Thứ sáu 29/03/2024 20:30

Từ vụ con chữa bệnh nhận về hũ tro cốt: Nhiều vụ "giao trứng cho ác" của các bậc phụ huynh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vụ việc ông bố người Huế đã tin tưởng gửi con cho một “cơ sở chữa bệnh” ở Lâm Đồng, sau 25 ngày thì nhận về hũ tro cốt của con là một câu chuyện vô cùng đau lòng. Nhưng đó cũng không phải là câu chuyện hi hữu, bởi trước đó, đã có rất nhiều những đứa trẻ được bố mẹ gửi người khác để chăm nuôi, để chữa bệnh đã tử vong một cách oan ức.
Từ vụ con chữa bệnh nhận về hũ tro cốt: Nhiều vụ
"Cơ sở chữa bệnh" của ông L.M.Q trong vụ việc đưa con đi chữa bệnh nhận về hũ tro cốt

Theo nội dung đơn trình bày của ông N.H.N. (45 tuổi, trú tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), tháng 3/2022, ông N. đã giao bé N.L.M.Q. (SN 2019), con trai của mình cho ông L.M.Q. (SN 1977, tạm trú TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) để hỗ trợ can thiệp vì cháu có dấu hiệu chậm nói. Vợ chồng ông N. đưa con từ TP Huế vào Lâm Đồng giao cho ông Q. đồng thời đặt cọc 600 triệu đồng.

Theo thông tin ban đầu, mọi trao đổi, giao dịch, kể cả khi gia đình anh N. giao con cho ông Q. đều diễn ra qua mạng xã hội hoặc tại khách sạn. Anh N. và gia đình chưa từng đến cơ sở nơi con mình sẽ được chăm sóc, chỉ nghe ông Q. giới thiệu là một khu biệt thự có hồ bơi và cả ê kíp chăm sóc riêng dành cho con, gồm tài xế, đầu bếp, trợ lý chăm sóc...

Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2022, ông Q. bất ngờ quay lại Huế và bàn giao cho vợ chồng ông N. một hũ tro cốt. Ông Q. cho biết trong quá trình ông chăm sóc, con trai ông N. mắc Covid-19 và tử vong. Trên đường chở thi thể cháu về lại Huế, ông Q. đã tự thiêu xác cháu vì sợ thi thể phân hủy.

Câu chuyện thực hư thế nào hiện đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Nhưng rõ ràng, cái chết của cháu Q. là câu chuyện khiến nhiều người bất bình và đau xót. Trước đó, cũng có hàng bao nhiêu câu chuyện khiến dư luận bàng hoàng bởi bố mẹ nạn nhân vô tình “giao trứng cho ác”.

Năm 2019, sự thật về Cơ sở giáo dục hòa nhập Tâm Việt có cơ sở tại Đông Anh (Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, đau xót. Theo đó, với những quảng cáo có cán như “Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sĩ, kỷ lục gia”; “Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì” nhiều người đã gửi con vào nơi này với hy vọng chữa được chứng tự kỷ của con.

Tuy nhiên, qua thực tế của các phóng viên, bọn trẻ ở đây không hề được hưởng sự giáo dục một cách thực sự, mà trẻ không những phải trải qua những phương pháp huấn luyện hà khắc chưa được kiểm chứng, gây thương tích mà còn bị chửi bới, đánh đập. Thậm chí, theo phản ánh của phụ huynh đã có em gặp chấn thương trong quá trình học tại Tâm Việt, thậm chí có 1 bé đã tử vong vào tháng 6/2019.

Sau khi vụ việc được phơi bày, qua công tác thanh tra, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phát hiện trung tâm Tâm Việt hoạt động trái phép nên đã ra quyết định: Chấm dứt hoạt động tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dạy kỹ năng cho người lớn, trẻ em tự kỷ của trung tâm trên địa bàn huyện Đông Anh và các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đầu tháng 5 vừa qua, chị S.H.V (Sóc Trăng) đã mất đi đứa con gái mới 1 tuổi của mình bởi quá tin tưởng vào “bảo mẫu”. Theo đó, sáng 27/5, chị V giao con mình là cháu K. (1 tuổi) cho một người phụ nữ tên Trang (21 tuổi) trông giữ như mọi ngày.

Đến 9 giờ 45 cùng ngày, Trang gọi cho chị V. nói cháu bị ho, ọc sữa và cơ thể tím tái. Chị K. tức tốc chạy về đưa con đi bệnh viện cấp cứu nhưng cháu tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cháu bé bị đa chấn thương vùng bụng, nghi do bạo hành.

