Triển vọng hồi phục của ngành Du lịch năm 2022 đang trở nên rõ ràng hơn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgành Du lịch mở cửa hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình hồi phục kinh tế nói chung cũng như tăng trưởng lợi nhuận của các DN liên quan nói riêng |
Năm 2022 ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đã trở thành yếu tố kéo lùi đà phát triển của ngành du lịch xuyên suốt hai năm 2020-2021.
Theo số liệu từ SSI Research, kế hoạch ban đầu, ngành Du lịch Việt Nam dự kiến đón 20 triệu lượt khách trong năm 2020. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của đại dịch, Việt Nam đã dừng mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 3-2020. Vì vậy, số lượt khách quốc tế trong năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt (giảm 79% so với năm 2019). Khách du lịch nội địa cũng thu hẹp về 56 triệu lượt. Tổng thu từ ngành Du lịch chỉ đạt 312 nghìn tỷ đồng (giảm 59% so với năm 2019).
Bước sang năm 2021, ngành Du lịch tiếp tục đối mặt với khó khăn chưa từng có với ảnh hưởng của biến chủng Delta cũng như sự chặt chẽ trong việc áp dụng các nguyên tắc giãn cách xã hội. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 157,3 nghìn lượt (giảm 96% so với năm 2020), lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt, tổng thu từ Du lịch thu hẹp về mức 180 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các DN du lịch, lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng với hơn 90% đơn vị dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh cũng như cắt giảm nhân sự. Năm 2021, hoạt động lưu trú du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với công suất phòng trung bình cả năm chỉ đạt 5%. Số lượng lao động trong ngành Du lịch toàn thời gian chỉ còn tương đương 25% so với cả năm 2020.
Bước sang Qúy III-2021, Việt Nam chủ động tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ứng phó với làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4, song song với chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng, với kỳ vọng thích ứng dần với đại dịch.
Từ giữa tháng 10-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động văn hóa thể thao và du lịch. Bộ cũng ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa với “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”, qua đó bắt đầu thúc đẩy sự hồi phục của ngành Du lịch.
Từ tháng 11-2021, Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế trở lại một số vùng du lịch trọng điểm. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, nếu như số lượt khách quốc tế trong tháng 11 là 400 thì quy mô trong tháng 12.2021 đã tăng lên 3,5 nghìn lượt.
Sau khoảng thời gian thí điểm, Từ ngày 15-3 sẽ đánh dấu sự quay lại mạnh mẽ hơn của ngành Du lịch khi Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400 nghìn tỷ đồng.
Những cổ phiếu nào hưởng lợi từ câu chuyện mở cửa trở lại?
Ngành Du lịch mở cửa hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình hồi phục kinh tế nói chung cũng như tăng trưởng lợi nhuận của các DN liên quan nói riêng. Vậy đâu là những nhóm ngành hưởng lợi từ câu chuyện mở cửa trở lại ngành Du lịch kể từ sau ngày 15-03 tới đây?
Số liệu từ SSI Research cho thấy, ngành Du lịch mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành; Lưu trú du lịch và Vận tải du lịch.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của SSI cũng chỉ ra rằng, sẽ cần thời gian để việc mở cửa trở lại ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh của DN. Tuy nhiên, với đặc tính phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường sẽ có xu hướng phản ứng trước so với diễn biến của lợi nhuận.
Thứ nhất, đối với nhóm Du lịch, lữ hành, đây là lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp nhờ số lượt khách hồi phục mạnh sau 2 năm chịu tác động từ đại dịch. Các cổ phiếu đáng chú ý gồm có: VTD (CTCP Du lịch Vietourist), VNG (CTCP Du lịch Thành thành công); CTC (CTCP Tập đoàn Hoàng kim Tây nguyên); TCT (CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh
Thứ hai, đối với nhóm Lưu trú du lịch, đây là nhóm được hưởng lợi nhờ công suất thuê phòng hồi phục theo sự gia tăng của khách du lịch. Các cổ phiếu cần theo dõi bao gồm: DAH (CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á), OCH (CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH), NVT (CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay).
Thứ ba, đối với nhóm Vận tải du lịch, đây là lĩnh vực mang tính chất hưởng lợi gián tiếp nhờ việc vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên các tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển. v.v. Tuy nhiên, với đặc tính vận tải, các cổ phiếu trong nhóm này chịu ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu đang duy trì ở mức cao.
Các cổ phiếu hưởng lợi gồm có: HVN (Vietnam Airlines), VJC (Vietjet), SKG (Superdong Kiên Giang), SRT (CTCP Vận tải Đường sắt Sài gòn), HRT (CTCP Vận tải Đường sắt Hà nội). Ngoài ra, SSI Research đánh giá đại diện đầu ngành của nhóm Dịch vụ hàng không là ACV cũng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ nhờ câu chuyện hồi phục sau dịch.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại