Thứ tư 16/10/2024 07:30

Việt Nam tiêu tốn 24 nghìn tỷ đồng chi phí cho điều trị bệnh liên quan đến thuốc lá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thống kê năm 2020 cho thấy tại Việt Nam, mỗi năm người dân phải bỏ ra 49 nghìn tỷ đồng để mua thuốc lá; có 40 nghìn người tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá được cho là biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.
Việt Nam tiêu tốn 24 nghìn tỷ đồng chi phí cho điều trị bệnh liên quan đến thuốc lá
Mỗi năm người dân phải bỏ ra 49 nghìn tỷ đồng để mua thuốc lá. Ảnh minh hoạ

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm có hại cho sức khoẻ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi nhằm giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ.

Dự thảo đề xuất giải pháp nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng,...

Điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Giải pháp là nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số mặt hàng; tăng thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.

Theo chia sẻ của ThS.BS.Nguyễn Tuấn Lâm tại hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, do Bộ Thông tin và truyền thông thực hiện, Chính phủ Việt Nam nên tận dụng tốt chính sách thuế như một biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả và tiết kiệm chi phí tối ưu bằng cách thiết lập lộ trình rõ ràng để tăng thuế thuốc lá nhằm đạt tới mức 70% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO.

Theo vị chuyên gia này, tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm khả năng chi trả cho thuốc tại Việt Nam, điều này sẽ tốt cho sức khỏe cộng đồng. Nó sẽ thúc đẩy người hút thuốc bỏ thuốc lá và ngăn người không hút thuốc, đặc biệt là thanh thiếu niên, khỏi việc hút thuốc.

"Tăng mạnh thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm gánh nặng sức khoẻ và kinh tế do thuốc lá. Bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới cho thấy thuế và giá thuốc lá cao làm giảm sử dụng thuốc lá, đồng thời mang lại nhiều lợi ích về kinh tế ", Ths-Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nói.

Tăng thuế để giảm gánh nặng kinh tế và sức khoẻ

Việt Nam tiêu tốn 24 nghìn tỷ đồng chi phí cho điều trị bệnh liên quan đến thuốc lá
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế

Phân tích những lợi ích của việc tăng thuế thuốc lá, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết: Thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện quá thấp. Mức tăng thuế và giá trong những năm qua chậm hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người và lạm phát, khiến cho thuốc lá ngày càng trở nên rẻ hơn, dễ mua hơn.

Việt Nam điều chỉnh và tăng thuế TTĐB 4 lần từ năm 2006 đến năm 2019, trong thời gian đó, thuế TTĐB thuốc lá chỉ tăng 20% (từ 55% lên 75%, mức tăng trung bình khoảng 1.25%/năm), trong khi tăng trưởng kinh tế hàng năm cao hơn nhiều từ 4%-5%.

Khi quy đổi sang tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ, chuẩn quốc tế để so sánh mức thuế ở các nước, thì thuế thuốc lá (bao gồm cả VAT) của Việt Nam chỉ chiếm 38,8,% giá bán lẻ. Mức này thấp hơn nhiều so với các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới (58%) và thấp hơn phần lớn các nước ASEAN. Nhìn chung các lần tăng thuế trong những năm qua là khá nhỏ và không có nhiều tác động.

Do đó có thể tăng mạnh thuế thuốc lá để vừa tăng doanh thu thuế vừa giảm tiêu dùng thuốc lá, Việt Nam nên tiếp tục tăng sao thuế thuốc lá sao cho cho thuế chiếm 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ, theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Nói về lợi ích khi tăng thuế thuốc lá, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam khẳng định: Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, WHO ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi (tác động mạnh hơn so với nhóm người trưởng thành).

"Tăng giá thuốc lá thông qua thuế thuốc lá có thể bảo vệ sức khoẻ trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên khỏi các nguy cơ tử vong, bệnh tật do sử dụng thuốc lá thông qua thúc đẩy bỏ thuốc, ngăn chặn hút mới, và giảm số điếu hút", Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm bày tỏ.

Việt Nam nằm trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trên toàn thế giới. Theo WHO, mỗi năm hơn 15 triệu người Việt Nam hút thuốc và 40.000 người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Nếu không có biện pháp thích hợp, ước tính số ca tử vong do hút thuốc sẽ lên tới 70.000 mỗi năm vào năm 2031.

Bộ Tài chính đưa vào Dự thảo Luật Thuế TTĐB quy định điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe (trong đó có thuốc lá) trên cơ sở phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về tăng thuế TTĐB với thuốc lá để hạn chế tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Quan điểm này đã được thể hiện rõ trong nhiều văn bản, chính sách bao gồm: Nghị quyết 20 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới quy định: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”; Quyết định số 508/QĐ-TTG của Chính phủ ngày 23/4/2022 về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nêu rõ “Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế…”; Quyết định 1092/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam nêu rõ “Nghiên cứu đề xuất mức thuế và thực hiện lộ trình tăng thuế phù hợp đối với thuốc lá, đồ uống có cồn và các sản phẩm kinh doanh có điều kiện khác để hạn chế sử dụng sản phẩm không có lợi cho sức khỏe” và đặt mục tiêu “giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành xuống 37% vào năm 2025 và 32,5% vào năm 2030”.

Phát hiện hàng trăm bộ máy hút thuốc lá điện tử và tinh dầu không rõ nguồn gốc
"Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin"
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động