Trang khai với cơ quan điều tra rằng sáng 27-5, cháu K. bị ói, ọc sữa nên Trang dùng tay đánh nhiều cái vào vùng bụng cháu. Thấy cháu tím tái, Trang hốt hoảng gọi cho mẹ cháu về rồi cùng đưa đi bệnh viện nhưng cháu không qua khỏi.

Điều đáng nói, cháu bé được người mẹ gửi cho Trang chăm sóc khoảng 6 tháng trước khi xảy ra sự việc. Thời gian gửi cháu cho Trang, trên người bé xuất hiện một số vết thương ở tay, chân, mặt, lỗ tai... Nhiều người khuyên bà mẹ gửi bé vào nhà trẻ để được chăm sóc tốt hơn nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, chị lần lữa mãi.

Từ vụ con chữa bệnh nhận về hũ tro cốt: Nhiều vụ
Cặp vợ chồng Linh, Vũ trong vụ bạo hành bé gái 1 tuổi ở Hà Nội

Tháng 8 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận này đã khởi tố bị can đối với Đoàn Diệu Linh (sinh năm 1996, trú tại phường Chùa Thông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội)) và chồng là Hoàng Thế Vũ (sinh năm 1994, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội Cố ý gây thương tích.

Hai nghi phạm được xác định liên quan đến việc hành hạ cháu T. (1 tuổi, quê Hà Tĩnh) phải nhập viện cấp cứu.

Theo cơ quan công an, ngày 21/7, mẹ cháu T. là chị Lê Thị Lan H. (sinh năm 1994, quê Hà Tĩnh) thuê Đoàn Diệu Linh trông cháu T. với giá 3 triệu đồng/tháng để đi làm công nhân tại Bắc Giang.

Trong quá trình trông cháu T., do cháu bị sốt và quấy khóc nên Linh và Hoàng Thế Vũ (SN 1994, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội- chồng của Linh) đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng chăn quấn vào người và dùng băng dính bịt miệng cháu T.

Đến ngày 26/7, thấy cháu T. mệt mỏi, khó thở, Vũ và Linh đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Tuy được chăm sóc tích cực, tuy nhiên các y bác sĩ tại BV Nhi Trung ương cho biết, bé T. có nhiều biểu hiện về di chứng thần kinh.

Hàng loạt các vụ việc các bé tử vong không rõ ràng, bị bạo hành bởi các cơ sở “khám, chữa bệnh” hoặc các “bảo mẫu”… khiến dư luận đau xót. Trong các câu chuyện vừa qua, dư luận ngoài việc phẫn uất về những đối tượng thủ ác, còn trách các phụ huynh của nạn nhân đã quá lơ là, chểnh mảng trong việc quan tâm và chăm sóc chính đứa con ruột của mình. Có những cái sai có thể sửa, nhưng câu chuyện như N.H.N. (Huế) nhận về hũ tro cốt của con sau gần 1 tháng để con ở nhà người khác để… chữa bệnh thì không còn cơ hội sửa chữa.

Gửi con để chữa bệnh hoặc để thay bố/mẹ chăm sóc trong khi bố/mẹ đi làm là một nhu cầu chính đáng. Khi gửi con, những bậc phụ huynh cũng mong muốn đứa con dứt ruột đẻ ra được chăm sóc, quan tâm một cách đầy đủ… chứ ai nghĩ đến việc gửi con để con bị hành hạ, đánh đập, thậm chí làm bé tử vong. Gửi con, có nghĩa bố mẹ đã đặt trọn niềm tin vào người được gửi gắm, có nghĩa gửi cả trách nhiệm lẫn sinh mạng của con… Nhận về những đứa trẻ bị đánh thừa sống thiếu chết, thậm chí cơ thể tím tái của con để lại những nỗi đau, những tổn thương đồng thời còn là nỗi ân hận, day dứt kéo dài cả đời với những bậc sinh thành.

Một chút sơ sẩy, một ít lơ là... và niềm tin một cách không kiểm chứng của bố mẹ đã khiến những đứa trẻ trở thành nạn nhân... Để tránh xảy ra những câu chuyện đau lòng như thế, ngoài việc nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc, giáo dục cũng như thêm chút trách nhiệm với những đứa con, cũng cần có thêm những cơ sở chăm sóc, đào tạo... chính thống để hạn chế bớt đi những vụ việc xót xa này.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động