĩnh Phúc: Nhiều “điểm sáng” trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu
Vĩnh Phúc: Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu – thành công từ sự chung sức đồng lòng Vĩnh Phúc: Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu – thành công từ sự chung sức đồng lòng
Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động