Thứ bảy 20/07/2024 05:19

Ước tính 27% trái phiếu có rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trong tháng 6 vừa qua, thị trường trái phiếu DN (TPDN) trong nước ghi nhận những dấu hiệu tích cực.
Trái phiếu có rủi ro cao trong tháng 7/2024 theo nhóm ngành và theo phân loại hình doanh nghiệp. Nguồn: VIS Rating
Trái phiếu có rủi ro cao trong tháng 7/2024 theo nhóm ngành và theo phân loại hình doanh nghiệp. Nguồn: VIS Rating

Tổng lượng phát hành trái phiếu mới lên tới 69 nghìn tỷ đồng trong tháng 6, tăng gấp hơn 2 lần so với giá trị 29 nghìn tỷ đồng vào tháng trước đó. Phần lớn các đợt phát hành mới trong tháng 6 đến từ nhóm ngành ngân hàng.

Đáng chú ý, trong số trái phiếu do nhóm ngành ngân hàng phát hành trong tháng 6, có tới 20% là trái phiếu nợ thứ cấp được một số ngân hàng phát hành có kỳ hạn bình quân 8,5 năm, lãi suất 5,8% - 7,9% trong năm đầu tiên. 80% trái phiếu nợ ưu tiên khác còn lại được ngân hàng phát hành có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định dao động trong khoảng 4,6% - 5,5%.

Tính chung nửa đầu năm 2024, lượng phát hành trái phiếu mới lên tới 150 nghìn tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng dần kể từ tháng 3/2024 tới nay.

Tháng 6/2024, có 2 tổ chức phát hành chậm trả phát sinh mới thuộc nhóm ngành năng lượng và bất động sản dân cư với tổng giá trị gốc các trái phiếu là 2,16 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận chậm trả nợ gốc trị giá 2,08 nghìn tỷ đồng. Công ty hiện đang sở hữu dự án điện mặt trời Thiên Tân, mặc dù đã phát điện lên lưới nhưng bị trễ thời hạn hưởng giá điện ưu đãi (FIT). Với khoản lỗ ghi nhận năm 2023 là 242 tỷ đồng, VIS Rating đánh giá Công ty này có khả năng trả nợ yếu.

Tổ chức phát hành thứ hai là Công ty TNHH Đầu tư Big Gain đã hoàn trả 92% dư nợ gốc của lô trái phiếu bằng cách hoán đổi tài sản như các khoản phải thu từ khoản cho vay và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Trong tháng 6/2024, hoạt động tái cấu trúc nợ tiếp tục diễn biến tích cực. 1,57 nghìn tỷ đồng nợ gốc trái phiếu chậm trả đã được 8 tổ chức phát hành thanh toán cho trái chủ, tương đương với 12% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của nhóm này.

Phần lớn giá trị hoàn trả trái phiếu chậm trả gốc/lãi trong tháng 6 là của 3 tổ chức phát hành thuộc nhóm bất động sản dân cư là Sài Gòn Glory; đầu tư kinh doanh bất động sản S-Homes và DCT Partners Việt Nam.

Ba tổ chức phát hành này đã tích cực hoàn trả trái phiếu chậm trả gốc, lãi trong nửa đầu năm 2024. Với diễn biến này, tỷ lệ thu hồi đối với trái phiếu chậm trả toàn thị trường tăng 0,5% lên 18,1% trong tháng 6/2024.

Theo VIS Rating, trong tháng 7/2024, ước tính khoảng 60% trong số 9 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả được nợ gốc đúng hạn. Trong số 5,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu có rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn, có trái phiếu trị giá 5,2 nghìn tỷ đồng do các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản dân cư phát hành như Nova Land, Nam Land, Big Gain, Đại Thịnh Phát và Kita Invest trước đây đã không trả lãi đúng hạn vào năm 2023.

Ngoài ra, số trái phiếu gặp rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn còn lại được phát hành bởi một công ty thuộc nhóm ngành dịch vụ. Tính đến nay, công ty này chưa công bố số liệu tài chính năm 2023 theo yêu cầu trên cổng thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

VIS Rating cho biết, trong 12 tháng tới, khoảng 18% trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị là 207 nghìn tỷ đồng sẽ đáo hạn. Ước tính 27% trái phiếu có rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn, chủ yếu ở các ngành bất động sản dân cư và xây dựng. 65% trong số trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó.

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng gần 140.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, phần lớn là bất động sản. Trước áp lực trả tiền vẫn cao, nhiều DN tích cực đàm phán với trái chủ để xin gia hạn nợ, kéo dài thêm kỳ hạn trả lãi, giảm lãi suất. Với một số DN bất động sản thì chọn giải pháp hoán đổi trái phiếu sang trả bằng bất động sản. Trước tình hình này, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường, đặc biệt là các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường bất động sản.
AIIB đầu tư 75 triệu USD vào trái phiếu xanh do SeABank phát hành AIIB đầu tư 75 triệu USD vào trái phiếu xanh do SeABank phát hành
Quy định mới về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng Quy định mới về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động