Vĩnh Phúc: Khắc phục khó khăn, đạt nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVĩnh Phúc là địa phương nằm trong tốp 10 tỉnh có tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước giai đoạn 2021 - 2022. Ảnh: Sỹ Hào |
Địa phương thuộc tốp đầu phát triển kinh tế
Những kết quả quan trọng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chính là thành quả đạt được từ sự đồng lòng nhất trí giữa Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc trong nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2022 đạt 8,8%. Năm 2021 tăng trưởng 8,06% so với năm 2020; năm 2022 tăng 9,4% so với năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay, đứng thứ 5 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 17 cả nước.
Đặc biệt năm 2022 tăng lên 153,12 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 14 cả nước. Giá trị GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 127,8 triệu đồng người, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 9 cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Ước đến năm 2023, tỷ trong công nghiệp, xây dựng chiếm 62,5 - 63,8%; dịch vụ chiếm 29,5 - 30,5% và nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,5-6,9%.
Kì họp thứ 11 HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII ghi nhận nhiều kết quả quan trọng toàn diện mà Đảng bộ, Chính quyền Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã gặt hái được trên mọi lĩnh vực. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc. |
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao, năm 2020 tổng thu ngân sách đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, năm 2021 đạt 32,9 nghìn tỷ đồng và năm 2022 lập dấu mốc mới đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 33,6 nghìn tỷ đồng; ước tính năm 2023 đạt khoảng 32,9 nghìn tỷ đồng.
Công nghiệp tiếp tục được xác định là ngành kinh tế chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu giai đoạn 2021 - 2023 đều tăng. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như NorthStar Precious; Sojit, Kraft Vina... quan tâm và lựa chọn Vĩnh Phúc để triển khai đầu tư. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số doanh nghiệp nội làm chủ chuỗi cung ứng sản xuất như: Cosmos, Á Mỹ, CNC... sản xuất các sản phẩm xuất khẩu Mỹ, Châu Âu và các thị trường lớn trên thế giới.
Từ năm 2021 đến năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút vốn đầu tư FDI đạt 1,9 tỷ USD (MTĐH: Thu hút thêm vốn đầu tư 5 năm là 2 - 2,5 tỷ USD). Lũy kể đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 468 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,9 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh.
Không gian đô thị, hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc đang từng bước hình thành và ngày càng được hoàn thiện. Ảnh: Sỹ Hào. |
Lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng có dấu hiệu phục hồi tốt và tăng trưởng ổn định. Hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị cùng với chợ truyền thống tiếp tục được quan tâm đầu tư. Tinh đang tập trung triển khai các trình tự, thủ tục và tiến hành đầu tư Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Hoạt động du lịch từng bước được phục hồi và phát triển. Năm 2022, Khu du lịch Tam Đảo trở thành khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới.
Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất vùng tập trung quy mô lớn. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao được mở rộng diện tích; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP, sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi ngày càng phát triển mạnh theo hướng công nghiệp và là thế mạnh của tỉnh, nhất là chăn nuôi lợn, gia cầm. Một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn được hình thành và liên kết tiêu thụ; nuôi trồng thủy sản tiếp tục giữ được ổn định và phát triển.
Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện
Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch được đặc biệt quan tâm, một số dự án giao thông lớn, trọng điểm được triển khai, trở thành điểm nhấn của đô thị với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Có thể kể đến các công trình, cầu Vĩnh Phú nối liền hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ; cầu Đầm Vạc; đường từ cầu Bì La đi trung tâm Thị trấn Lập Thạch; đường tỉnh lộ 302 đến đền Thõng Khu danh thắng Tây Thiên; đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (xã Văn Quán) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi khu công nghiệp Sông Lô I; đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến Khu danh thắng Tây Thiên...
Danh thắng Tây Thiên, thuộc huyện Tam Đảo Vĩnh Phúc là khu du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Sỹ Hào. |
Hệ thống lưới điện, hạ tầng thương mại, nước sạch, nước thái, mạng lưới dịch vụ bưu chính được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiệu quả. Hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ người bệnh.
Một số công trình y tế lớn đã được triển khai đầu tư xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân như Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc; Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc... Hạ tầng giáo dục được tăng cường đầu tư, hoàn thiện như, trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; đồng thời, bố trí ngân sách để đầu tư xảy dựng mới 6 trường THCS chất lượng cao và cải tạo, sửa chữa các trường học đảm bảo đạt chuẩn Quốc gia theo quy định.
Công tác cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính được đẩy mạnh
Vĩnh Phúc tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hiện đại hóa nền hành chính công, minh bạch các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước, các dịch vụ công trực tuyến ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực.
Đến nay, phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến của tinh truy cập tại địa chỉ: dichvucong.vinhphuc.gov.vn đã kết nối gần 750 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với cổng dịch vụ công quốc gia.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được tính quyết liệt triển khai thực hiện. Giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh đã thực hiện GPMB 2.875ha phục vụ các công trình, dự án để từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Đã chỉ đạo triển khai lập phương án sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh và lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cáp huyện thời kỳ 2021 - 2030.
Có thể thấy, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành nghiên cứu, học tập quán triệt Nghị quyết và tổ chức triển khai thực hiện bằng các nghị quyết chuyên đề, các chỉ thị, chương trình, đề án, kế hoạch, quy định, kết luận cụ thể sát với tình hình thực tiễn của tỉnh và bối cảnh của đất nước.
Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại