Trách nhiệm của đơn vị quản lý, giam giữ?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác lực lượng đưa Triệu Quân Sự ra xe, di lý về trại giam |
Lần thứ 3 trốn trại
Khoảng 15h ngày 1/6, phạm nhân Triệu Quân Sự đang thụ án chung thân tại trại giam T974 (thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng) đã bị bắt gọn sau gần 1 ngày trốn trại. Đây là lần thứ 3 phạm nhân đặc biệt nguy hiểm này trốn trại.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi trốn trại của Triệu Quân Sự phạm vào tội “Trốn khỏi nơi giam” được quy định tại Điều 386 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Với tội danh này, tùy thuộc vào diễn biến, tính chất và mức độ của hành vi phạm tội mà Triệu Quân Sự sẽ phải chịu mức hình phạt là phạt tù từ 6 tháng đến cao nhất là 10 năm tù.
Ngoài ra, đây đã là lần thứ 3 Triệu Quân sự trốn khỏi nơi giam (khi đang chấp hành án) nên đối tượng này còn phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 và khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2015.
Tuy nhiên theo luật sư Thái, trước đây, Triệu Quân Sự đang chấp hành nhiều bản án, với nhiều tội danh, trong đó hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân. Do đó, theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hình phạt chung mà đối tượng này phải chịu vẫn là tù chung thân.
Trước câu hỏi, với hành vi nguy hiểm, và trốn trại nhiều lần, có nên biệt giam đối tượng này hay không, luật sư Thái phân tích, mặc dù, Triệu Quân sự là đối tượng nguy hiểm, đã nhiều lần trốn trại nhưng các cơ quan chức năng không thể áp dụng biện pháp biệt giam đối với người này. Bởi, pháp luật hiện hành không có quy định về hình phạt này.
“Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì Triệu Quân Sự sẽ bị giam tại “khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm” (điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án hình sự năm 2019). Còn giam tại “buồng kỷ luật” chỉ áp dụng đối với các phạm nhân bị kỷ luật và thời hạn áp dụng cũng chỉ đến 10 ngày.
Tại Điều 43 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “1.Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.; 2. Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân. Không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân là người già yếu”, luật sư Thái nói.
Trách nhiệm cán bộ trại giam?
Bên cạnh mục đích trừng trị người phạm tội, luật sư Thái cho rằng, việc áp dụng và thi hành hình phạt đối với người phạm tội còn phải đạt được mục đích là giáo dục, cải tạo người phạm tội, giúp họ trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội. Do đó, đối với những phạm nhân như Triệu Quân Sự thì các trại giam cần phải có sự quan tâm đặc biệt, tăng cường công tác quản lý, giám sát, để phòng ngừa phạm nhân trốn trại.
Bên cạnh đó, biện pháp quan trọng, tích cực và nhân văn nhất vẫn là các trại giam, các cán bộ phụ trách phải thường xuyên quan tâm, tìm hiểu tâm lý của phạm nhân, có được những phương pháp giáo dục, cải tạo phù hợp, để họ nhận thức được lỗi lầm, ăn năn, hối cải đối với các việc làm sai trái của mình, tự giác chấp hành, cải tạo, tu dưỡng; Giúp các phạm nhân hiểu rằng, bị phạt tù chung thân không có nghĩa là sẽ phải thụ án cả đời, nếu họ thực sự cầu tiến, có ý thức chấp hành và cải tạo tốt, biết tự giác thay đổi bản thân, thì sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật, được giảm thời gian chấp hành hình phạt, được tha tù trước thời hạn, vẫn còn cơ hội tái hòa nhập cộng đồng...
Phạm nhân đặc biệt nguy hiểm Triệu Quân Sự bỏ trốn khỏi trại giam lần 3, dù bị bắt lại nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi về trách nhiệm trại giam này? Luật sư Thái cho biết, theo quy định tại Điều 376 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn, người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trốn” thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Người nào phạm tội này còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, trong vụ việc trên, lãnh đạo trại giam và các giám thị, quản giáo thực hiện nhiệm vụ vào ngày Triệu Quân Sự bỏ trốn phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, để có kết luận chính thức cần dựa vào lời khai của Triệu Quân Sự và kết quả điều tra khách quan từ phía cơ quan chức năng.
Triệu Quân Sự từng là quân nhân Quân khu 1, tỉnh Thái Nguyên nhưng thường xuyên trộm cắp và đào ngũ khi là binh nhì. Năm 2012, đối tượng sát hại chủ quán cà phê ở quận Long Biên (Hà Nội) để cướp tài sản. Năm 2013, Sự bị Tòa án Quân sự Quân khu 1 tuyên chung thân về các tội “Giết người, Cướp tài sản và Đào ngũ”. Đến cuối năm 2015, khi chấp hành án phạt ở Quảng Ngãi, y trốn trại và bị bắt lại. Chiều 3/6/2020, khi đang chấp hành án tại Trại giam quân sự khu vực miền Trung, đóng tại Quảng Ngãi, Triệu Quân Sự lại trốn trại và bị bắt sau 15 ngày lẩn trốn tại quán game ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại