Văn hóa dân gian “hồi sinh” trong các sản phẩm sáng tạo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông chúng thích thú với trải nghiệm Pavilion “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Tuyết Linh |
Những năm gần đây, văn hóa dân gian trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho nhiều lĩnh vực sáng tạo, từ âm nhạc, hội họa đến phim ảnh, thời trang. Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia khoác lên diện mạo mới với biểu tượng sáng tạo lấy cảm hứng trò chơi dân gian “Rồng rắn lên mây”. Từ chất liệu inox gương được tái sử dụng trong Pavilion “Bến chờ” trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, kiến trúc sư Nguyễn Công Hiệp và các cộng sự lên ý tưởng sáng tạo công trình mang tính biểu tượng Thủ đô. Hình ảnh trò chơi dân gian “Rồng rắn lên mây” được tái hiện với hình thái uốn lượn, độc lạ. Điểm đặc biệt trong thiết kế sáng tạo là trưng bày các mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thu nhỏ và lắp ráp mô hình Bảo tàng bằng gỗ giúp công chúng tham quan dễ dàng khám phá dáng vẻ của công trình lịch sử Thủ đô ở nhiều góc độ về lịch sử hình thành, phát triển và phong cách kiến trúc độc đáo.
Xuyên suốt chuỗi hoạt động tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024, các nhà thiết kế khéo léo lồng ghép trang phục áo dài truyền thống của người Việt qua các thời kỳ để đưa sản phẩm tiệm cận thị trường đương đại. Với bộ sưu tập “Nét xưa”, Nhà thiết kế Châu Loan đã xây dựng ý tưởng vẽ tay nghệ thuật từ các họa tiết hoa văn truyền thống như cá chép hóa rồng, con lân, con rồng, công, phượng, hoa sen… tạo diện mạo mới cho trang phục áo dài truyền thống.
Phần trình diễn trang phục truyền thống trong Ngày hội Việt Phục “Bách Hoa Bộ Hành” năm 2023. Ảnh: Khánh Huy |
Vừa qua, bộ phim “Cám” là tác phẩm điện ảnh gây chú ý bậc nhất cho khán giả Việt bởi loạt trang phục cổ trang được đầu tư công phu, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng khi đưa trang phục cổ lên màn ảnh. Nhiều đánh giá cho rằng, doanh thu 117 tỷ đồng của bộ phim “Cám” thành công một phần nhờ hình ảnh phục trang ấn tượng. Tổ phục trang của đoàn phim “Cám” tái hiện áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm… cùng với việc đưa các chất liệu văn hóa dân gian đặc trưng như tranh Đông hồ, tranh làng Sình vào trang phục.
Trong show âm nhạc “Anh trai vượt ngàn chông gai”, tiết mục “Trống cơm” do Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn, Cường Seven thể hiện trở thành tiết mục triệu view hút khán giả. Sự pha trộn chất liệu truyền thống với hiện đại, từ giai điệu đến âm nhạc, cái kết là tiếng đàn bầu trong khung cảnh lễ hội rợp cờ gây ấn tượng mạnh với khán giả. Với tinh thần sáng tạo, đổi mới đã “hồi sinh” nét đẹp văn hóa dân gian trong cộng đồng, trở thành sản phẩm sáng tạo góp phần tích cực vào sự phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Độc đáo trò chơi dân gian "Rồng rắn lên mây” giữa công trình di sản Thủ đô | |
Quảng bá đặc sản OCOP làng nghề Hà Nội vươn xa |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại