Thứ sáu 29/03/2024 14:08

Vĩnh Phúc: Kinh tế xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
9 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ về kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Các chế độ chính sách và an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Thành tựu đạt được, thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Vĩnh Phúc: Kinh tế xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm
Tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc đã hồi phục rất khả quan, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách đạt mức tăng trưởng khá.

Kinh tế xã hội hồi phục mạnh mẽ

Chiều 30/9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Họp báo thường kỳ quý III năm 2022, thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm. Tại buổi họp báo, ông Phan Thế Huy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đạt và vượt so với Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh đề ra. Những kết quả nổi bật đạt được trong 9 tháng đầu năm 2022, đã thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Vĩnh Phúc: Kinh tế xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm
Tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Họp báo thường kỳ quý III năm 2022

Cụ thể, tính đến ngày 15/9, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 25.013 tỷ đồng, tăng 4,66% so với cùng kỳ, bằng 78,43% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 20.250 tỷ đồng, tăng 0,84%, chủ yếu tăng ở khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (đạt 14.280 tỷ đồng, chiếm 70,52% thu nội địa) tăng 7,47% so với cùng kỳ năm trước. So với dự toán giao đầu năm, tính đến nay, các khoản thu về nhà, đất là nguồn thu vượt mức dự toán lớn nhất (đạt 2.828 tỷ đồng), vượt 64,11%; và thu Hải quan đạt 4.742 tỷ đồng, tăng 33,72% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 15.725 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển (bao gồm cả tạm ứng) đạt 8.783 tỷ đồng, tăng 17,38%; chi thường xuyên đạt 6.907 tỷ đồng, giảm 3,63% so với cùng kỳ năm trước. Công tác quản lý chi ngân sách đã được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện công khai quyết toán ngân sách năm 2020 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đúng quy định.

Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 97.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,7% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ cho vay đến 30/9 ước đạt 114.500 tỷ đồng, tăng 12,21% so với cuối năm 2021.

Thu hút nhiều dự án đầu tư

Trong 9 tháng đầu năm 2022, cấp tỉnh đã thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 30 dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư 26 dự án (trong đó có 01 dự án trọng điểm) và phê duyệt 48 dự án đầu tư (trong đó có 02 dự án trọng điểm). Cấp huyện, xã đã thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 231 dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư 210 dự án và phê duyệt 191 dự án đầu tư do cấp huyện, xã quản lý.

Toàn tỉnh đã thu hút được 21 dự án DDI (14 dự án cấp mới, 07 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 9.797 tỷ đồng, tăng 11,09%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 51 dự án (21 dự án cấp mới, 30 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 292,82 triệu USD, bằng 29,5% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 15/9 toàn tỉnh có 999 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 19.348 tỷ đồng, tăng 20,36% về số doanh nghiệp, tăng mạnh 124,76% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022 lên 1.339 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ tạm ngừng kinh doanh, giải thể vẫn tiếp tục tăng do chịu tác động từ việc tăng giá các nguyên vật liệu đầu vào, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay còn hạn chế. Tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tính đến 14/9/2022 trên địa bàn tỉnh đạt 98,03%.

Công nghiệp, du lịch, dịch vụ tăng trưởng khá

Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 15,06% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2019 trở lại đây, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn phục hồi trở lại như trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,22%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,00%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,64%; riêng ngành khai khoáng giảm 33,22%.

Vĩnh Phúc: Kinh tế xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm
Thị trấn Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc là điểm nhấn thu hút nhiều khách du lịch

Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt được những kết quả khả quan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm nay ước đạt 47.954,1 tỷ đồng, tăng 19,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 42.843,6 tỷ đồng chiếm 89,40% tổng mức, tăng 19,53%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 3.227,0 tỷ đồng chiếm 6,73% tổng mức, tăng 22,11%; doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng đạt 1.853,5 tỷ đồng chiếm 3,87% tổng mức, tăng 13,79%.

Dịch vụ du lịch tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng có những dấu hiệu khởi sắc khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022 trong điều kiện bình thường mới. Trong 9 tháng đầu năm 2022: Tổng số lượt khách ước tính đạt: 820.000 lượt; Doanh thu du lịch ước tính đạt: 310 tỷ đồng; Tổng số lượt khách tham quan du lịch ước tính đạt: 6.585.000 lượt khách (Quý III: 2.380.000 lượt khách), tăng 300% so với cùng kỳ năm trước và đạt 82% kế hoạch năm đề ra. Tổng doanh thu du lịch ước 9 tháng đạt: 2.682 tỷ đồng (Quý III: 890 tỷ). Công suất sử dụng phòng đạt 35% đến 40%.

An sinh xã hội đảm bảo

Năm 2022, Vĩnh Phúc có 62 học sinh đoạt giải với 8 giải nhất, 18 giải nhì, 15 giải ba, 21 giải khuyến khích, đứng vị trí thứ 3 cả nước về số lượng giải nhất của kỳ thi và có hai em học sinh dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) và dự thi Olympic Vật Lý châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2022.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, địa phương đã giải quyết việc làm cho 14.295 người (đạt 84,1% kế hoạch), trong đó: Giải quyết việc làm trong nước 13.876 người; đưa 419 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân người có công được đảm bảo. Các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác.

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2022, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong từng lĩnh vực cụ thể, để khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tập trung kiểm soát dịch Covid-19. Tập trung triển khai kế hoạch về xúc tiến đầu tư năm 2022, trong đó chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh. Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; triển khai nhanh các thủ tục đầu tư, phối hợp các huyện/thành phố tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về GPMB.

Địa phương cũng có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động