Chủ nhật 24/11/2024 21:42

Trước hiện tượng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm sút

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH)-Trong tháng 6 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm sút so với tháng 5 là 0,26%, đây là tín hiệu đáng mừng trong công cuộc kiềm chế lạm phát của Chính phủ.


Nhưng ngược lại, nó cũng ảnh hưởng phần nào đến các DN vì sức mua của người dân giảm sút, do vậy hàng hóa khó tiêu thụ, kèm theo đó là việc tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng cũng không hề đơn giản. Xoay quanh vấn đề này, PV báo PL&XH đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội.

Ông có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm sút trong thời gian vừa qua?

Có ba nguyên nhân lớn của việc giảm giá. Thứ nhất là do giá của năm ngoái quá cao rồi, nên bây giờ nó phải xuống thôi; thứ hai rất may mắn là chúng ta đang sở hữu một lượng hàng khá lớn, kể cả hàng công nghiệp đến bất động sản, cũng như hàng thiết yếu ăn uống tiêu dùng đều rất nhiều, cho nên lượng cung cầu tương đối cân đối; nên người dân không nóng vội mua giá đắt, cũng không tạo áp lực về thiếu hàng. Thứ ba cũng rất quan trọng nữa là do sức mua giảm sút, đây là nguyên nhân lớn nhất, người dân thắt chặt chi tiêu, DN cũng như vậy tạo ra tình trạng hàng thừa thì người ta phải bán hạ giá, đây là hệ quả tốt của chính sách Chính phủ về kiềm chế lạm phát.

CPI giảm sút như vậy nó có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế không thưa ông?

Về nguyên tắc chúng ta đang đặt ra việc kiềm chế CPI dưới một con số, điều đó sẽ làm cho cuộc sống người dân cũng dễ chịu hơn, ổn định kinh tế vĩ mô cao hơn, lạm phát cao người dân đã kêu ca rồi, giờ lạm phát thấp mà kêu ca nữa là không được, phải để cho thời kỳ lạm phát xuống đến 2% hoặc 5%, ổn định thì đấy là tốt nhất; hiện nay thực tế vẫn là 7%, nó chưa phải là thấp, đang trong giai đoạn từ lạm phát cao xuống lạm phát trung bình, không có nguy cơ gì cả, chỉ trừ một số trường hợp mặt hàng không bán được hàng thôi.

TS. Nguyễn Minh Phong: “Người dân đang thắt chặt chi tiêu”.

Để sức mua của người dân ngày một tăng lên, các DN cần phải làm gì thưa ông?

Thứ nhất, DN phải hạ giá hàng, cái này không phải lỗi hoàn toàn của DN mà có cả lỗi của ngân hàng nữa, do lãi suất quá cao. Thứ hai, DN phải sản xuất các mặt hàng mới phù hợp hơn, vì đưa ra thị trường các mặt hàng cũ thì chắc chắn phải thừa rồi.

Ông có cho rằng, thu nhập của người dân ngày một giảm sút, nên kéo theo đó là sức mua cũng giảm sút theo?

Dân mình còn khó khăn, đặc biệt là nông thôn, nếu nhiều tiền chắc chắn người ta phải mua nhiều hơn. Rõ ràng thu nhập của người dân bị giảm sút nên hạn chế chi tiêu; hơn nữa, hàng hóa nhiều mà giá cả cao nên người dân không mua vội, cộng hưởng lại nó tạo ra tình trạng như thế.

Nếu tình trạng này kéo dài, các DN sẽ không bán được hàng, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm lao động. Để giải được bài toán này, chúng ta phải làm gì thưa ông?

Nếu DN vừa chịu lãi suất cao, vừa không bán được hàng thì sớm muộn rơi vào tình trạng đóng cửa, hoặc phá sản thôi; chính vì thế cần có những giải pháp không phải từ phía người dân mà là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; phải giảm gánh nặng về tài chính, gánh nặng về lãi suất cũng như thể chế để cho các DN dễ thở hơn. Nếu cứ bắt người dân mua đi mà không có tiền thì làm sao mua được.

CPI giảm như thời gian vừa qua, điều đó chứng tỏ việc kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã thành công?

Đang cho thấy là đúng hướng, còn thành công hay chưa thì chưa thể nói được, vì bây giờ mới giữa năm, cuối năm thường có nguy cơ lạm phát cao.

Xin cảm ơn ông!

LÊ Hoàng

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động