Thứ hai 20/05/2024 17:23

Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn lao động theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2015, trên toàn quốc đã xảy ra 3.416 vụ tai nạn lao động làm 3.499 người bị nạn. Đây là minh chứng cho thấy tai nạn lao động đang trở thành một vấn nạn lớn của xã hội.

Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý đảm bảo an toàn lao động cho người lao động. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

PV: Thưa ông, theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những điểm mới quan trọng trong Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 là việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ hợp đồng lao động. Vậy, cơ sở của quy định này là gì, ông có thể giúp chúng tôi làm rõ?

Ông Hà Tất Thắng: Hiện nay, cả nước có 52 triệu lao động, trong đó có 35 triệu lao động không có hợp đồng lao động. Vì vậy, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động này.

Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 được Quốc hội thông qua yêu cầu không phân biệt người có quan hệ lao động hay không có quan hệ lao động. Tuy vậy, đây là một lực lượng đông đảo trong xã hội, nguồn lực để thực hiện, đảm bảo cho công tác này cũng đòi hỏi rất lớn, vì thế, việc đảm bảo an toàn lao động cho người lao động là vấn đề khó, phải có lộ trình từng bước một. Nhà nước phải tùy theo tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội từng giai đoạn để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Có thể nói, việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ hợp đồng lao động không những có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động mà còn tạo nên sự bình đẳng giữa các loại hình lao động trong xã hội.

PV: Thưa ông, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 đã bổ sung 2 chính sách mới về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Vậy, đánh giá của ông như thế nào về chính sách này?

Ông Hà Tất Thắng: Chính sách thứ nhất là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc. Khi không may bị tai nạn lao động xảy ra, sau khi điều trị, ổn định vết thương, nếu còn khả năng lao động thì quỹ sẽ hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ người lao động chuyển đổi sang một công việc mới phù hợp hơn với sức khỏe và điều kiện lao động. Sự hỗ trợ này cơ bản sẽ đảm bảo cho người lao động để họ tái hòa nhập cộng đồng.

Chính sách thứ hai là hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, trích không quá 10% tổng quỹ thu của quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để phục vụ cho công tác phòng ngừa, bao gồm: khám chữa bệnh nghề nghiệp, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, điều tra lại tai nạn lao động và phục hồi chức năng cho người lao động. Với chính sách này, người lao động sẽ yên tâm hơn trong quá trình lao động, từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, duy trì và phát triển quan hệ lao động.

PV: Như ông đã trao đổi ở số trước, có thể thấy, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn lao động, chế độ tai nạn lao động đã được quy định rất rõ. Tuy nhiên, trên thực tế, tai nạn lao động vẫn xảy ra với những con số ngày càng tăng. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Ông Hà Tất Thắng: Có thể khẳng định con số tuyệt đối về tai nạn lao động tăng là đúng nhưng sự gia tăng này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, kinh tế - xã hội của chúng ta so với 10 năm trước thay đổi, tăng trưởng rất nhiều. Số lượng doanh nghiệp được thành lập rất lớn, số lượng lao động tham gia vào nền kinh tế ngày càng tăng. Vì thế, con số tai nạn lao động tăng cũng phản ánh đúng thực tế.

Thứ hai, quy định về khai báo và kiểm soát tai nạn lao động ngày một tốt hơn. Trước đây chỉ có khoảng 3 - 4 % thì hiện nay đã đạt được khoảng 10% doanh nghiệp khai báo tai nạn lao động.

Tuy nhiên, xét trên tần suất, tức là tính trên số vụ lao động trên 100.000 lao động thì ở Việt Nam chúng ta, tai nạn lao động đang có xu hướng giảm. Trung bình giảm được 5% tần suất.

Tới đây, nếu thống kê tai nạn lao động tốt hơn nữa thì con số tai nạn lao động có thể tăng hơn nhưng chúng ta không ngại. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang tiệm cận đến những con số thật để từ đó, có giải pháp một cách tổng thể giảm thiểu các vụ tai nạn lao động.

PV: Vậy, dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, ông có thể cho biết đơn vị đã triển khai hoạt động gì nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Luật An toàn, vệ sinh lao động trong thời gian tới?

Ông Hà Tất Thắng: Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động, về phía Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đã ngay lập tức triển khai tập huấn, hướng dẫn, phổ biến luật này đến các đơn vị, địa phương trên toàn quốc. Song song với đó, Chính phủ giao cho Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội xây dựng 04 Nghị định để hướng dẫn thi hành chi tiết về Luật An toàn, vệ sinh lao động. Theo lộ trình, tất cả Nghị định này và Luật sẽ có hiệu lực vào 01/7/2016.

Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đang khẩn trương để đến tháng 4/2016 có thể trình được tất cả Nghị định lên Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Lao động chúng tôi dự kiến sẽ có khoảng 11 Thông tư hướng dẫn chi tiết những nội dung mà Luật giao cho Bộ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng định kỳ vào 08h55’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động