Vì sao công dân tố cáo Phó Chủ tịch UBND phường?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMặc dù công dân có đơn nhưng UBND phường vẫn chấp thuận cho đơn vị thi công tiến hành công việc trước cửa nhà 11A Nguyễn Thiệp. Ảnh: Ngô Xuân Sơn |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Làm việc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Yên, số nhà 11A Nguyễn Thiệp, phường Nguyễn Trung Trực cho biết, sáng 31-5-2021, sau khi mở cửa nhà, bà không khỏi bất ngờ thấy một hố chôn cột điện đã đổ xong bê tông cùng với 4 chân chờ bằng kim loại. Tìm hiểu, bà được biết, những chân chờ này dùng để bắt vào thân cột điện chiếu sáng. Điều đáng nói, hố chờ cột điện này được đào ngay trước cửa nhà bà, ảnh hưởng đến mỹ quan và an toàn đi lại. “Không chỉ hố bê tông chờ cột điện này, trước cửa nhà tôi đang hiện diện một loạt ống dây điện bằng cổ tay, rồi Trụ phân dây 600V-250A-18 của bên điện lực. Các nhà quanh đây chẳng nhà nào nhiều hệ thống điện như nhà tôi. Điều khiến tôi và gia đình không hài lòng, trước đó không hề nhận được thông báo từ phía UBND phường, tổ dân phố hay đơn vị thi công. Thợ thi công làm việc vào lúc đêm xuống, khi nhà nhà còn đang đi ngủ nên chúng tôi không thể biết”.
Phóng viên đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Trịnh Tuyết Thanh, Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực. Bà Thanh cho biết, công dân phải có đơn gửi thì phường mới biết để có căn cứ làm việc với đơn vị thi công. Từ trước tới giờ, việc chôn cột điện bao giờ cũng chọn vị trí giáp ranh giữa các số nhà. Đơn vị thi công bao giờ cũng thực hiện theo thiết kế đã được phê duyệt. Trách nhiệm chính thuộc về bên thi công.
Được biết, đơn vị thi công này trực thuộc Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng và thiết bị đô thị, địa chỉ 30 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bà Yên cho biết: “Ngày 1-6, tôi gửi đơn kiến nghị tới UBND phường Nguyễn Trung Trực thì ngày 2-6, đội thợ do ông Sơn dẫn đầu vẫn tiếp tục đến thi công với ý định lắp thân cột điện. Tôi đề nghị đội thợ dừng công việc, bởi gia đình đang có đơn. Sau đó đội thợ này chuyển đi chỗ khác. Ngày 3-6, tôi tiếp tục có đơn gửi tới Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng và thiết bị đô thị đề nghị xem xét lại vị trí chôn hố chờ để thi công cột điện.
Ngày 8-6, vẫn đội thợ trên quay lại tiếp tục thi công, họ nói thi công theo thiết kế, đã được UBND phường đồng ý. Chỉ đến khi đại diện của Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng và thiết bị đô thị trực tiếp xuống hiện trường, yêu cầu thợ dừng thi công thì nhóm thợ trên mới chịu chấp hành”.
Phóng viên có buổi làm việc với ông Nguyễn Việt Dũng, đại diện cho Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng và thiết bị đô thị. Ông Dũng cho biết, chính mình là người xuống hiện trường chỉ đạo thợ dừng công việc vì công dân đang có đơn. Lý do để đội thợ tiếp tục thi công vì trước đó, UBND phường đã tổ chức cuộc họp, thành phần có bên thi công, tổ dân phố, thanh tra xây dựng… nhưng người cần mời nhất là công dân có đơn thì lại không được mời. Quan điểm giải quyết sự việc, cty sẽ có văn bản gửi về UBND phường Nguyễn Trung Trực đề nghị phối hợp về vị trí thi công. UBND phường không thể đẩy hết trách nhiệm sang cty.
Ông Dũng giải thích, hố chôn cột điện đúng là nằm ngay trước cửa số nhà 11A Nguyễn Thiệp nhưng trước đó vị trí này từng có một cột điện bê tông. “Công trình chiếu sáng là để phục vụ người dân. Giờ công dân gửi đơn, chúng tôi sẽ tạm dừng để phía phường chọn vị trí hoặc giữa hai nhà dân đồng thuận chọn vị trí giáp ranh thì mới tiếp tục thi công”, ông Dũng nói.
Toàn cảnh cho thấy, số nhà 11A Nguyễn Thiệp được “chăm sóc” khá kĩ bởi một loạt thiết bị của bên điện lực và hố chôn cột điện của Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng và thiết bị đô thị. Ảnh: Nguyễn Khắc Hạnh |
Vì sao người dân phải làm đơn tố cáo?
Trước việc lãnh đạo UBND phường Nguyễn Trung Trực tiếp nhận đơn của công dân nhưng không giải quyết, vẫn tổ chức cuộc họp và chấp thuận cho đơn vị thi công làm việc. Mới đây, công dân chính thức có đơn tố cáo bà Nguyễn Trịnh Tuyết Thanh, Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực tới Chủ tịch UBND phường và các cấp liên quan vì hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Tiếp công dân.
Luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc công dân tố cáo bà Thanh hoàn toàn có căn cứ. Trách nhiệm của UBND phường trong việc tiếp nhận, phân loại đơn của công dân được quy định tại các Điều 26, 27 của Luật Tiếp công dân. Đặc biệt, Điều 28 về thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nói rất rõ: “Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…”.
Văn bản này có thể chấp thuận thụ lý giải quyết đơn hoặc xem xét cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo. UBND phường cũng có quyền từ chối thụ lý đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý…
Như vậy, cho dù đồng ý hay không đồng ý… giải quyết đơn, lãnh đạo UBND phường phải có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến công dân.
Rõ ràng, khi chưa trả lời dân, UBND phường đã tổ chức cuộc họp các bên, đồng ý để đơn vị thi công tiếp tục dựng cột điện là không tuân thủ đúng Luật Tiếp công dân. Chính vì vậy, người dân tố cáo hoàn toàn có căn cứ.
Luật sư Doãn cho rằng, người dân làm đơn tố cáo là thể hiện nhận thức văn minh, lấy Thượng tôn pháp luật làm đầu, qua đó cũng là lời cảnh tỉnh để các cấp chính quyền tôn trọng và không xa dân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại