Uống rượu bia, chống người thi hành công vụ phải chịu hình phạt nghiêm khắc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh hai người đàn ông say xỉn chống người thi hành công vụ. Ảnh: Cắt từ clip |
Sau khi củng cố hồ sơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Xuân Thành và Nguyễn Xuân Chúc (cùng SN 1987, trú tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình) để tiếp tục điều tra về tội "Chống người thi hành công vụ”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, vào tối 3/3, tổ công tác Đội CSGT Công an huyện Gia Bình đang làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý nồng độ cồn thì phát hiện một thanh niên điều khiển xe máy chở người phía sau có dấu hiệu say xỉn nên ra hiệu lệnh yêu cầu dừng lại để kiểm tra.
Trong lúc tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định, tài xế trên đã đến xin bỏ qua lỗi vi phạm. Vì không xin được nên các đối tượng đã tấn công tổ công tác. Trước hành vi manh động của các đối tượng, tổ công tác và người dân chứng kiến vụ việc đã hỗ trợ khống chế, bàn giao những người này cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Bình xử lý theo quy định.
Qua kiểm tra, đối tượng Trịnh Xuân Thanh vi phạm nồng độ cồn mức 0,614 mg/l khí thở; còn Nguyễn Xuân Chúc có nồng độ cồn 0,442 mg/l khí thở.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Bình đang tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý vụ việc theo quy định.
Trịnh Xuân Thành và Nguyễn Xuân Chúc tại cơ quan Công an. Ảnh: CQCA cung cấp |
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với những gì diễn ra qua clip và theo thông tin ban đầu cho thấy, hành vi của hai đối tượng là nguy hiểm cho xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bởi vậy, việc cơ quan chức năng khởi tố các đối tượng về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là có căn cứ. Theo đó, tại Điều 330 Bộ luật này nêu rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, mức cao nhất cho tội này có thể phạt tù lên đến 7 năm.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm, ngoài ra theo quy định tại Điều 13, BLHS năm 2015, người say rượu bia, mất khả năng nhận thức do sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc các chất cấm khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, hành vi vi phạm về nồng độ cồn không phải là căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự. Đây là hành vi cho thấy tính chất nguy hiểm của các đối tượng.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào quy định của BLHS trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
“Uống rượu bia rồi hành hung người thi hành công vụ cho thấy tính chất nguy hiểm của hành vi và là căn cứ để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các tình huống chống người thi hành công vụ khác”, luật sư Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.
Tạm giữ đối tượng vi phạm nồng độ cồn, tấn công CSGT ở Lạng Sơn | |
Xin bỏ qua lỗi vi phạm không được, "ma men" tấn công Cảnh sát giao thông |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại