Thứ sáu 19/04/2024 20:29

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh và hành trình vượt khó

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bất lợi về hình thể và bệnh viêm cầu thận từng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thi đấu của VĐV Nguyễn Thị Oanh, nhưng với nghị lực phi thường, cô đã chiến thắng số phận và cháy hết mình với đam mê.

Sau cú hat-trick 2 HCV SEA Game 29 tổ chức tại Malaysia năm 2017, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh tiếp tục giành 2 HCĐ tại giải điền kinh trong nhà vô địch châu Á tổ chức tại Iran hồi tháng 1- 2018. Thành tích bất ngờ của cô gái SN 1995 đến từ đội điền kinh Bắc Giang đã đưa tên tuổi Nguyễn Thị Oanh tỏa sáng trong đội tuyển điền kinh quốc gia tại đấu trường khu vực.

Oanh kể, cơ duyên đưa cô đến với môn điền kinh thật tình cờ. Đó là năm Oanh 15 tuổi, dấu ấn của cô từ cái nôi của phong trào việt dã ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã lọt vào mắt xanh của các thầy cô trong đội tuyển điền kinh của tỉnh. Tuy nhiên, bất lợi về hình thể với chiều cao hạn chế chỉ 1m48 , khiến cô “suýt” bị gạch tên khỏi danh sách đội tuyển. May mắn nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô, Oanh có tên trong đội.

vdv dien kinh nguyen thi oanh va hanh trinh vuot kho
Nụ cười chiến thắng của VĐV Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games 29. ẢNH: FBNV

Oanh nhớ như in lần đầu tiên đặt chân lên đường pitch để chạy những bước chân đầu tiên, cô cảm thấy rất ngỡ ngàng. Nhờ sự nỗ lực vượt bậc, Oanh sớm khẳng định được tài năng của mình trên đường đua tốc độ.

Khi đang ở lứa tuổi trẻ, Oanh gặt hái cho mình tấm HCV ở giải vô địch trẻ Đông Nam Á, HCV giải Vô địch trẻ châu Á, giành HCB tại SEA Games 27 (năm 2013) và thường xuyên giành vị trí nhất, nhì quốc gia các cự ly chạy sở trường: 3.000m vượt chướng ngại vật, 1.500m và tiếp sức 4 x 800m nữ. Thế nhưng, khi đang bắt đầu sự nghiệp thi đấu đỉnh cao thì căn bệnh viêm cầu thận quái ác khiến cô phải tạm nghỉ thi đấu hoàn toàn.

Oanh ngậm ngùi: “Đó là vào giai đoạn tháng 12-2014, sau khi thi đấu về tôi thấy mặt mình bỗng nhiên có nhiều chỗ sưng tấy. Nhiều người bảo tôi chỉ bị dị ứng, nhưng cảm quan cho tôi biết rằng đó không phải là những nốt dị ứng thông thường. Khi nhận kết quả bị viêm cầu thận, trong lòng tôi suy sụp, bởi tôi phải nghỉ thi đấu. Đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ phải giải nghệ. Thế nhưng, nhờ sự tận tình của các y bác sĩ và căn bệnh được phát hiện và chữa trị kịp thời nên thời gian phục hồi nhanh”.

Trở lại thi đấu, Oanh khiến các chuyên gia và HLV nghi ngờ về khả năng giành thành tích cao. Nhờ sự quyết tâm, Oanh đã chinh phục hàng loạt giải thưởng tại đường đua tốc độ khi liên tiếp giữ vị trí số 1 tại giải điền kinh quốc tế Hà Nội mở rộng ở cự ly 1.500m, 5.000m và giành HCB chạy tiếp sức 4 x 800m. Cùng với đó, Oanh còn giành thêm HCV quốc tế tại giải điền kinh TP HCM mở rộng ở cự ly 5.000m nữ. Giữa năm 2016, cô giành HCV đồng đội và HCB cá nhân tại giải bãi biển châu Á (ABG 5). Sự tỏa sáng của “cô bé hạt tiêu” đã đặt kỳ vọng về việc cô sẽ đổi màu huy chương từ “Bạc” thành “Vàng” tại SEA Games 29.

Đúng như kỳ vọng, Oanh lập cú hat-trick khi giành 2 tấm HCV tại SEA Games 29 được tổ chức ở Malaysia. Thành tích này cũng góp phần nâng bảng tổng sắp huy chương lên con số 17 HCV của đội tuyển điền kinh quốc gia. Và lần đầu tiên trong lịch sử, điền kinh Việt Nam đã lật đổ sự thống trị của Thái Lan chiếm giữ vị trí số 1 tại đấu trường SEA Games.

Có một điều kỳ lạ là, ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nữ, nước chủ nhà Malaysia không tổ chức vì thiếu các nước tham gia. Đây lại là nội dung sở trường của cô gái Bắc Giang. Lần đầu thử sức với đường chạy 1.500m, Nguyễn Thị Oanh không giấu nổi cảm giác lo lắng. Cô ra sân với tâm lý chạy hết sức có thể bởi cô chưa từng tranh tài ở nội dung này nên không biết đối thủ của mình mạnh, yếu ra sao.

Mặc dù bất đắc dĩ phải chuyển sang nội dung thi đấu, nhưng kết quả tập luyện vỏn vẹn 2 tháng đã giúp Oanh có được kỹ thuật và phong độ của mình. Thi đấu ở nội dung sở đoản, nhưng Oanh vẫn thể hiện phong độ xuất sắc khi đích đầu tiên ở 4’20’’51. Bỏ xa người về nhì Vũ Thị Ly đến hơn 10 giây (4’30’’68). Ngoài nội dung 1.500m, Nguyễn Thị Oanh còn góp mặt đường chạy 5.000m và giành HCV danh giá.

Chia sẻ về chế độ tập luyện, Oanh cho hay: Tôi tập luyện 2 buổi/ngày. Mỗi buổi trong khoảng 2g30 – 3g tùy tính chất từng buổi tập. Mỗi thời kỳ tập luyện đều có những khó khăn nhất định. Thời kỳ chuẩn bị chung, tôi thường vật lộn với những bài thể lực, chạy việt dã đường dài,... Bước vào thời kỳ thi đấu, tôi tập chuyên sâu vào các bài tập chuyên biệt cho nội dung của mình. Rất khắc nghiệt nhưng nghĩ đến ngày thi đấu, ngày hái quả mình, tôi đã cố gắng nỗ lực vượt qua. Bên cạnh đó, tôi có 1 buổi tập thả lỏng và có ngày nghỉ cuối tuần để có thời gian cho cơ bắp nghỉ ngơi không bị quá sức.

Cũng theo Oanh, do thể hình hạn chế là một bất lợi lớn, cô khó phát triển các bài tập theo ý của mình, của thầy theo giáo án. Bản thân Oanh thường phải tập thêm các bài tập bổ trợ nhiều để nâng cao thành tích. Nhưng nghị lực cùng đam mê đã giúp cô gái Bắc Giang vượt qua tất cả. Khi được hỏi, điểm mạnh và điểm yếu của Oanh trên đường đua tốc độ? Oanh thẳng thắn: Tốc độ của tôi còn thiếu, yếu rất nhiều, tôi cần cố gắng tập các bài tập sức mạnh thêm cho cơ bắp. Về điểm mạnh thì tôi chưa thấy mình phát huy được gì, có chăng thì tôi có được bước sải chân kha khá thôi.

Nguyễn Thị Oanh tiết lộ mục tiêu cho những bứt phá năm 2018, cô sẽ cố gắng nỗ lực để cải thiện thành tích của bản thân. “Hai mốc quan trọng là Đại hội thể thao châu Á ASIAD 2018, tổ chức tháng vào tháng 8 và giải Đại hội thể dục thể thao toàn quốc tổ chức tháng 11. Đối với ASIAD là một đấu trường lớn, khi tôi được tham gia sẽ cố gắng học hỏi thêm kinh nghiệm, nâng cao thành tích bản thân và hi vọng được lọt vào top3. Tại giải Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, tôi sẽ cống hiến hết mình để mang lại thành tích cho đội nhà, hoàn thành chỉ tiêu được giao”, VĐV Nguyễn Thị Oanh nói.

Với kinh nghiệm chinh chiến nhiều giải đấu khu vực và quốc tế, theo Oanh, mỗi VĐV điền kinh cần hội tụ đủ 4 yếu tố về: Thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý và phải luôn giữ vững vàng ý chí, kiên trì và nỗ lực cố gắng tiến về phía trước. Điều quan trọng nhất là luôn giữ cho mình ý chí phấn đấu vươn lên vượt qua mọi khó khăn, không buông xuôi. Và tôi hiểu rằng, con đường đi đến thảm đỏ của VĐV Nguyễn Thị Oanh hôm nay chính là hành trình “khổ luyện thành tài”.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động