Chủ nhật 24/11/2024 12:55

Vận tải hàng hóa giữa các tỉnh sắp được gỡ khó?!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chính phủ liên tục có những chỉ đạo về việc tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, nhưng vẫn còn không ít địa phương với lí do phòng chống dịch nên đặt ra nhiều quy định về vận chuyển gây nhiều khó khăn cho DN, người dân.
Tình trạng tốn kém chi phí, chậm tiến độ giao hàng sắp được giải quyết?!
Tình trạng tốn kém chi phí, chậm tiến độ giao hàng sắp được giải quyết?!

Liên tiếp các công văn chỉ đạo

Ngày 21-9, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận tải GTVT rà soát, yêu cầu bãi bỏ các văn bản của địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng về lưu thông hàng hóa, các địa phương không được ban hành các giấy phép con.

Trong đợt dịch lần thứ 4, đây là lần thứ ba Thủ tướng chỉ thị cho ngành GTVT và các địa phương phải đảm bảo cho hàng hóa được lưu thông thông suốt trên toàn quốc và không được đặt ra các giấy phép con và các quy định “ngăn sông cấm chợ”.

Trên thực tế, ngày 22-9, Sở Y tế Hải Phòng tiếp tục ban hành hướng dẫn tạm thời biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó quy định lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng RT-PCR trong vòng 72 giờ kể từ lúc lấy mẫu.

Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu lái và phụ xe tải, xe container chở hàng hóa liên tỉnh phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19 nhưng chỉ chấp nhận kết quả trong tối đa 48 giờ kể từ giờ lấy mẫu. Sau khi phía Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu mặt hàng thanh long qua cửa khẩu Móng Cái do phát hiện trên bao bì có virus SARS-CoV-2, Quảng Ninh quy định từ ngày 22-9 áp dụng thêm biện pháp xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và xe vận chuyển tại khu vực cửa khẩu cầu Bắc Luân II. Vị trí lấy mẫu sẽ gồm tay nắm cửa xe, vôlăng, thành trong container, bề mặt bao bì, bao gói hàng hóa, hàng hóa...

DN trung chuyển từ cửa khẩu Lạng Sơn sang Móng Cái cũng gặp không ít khó khăn, bởi tại Lạng Sơn chỉ có một BV xét nghiệm RT-PCR và chỉ lấy mẫu từ 8g - 11g và 16g hôm sau mới trả kết quả. Việc này tốn kém thêm chi phí và mất thời gian chờ đợi, nguy cơ giao hàng chậm tiến độ và tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh khi tài xế phải ăn ở tập trung và xét nghiệm khiến nhiều DN lao đao.

Ngày 21-9, Bộ GTVT đã ban hành văn bản đề nghị các sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh, TP chỉ đạo giải quyết triệt để ách tắc trong lưu thông hàng hóa; ban hành chính sách hỗ trợ chủ xe, tài xế để giảm chi phí vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp; ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tài xế, nhân viên bốc xếp hàng hóa. Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương có cửa khẩu chủ động hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại tại cửa khẩu; đảm bảo thông quan xuất khẩu nông sản trong mọi tình huống.

Đến tối ngày 25-9, Bộ GTVT lại ra công điện gỡ khó cho hoạt động vận tải cả nước. Đây là công điện thứ hai được Bộ GTVT ban hành trong 3 ngày gần nhau để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch trên các tuyến giao thông đường bộ.

Tình trạng chậm tiến độ giao hàng sắp được giải quyết?!

Do có những quan điểm, nội dung, trình tự trong kiểm soát dịch, phương án tổ chức giao thông chưa hợp lý tại các chốt kiểm soát dịch ở cấp tỉnh, huyện, xã nên ở một số thời điểm tại các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, việc kiểm soát phương tiện đi lại, hàng hóa vận chuyển còngặp những khó khăn, bất cập.

Đặc biệt, trên địa bàn một số địa phương còn có hiện tượng ùn tắc cục bộ do quy định chưa phù hợp như: Yêu cầu thay thế lái xe của địa phương; quy định giá trị hiệu lực của giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 là 24 giờ hoặc 48 giờ ngắn hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế là 72 giờ; giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn giá trị nhưng vẫn yêu cầu lái xe xét nghiệm lại, bắt xe quay đầu lại nơi xuất phát… dẫn đến tăng chi phí cho DN, gây bức xúc trong dư luận, người dân.

Hiện tượng này cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin, phản ánh nhiều lần trong những ngày vừa qua. Để sớm chấm dứt tình trạng này, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu GĐ các Sở GTVT khẩn trương tổ chức kiểm tra tình trạng giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh, TP và xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gây ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch và chấm dứt ngay tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường bộ.

GĐ các Sở GTVT phải tham mưu cho UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thu hồi ngay các văn bản không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gây ùn tắc giao thông; thực hiện tiền kiểm, hậu kiểm các phương tiện vận tải theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25-7-2021 về việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19; văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29-7-2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá trong tình hình dịch Covid-19 và Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Theo quan điểm của Bộ GTVT, hiện nay trên địa bàn một số địa phương vẫn còn hiện tượng để xảy ra ùn tắc giao thông trên tuyến đường bộ, đặc biệt khu vực có chốt kiểm soát dịch làm ảnh hưởng đến tình trạng vận chuyển và tiêu thụ hàng nông sản của người dân; đồng thời làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu GĐ các Sở GTVT khẩn trương tổ chức kiểm tra tình trạng giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh, TP và xử lý nghiêm theo thẩm quyền, chấm dứt ngay tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường bộ.
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động