Ảnh
Triển lãm 70 bức ảnh của phóng viên chiến trường Việt Nam về chiến dịch Điện Biên Phủ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gia đình cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ”.
|
Triển lãm “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ” do gia đình cố nghệ sỹ nhiếp ảnh thực hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. |
|
Tại đây, trong hàng nghìn bức ảnh chụp về Chiến dịch Điện Biên Phủ, gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại đã chọn ra 70 bức ảnh tương ứng với 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trưng bày trong triển lãm. |
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại (1920-1992), nguyên là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Ông trực tiếp tác nghiệp tại mặt trận Điện Biên Phủ từ những ngày đầu. Theo đánh giá, phóng viên ảnh Triệu Đại là phóng viên Việt Nam duy nhất sở hữu bộ ảnh đầy đủ, hoàn chỉnh nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ từ đầu tới cuối chiến dịch. |
|
Phóng viên ảnh Triệu Đại là một trong số ít phóng viên được vinh dự tham gia tác nghiệp tại mặt trận Điện Biên Phủ từ những ngày đầu của chiến dịch. Bằng chiếc máy ảnh của mình, phóng viên Triệu Đại đã dũng cảm băng mình trong làn mưa bom, bão đạn, ghi lại hàng trăm khoảnh khắc của bộ đội, dân công hỏa tuyến, Nhân dân và đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày chỉ huy chiến dịch. |
|
Với những bức ảnh của mình, phóng viên Triệu Đại đã viết lên bộ sử thi bằng ảnh phong phú, quý hiếm về chiến dịch Điện Biên Phủ. |
|
Đây là bộ ảnh chiến tranh duy nhất được ghi chụp từ lúc mở màn chiến dịch cho đến ngày toàn thắng và do một người chụp duy nhất là nghệ sĩ, nhà báo chiến sĩ Điện Biên Phủ Triệu Đại. |
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại sinh tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. 21 tuổi, ông được cha cho đi học nghề nhiếp ảnh tại một trong những hiệu ảnh lớn của Hà Nội lúc đó. Ông thuộc lớp những nhà nhiếp ảnh cách mạng đầu tiên của nước ta. Ông gia nhập tự vệ Thành Hà Nội năm 1946. Khi Pháp trở lại chiếm đóng Hà Nội, ông sơ tán về Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Đông (nay là Hà Nội) và mở "Triệu Đại ảnh quán". Đây cũng được xem là trụ sở hoạt động của ông cùng các đồng chí của mình. Năm 1947, ông vào Quân đội, làm phóng viên mặt trận và tham gia các chiến dịch: Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952)... |
|
Bằng chiếc máy ảnh là chiến lợi phẩm thu được của địch trong một trận đánh ở chiến dịch Tây Bắc, phóng viên Triệu Đại đi theo các mũi xung kích mặt trận, ghi lại những hình ảnh chân thực, sống động nhất. Đó là hình ảnh công binh mở đường, làm hầm pháo, bộ đội kéo pháo, tải thương, chiến đấu trên các chiến hào đến giờ phút quân và dân ta ca khúc khải hoàn mừng chiến thắng. |
|
Triển lãm ảnh thu hút nhiều người tìm tới tham quan, đó là những người yêu thích lịch sử, nhiếp ảnh, những du khách nước ngoài... |
|
Ông Triệu Tuấn, con trai cả của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại, cho biết: "Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại thường kể lại với các con rằng, vào trận đánh, khi người chiến sĩ cầm súng xông lên thì ông cũng cầm máy ảnh theo sát họ. Cho dù khói bom, đạn lửa vây xung quanh, cây đổ, người ngã xuống, nhưng người chiến sĩ cầm máy ảnh là ông không bao giờ chùn bước". |
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên ảnh Triệu Đại trực tiếp nhận lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất của cuộc chiến. Những bức ảnh ấy không chỉ đẹp, mà còn làm nổi bật lên những tấm gương về lòng quyết tâm, quả cảm, về sự hy sinh của những người lính, những người dân tham gia vào cuộc chiến. |
|
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Bộ Chính trị họp bàn quyết định mở chiến dịch Trần Đình, mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 1953. |
|
Những bức ảnh của nghệ sĩ, phóng viên ảnh Triệu Đại ngoài việc ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, ông cũng thể hiện một kỹ thuật nhiếp ảnh đáng nể với những bức ảnh có kỹ thuật chụp không đơn giản đối với nhiếp ảnh đương thời. Trong ảnh là bức ảnh toàn cảnh về cứ điểm Điện Biên Phủ được chụp bằng kỹ thuật chắp nối ảnh chụp từ 7 ảnh. Kỹ thuật này tương đương với cách chụp panorama ngày nay. |
|
Hình ảnh tướng De Castries và Bộ Tham mưu quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống. |
|
Sau 70 năm, bức ảnh "Lá cờ quyết chiến, quyết thắng tại chiến dịch Điện Biên Phủ" này vẫn là bức ảnh đặc biệt nhất, trở thành biểu tượng của Điện Biên Phủ huy hoàng. Báo chí trong nước và báo chí nước ngoài hễ nói tới Điện Biên Phủ thì không thể không nhắc tới bức ảnh này như một sự cảm phục Nhân dân Việt Nam anh hùng, cảm phục quân đội Việt Nam thiện chiến, cảm phục tài chiến lược chỉ đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài thao lược ứng phó linh hoạt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Triển lãm sẽ kéo dài tới 12/5 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. |
Khánh Huy