Triển khai gần 40 nghìn tỷ đồng bình ổn giá hàng hóa thiết yếu dịp Tết
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP năm 2022, trị giá khoảng 39.500 tỷ đồng, phục vụ người dân đón Tết Ảnh: Khánh Huy |
Triển khai bình ổn giá trên nhiều kênh bán hàng
Được biết, chương trình bình ổn giá năm 2022 có 32 đơn vị được phê duyệt tham gia; trong đó có 16 đơn vị thuộc các tỉnh, TP đăng ký tham gia. Các đơn vị đã không ngừng phát triển hệ thống phân phối nhằm đưa hàng hóa thiết yếu đến với người dân trên địa bàn. Đặc biệt, tại các huyện xa trung tâm, các đơn vị đã cung ứng tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn TP Hà Nội; trong đó có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1.269 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 517 bếp ăn tập thể.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, nhằm hỗ trợ các đơn vị tham gia chương trình có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Sở Công thương Hà Nội đã tổng hợp nhu cầu vay vốn của 9 đơn vị, với tổng số vốn là 889 tỷ đồng, gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội và các tổ chức tín dụng để kết nối vay vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia chương trình năm 2022 còn có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội giai đoạn 2021- 2025, lãi suất 5,96%/năm, không thay đổi trong suốt thời gian vay. Thời hạn cho vay tối đa 15 năm (theo Văn bản số 492/QĐTPT-NV3 ngày 17/6/2022 của Quỹ đầu tư phát triển TP).
Theo dự báo, nhu cầu mua sắm Tết của người dân năm nay tăng khoảng 15% so với năm trước nên Hà Nội đã có các phương án chuẩn bị khoảng 39.500 tỷ đồng hàng hóa, phục vụ cho khoảng 10,75 triệu người sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu trong dịp Tết là gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng, bánh mứt kẹo, nước giải khát…
Cụ thể, hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP dịp Tết bao gồm các kênh bán hàng như 28 trung tâm thương mại; 132 hệ thống siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm, 159 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, TP; 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Các kênh bán hàng đa phương tiện trên nền tảng số bao gồm khoảng 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, 35 DN gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn trên địa bàn TP có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa.
Bên cạnh đó, hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.
Đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu
Sở Công thương Hà Nội cũng đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn theo kế hoạch TP giao và tăng thêm tối thiểu ít nhất 30%. Các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định và đảm bảo phòng, chống dịch phục vụ Nhân dân.
Ngoài ra, các DN, nhãn hàng sẽ triển khai các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ Nhân dân trên địa bàn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn; các chợ hoa xuân phục vụ tết; các sự kiện thực hiện kế hoạch kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa nguồn cung về Hà Nội đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của Nhân dân Thủ đô…
Đáng chú ý, liên quan tới công tác bình ổn giá, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, nhu cầu thị trường tăng cao có thể gây ra các biến động về giá. Do đó, TP đang đẩy mạnh việc thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Hiện nay, đã có nhiều DN trên địa bàn cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thủy-hải sản... Hàng hóa bình ổn chiếm 35% tổng lượng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.
Cùng với đó, các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội đang đua nhau giảm giá sâu hàng loạt sản phẩm thuộc đa dạng ngành hàng nhằm hưởng ứng “Tháng khuyến mại quốc gia năm 2022 - Vietnam Grand Sale 2022” diễn ra từ ngày 15/11 đến 22/12 trên toàn quốc.
Cụ thể, từ ngày 8/12 đến 21/12/2022, hệ thống siêu thị BigC triển khai chương trình khuyến mãi “Nhà khang trang - Sẵn sàng đón Tết” mang đến ưu đãi cho khách hàng khi mua các sản phẩm như: thịt bò ba chỉ Mỹ gói 500g giảm 24%, từ 139.000 đồng/gói còn 105.000 đồng/gói; cá ngừ đại dương giảm 27%, từ 342.000 đồng/kg còn 249.000 đồng/kg; chả lụa heo giảm 20%, từ 125.000 đồng/kg còn 99.000 đồng/kg; táo Ba Lan giảm 28%, từ 49.000 đồng/kg còn 34.900 đồng/kg;
Bộ lau nhà Sunhouse giảm 45%, từ 549.000 đồng/bộ còn 299.000 đồng/bộ; nước giặt Omo Matic túi 3,6 kg giảm 14%, từ 196.000 đồng/túi còn 168.500 đồng/túi... BigC còn áp dụng chính sách chiết khấu cho đơn hàng với sản phẩm giỏ quà Tết: Đơn hàng từ 5 đến 50 triệu đồng được chiết khấu 8%; đơn hàng từ 50 đến 100 triệu đồng được chiết khấu 8,5% và đơn hàng từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được chiết khấu 9%.
Hệ thống BRG Mart áp dụng chương trình “Sáng bừng tổ ấm” từ ngày 9/12 đến 22/12/2022, qua đó giảm giá hàng loạt sản phẩm như dầu đậu nành Amur Peal chai 1 lít giảm 19.500 đồng, còn 59.500 đồng/chai; gạo tám Thái đỏ Bảo Minh giảm 23%, từ 206.000 đồng/túi còn 159.000 đồng/túi; mỳ Hảo Hảo thùng 75g giảm 11.500 đồng/thùng, còn 114.500 đồng/thùng; nồi cơm điện Lock&Lock giảm 50%, từ 1.088.000 đồng còn 544.000 đồng; bếp nướng điện Lebenlang giảm 30%, từ 979.000 đồng còn 685.000 đồng/sản phẩm...
Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, TP đang đẩy mạnh việc thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, Hàng hóa bình ổn chiếm 35% tổng lượng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại