Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” lần thứ 15 lan tỏa tình yêu với Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTriển lãm ảnh hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2020), chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Triển lãm sẽ diễn ra đến ngày 14-10-2020.
Triển lãm “Hà Nội trong tôi” lần thứ 15 giới thiệu tới công chúng 70 bức ảnh sinh động, ghi lại góc nhìn chân thực của các nhiếp ảnh gia, nhà báo về những sự kiện, khoảnh khắc, khung cảnh đẹp của Hà Nội.
Thông qua những mảng màu cuộc sống ấy, các tác giả đã khắc họa tình yêu, niềm tự hào của mình, của người dân Hà Nội về Thủ đô ngàn năm văn hiến. Từ đó thôi thúc mọi người hăng say làm việc, sống nhân văn, cống hiến nhiều hơn nữa để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lễ cắt băng khai mạc triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi" năm 2020. |
Triển lãm được chia làm 3 phần: Hà Nội năng động, sáng tạo, giàu bản sắc truyền thống, thân thiện, hội nhập; Hà Nội - Thành phố xanh, văn minh và hiện đại; Những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Hà Nội trong phòng chống dịch Covid-19.
Phần 1 -“Hà Nội năng động, sáng tạo, giàu bản sắc truyền thống, thân thiện, hội nhập”, vẻ đẹp của Hà Nội hiện lên qua những tác phẩm: “Đền quán Thánh” (tác giả Nguyễn Tuấn Anh), “Vẻ đẹp chùa Trấn Quốc” (tác giả Hoàng Như Thính), "Ô Quan Chưởng ngày nay" (tác giả Nguyễn Bảo Thoa), “Ngày lễ tại hồ Văn” (tác giả Lê Huy Cường), mà cả ở khu vực ngoại thành qua các tác phẩm: "Con đường bích họa ngoại thành" (tác giả Tuyến Híp), "Đi giữa cánh đồng hoa" (tác giả Lê Hải Yến), “Vườn Xuân” (tác giả Trần Quang Hưng)…
Các du khách tham quan triển lãm ảnh. |
Phần 2 - "Hà Nội - Thành phố xanh, văn minh và hiện đại", Hà Nội hiện lên bề thế, hiện đại với những công trình mới nhưng vẫn mang dấu ấn riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những điều đó được khắc họa qua các tác phẩm: "Chợ Đồng Xuân" (tác giả Trần Sơn), "Nhịp cầu ký ức" (Ngọc Tú), "Cầu Đông Trù" (tác giả Công Tiến Thịnh), "Cầu Vĩnh Thịnh" (tác giả Nam Khánh), "Hoàng hôn cầu Nhật Tân" (tác giả Nguyễn Văn Hải)…
Đặc biệt, triển lãm giới thiệu đến công chúng hình ảnh về cây gạo bên Hồ Gươm tại cùng một vị trí nhưng cách nhau 100 năm được chụp bởi 2 tác giả: Pierre Dieulfilr (chụp năm 1914) và Lê Huy Cường (chụp năm 2014). Thông qua 2 bức ảnh, chúng ta thấy được sự chuyển mình, phát triển không ngừng của Hà Nội trong một thế kỷ.
Phần 3 - “Những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Hà Nội trong phòng chống dịch Covid-19” được xem là dấu ấn riêng biệt của triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi”. Bởi, năm nay, cả thế giới, trong đó có Việt Nam và cụ thể là Hà Nội gồng mình chống dịch Covid-19.
Những tác phẩm không chỉ thể hiện tính thời sự, mang hơi thở cuộc sống mà còn đậm màu sắc nghệ thuật. Bên cạnh các y, bác sĩ - "những chiến sĩ áo trắng" thì các nhà báo, PV cũng chính là những chiến sĩ văn hóa kiên cường, dũng cảm trên tuyến đầu chống dịch.
Thông qua tác phẩm của mình, các tác giả muốn nói nên thông điệp về tinh thần trách nhiệm, đoàn kết một lòng, cùng nhau chống dịch của chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống bình yên sau dịch bệnh,…
Những dấu ấn này được thể hiện qua những tác phẩm: “Khoảng lặng mùa dịch”, “Tĩnh lặng quảng trường” của tác giả Ngọc Tú; “ATM gạo miễn phí - Ấm lòng mùa dịch” (tác giả Tuyến Híp), “Tiếp nhận yêu thương” (tác giả Trần Quân), “Tình yêu nghề” (tác giả Ngọc Tú); “Cô trò ngày khai trường” (tác giả Khánh Huy), “Niềm vui ngày dỡ bỏ cách ly tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình” (tác giả Duy Linh),…
Tác phẩm “Cô trò ngày khai trường” của tác giả Khánh Huy - PV báo Pháp luật và Xã hội. |
Tác giả Khánh Huy (PV báo Pháp luật và Xã hội), tác giả của bức ảnh “Cô trò ngày khai trường” chia sẻ: “Đây là một lễ khai trường đặc biệt khi mà chúng ta vẫn còn đang ở giữa tâm dịch. Mặc dù vậy, các trường học cũng đã tổ chức một buổi tựu trường trang nghiệm, nhanh gọn, an toàn với đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Thực tế, thời gian này, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch khi nhiều ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới ngoài cộng đồng. Không chỉ là một buổi lễ tựu trường, đây giống như một lời tuyên bố rằng Việt Nam đã đẩy lùi được dịch Covid-19”.
Mỗi phần, Hà Nội hiện ra đầy sôi động nhưng cũng rất nên thơ, đáng yêu. Dù sinh sống và làm việc tại Hà Nội hay không thì khi thưởng thức những bức ảnh ý nghĩa ấy, ai cũng cảm thấy rung động, trân trọng một tình yêu sâu sắc, thiêng liêng dành cho Hà Nội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại