Triển khai ngay gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng cho nhà xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhu nhà ở xã hội cho công nhân tại Kim Chung, Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: NS |
Giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp
Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu và hoàn thành trong tháng 10. Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ. Như vậy, vốn của gói 30.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, khác với nguồn lực gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, sau hơn một năm triển khai, giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp, mới đạt khoảng 1.344 tỷ đồng tức gần 1%. Trong số này, 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án vay, còn lại là người mua nhà.
Ngoài 4 ngân hàng TMCP Nhà nước, có thêm các ngân hàng TMCP gồm TP Bank, VPBank, MBBank và Techcombank tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng. Các ngân hàng đã triển khai cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân (của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường).
Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh hạ lãi suất. Doanh nghiệp được ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà 7,5%/năm. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, lãi suất và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.
Cuối tháng 5/2024, Bộ Xây dựng từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội, với lãi suất thấp hơn 3-5% lãi vay thương mại, kỳ hạn 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).
Theo đánh giá của Thông báo số 449/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần khắc phục: cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý, chưa đảm bảo tính bền vững theo định hướng mục tiêu của Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030. Nguồn vốn ủy thác tại một số địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chính sách tín dụng chưa triệt để, chưa bao trùm hết các đối tượng có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi. Một số chính sách điều chỉnh nâng mức cho vay còn chậm. Quy mô tín dụng, đối tượng thụ hưởng còn khiêm tốn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm của Đảng về: chính sách xã hội theo Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 theo Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Tình hình triển khai tại Hà Nội
Tại Hà Nội, tháng 7 vừa qua, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024. Nghị quyết nêu rõ 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nên các cấp, ngành, doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô sẽ phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, HĐND thành phố nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp như: bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô; kiểm soát lạm phát; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Thành phố đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Hơn 1 năm kể từ khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo lại chung cư cũ chính thức triển khai, tỷ lệ giải ngân rất chậm, trong đó lãi suất là một trong những rào cản lớn nhất.
Trên cơ sở Nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã công bố lãi suất cho vay kể từ khi triển khai gói tín dụng này là từ tháng 2/2023 đến hết ngày 30/6/2023 là 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2% đối với người mua nhà.
Kể từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2023, lãi suất cho vay đã giảm còn 8,2%/năm đối với chủ đầu tư và 7,7%/năm đối với người mua nhà. Đến cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục công bố mức lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 1/1 - 30/6/2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5%/năm đối với người mua nhà. Như vậy, so với thời điểm triển khai gói tín dụng này, lãi suất đã giảm tổng cộng 0,7%/năm.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, năm nay, Chính phủ giao mục tiêu cả nước hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Như vậy khối lượng phải hoàn thành từ nay tới cuối năm là rất lớn. Bộ Xây dựng cho biết muốn đạt mục tiêu này thì phải đẩy nhanh hoàn thiện 400.000 căn nhà ở xã hội đã được phê duyệt cấp phép trước đó. Bởi vậy, để gỡ khó, cũng như thúc đẩy nhanh gói tín dụng này, nhiều quy định, thậm chí là cơ chế đã được nới lỏng hơn.
Từ ngày 1/8/2024, người mua nhà ở xã hội chỉ cần có mức thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng và vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, người mua chỉ cần xác nhận chưa có nhà ở, đất ở tại nơi làm việc, sinh sống là có thể đăng ký mua nhà ở xã hội. Như vậy, tệp khách hàng đã được mở rộng hơn, sẽ khiến cho các chủ đầu tư mạnh dạn tham gia phân khúc nhà ở xã hội hơn.
Vượt qua ảnh hưởng của bão số 3, GDP 9 tháng năm 2024 vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại