Chủ nhật 25/08/2024 22:19
Góp ý Dự thảo Đề án thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC:

Việc thực hiện mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công chưa phù hợp với Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Dự thảo Đề án thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, dù Hà Nội được cho phép tổ chức từ 2 đến 3 Trung tâm phục vụ hành chính công, nhưng  với các vấn đề về diện tích vận hành, biên chế CBCC, hệ thống công trình phụ trợ phục vụ công dân, dịch vụ giao thông… nên việc thực hiện chưa thực sự phù hợp.

Đây là ý kiến của Văn phòng UBND TP Hà Nội với đoàn khảo sát của Cục Kiểm soát TTHC-Văn phòng Chính phủ tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội để lấy ý kiến về Dự thảo Đề án thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC ngày 28-9.

Theo báo cáo của Văn phòng UBND TP Hà Nội về kết quả thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho thấy: Nhìn chung, Nghị định đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở T.Ư và địa phương, lấy người dân, tổ chức làm trung tâm; tạo thuận lợi cho việc thực hiện TTHC…

Về cơ bản, các TTHC trên địa bàn đều được giải quyết đúng thời hạn quy định, nhiều hồ sơ TTHC được trả trước hạn. Tính từ năm 2018 đến nay, toàn TP đã tiếp nhận 28.127.894 hồ sơ (bao gồm cả số hồ sơ TTHC do cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tiếp nhận, giải quyết), đã giải quyết đúng hạn 27.859.511 (tỷ lệ đúng hạn 99,04 %).

viec thuc hien mo hinh trung tam phuc vu hanh chinh cong chua phu hop voi ha noi
Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Lê Tự Lực phát biểu tại buổi làm việc ngày 28-9. Ảnh: V. Hà

Tới thời điểm hiện tại, Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung ba cấp của TP đã được tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của TP có tính năng đánh giá kết quả giải quyết TTHC phù hợp với quy định. Tính đến nay, tổng số TTHC của TP là: 1.859 TTHC trong đó có 1.684 TTHC đủ điều kiện để triển khai DVC mức độ 3, 4. Tổng số DVC TT mức 3, 4 của TP đang cung cấp cho người dân và DN là: 1.671/1.684 TTHC...

Tuy nhiên, theo Văn phòng UBND TP Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã mở rộng rất nhiều cả về quy mô dân số và diện tích. Tình trạng giao thông với hạ tầng giao thông hạn chế và đặc biệt là sự tập trung về mật độ các cơ quan hành chính T.Ư trên địa bàn, các trường ĐH vẫn nằm trong khu vực nội thành. Với vai trò là Thủ đô, trung tâm chính trị của cả nước, TP xác định mục tiêu phát triển “đô thị thông minh; chính quyền điện tử” với nhiều giải pháp đồng bộ và thống nhất, đặc biệt là việc lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp hàng đầu trong việc phục vụ xây dựng TP trong tương lai.

Do vậy, việc thực hiện mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công như quy định là chưa thực sự phù hợp với TP, dù được cho phép tổ chức từ 2 đến 3 Trung tâm (Hà Nội và TP HCM) với các vấn đề như: Việc tập trung công dân đến giao dịch tại Trung tâm; diện tích và vận hành của một Trung tâm; biên chế cán bộ, công chức; các hệ thống công trình phụ trợ phục vụ công dân đến giao dịch; hạ tầng giao thông, dịch vụ giao thông kết nối trên địa bàn…

Bên cạnh đó, việc thu phí, lệ phí thực hiện TTHC cũng bất cập trong thực tế về bố trí công chức thực hiện và cách thức thực hiện. Nguyên nhân do việc thực hiện thu phí, lệ phí được giao cho công chức làm công tác văn phòng-thống kê (chức danh kế toán, thủ quỹ) hoặc chức danh kế toán- thủ quỹ các đơn vị-trực thuộc Văn phòng. Nay, việc quy định về cơ cấu của Bộ phận một cửa thì không có đối tượng này.

Quy định việc quyết toán phí, lệ phí thực hiện theo quý cho cơ quan chuyên môn của đơn vị và nhiệm vụ thu được giao cho công chức chuyên môn được cử đến làm việc tại Bộ phận một cửa-không đúng về chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc tài chính kế toán.

Văn phòng UBND TP Hà Nội kiến nghị và đưa ra một số giải pháp, cụ thể: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đánh giá thêm tác động của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các địa phương (đặc biệt đối với cấp xã và cấp huyện) để xem xét, quyết định việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo hiệu quả thực hiện trong thực tế.

Đối với việc thực hiện bố trí công chức làm nhiệm vụ tại Bộ phận một cửa, Văn phòng UBND TP kiến nghị, ngoài việc áp dụng thống nhất theo đúng quy định của Nghị định về việc bố trí công chức từ các phòng chuyên môn làm nhiệm vụ tại Bộ phận một cửa thì đối với các trường hợp lĩnh vực chuyên môn có số lượng yêu cầu thực hiện hồ sơ hành chính không nhiều (dưới 50 hồ sơ trong 1 năm) hoặc theo đợt thì các phòng chuyên môn được thỏa thuận thống nhất cử 1 công chức của 1 phòng chuyên môn làm nhiệm vụ tiếp nhận cho các phòng này. Việc thỏa thuận này được thể hiện bằng quy chế phối hợp giữa các phòng và do Thủ trưởng đơn vị quyết định.

Đồng thời, Văn phòng UBND TP cũng kiến nghị đoàn khảo sát nghiên cứu thực tế và xây dựng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với tình hình, khả năng và mục tiêu phát triển của TP.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động