Thứ sáu 22/11/2024 13:13

Trả lương trong thời gian ngừng việc do liên quan dịch bệnh Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Xin quý báo cho biết, trong thời gian ngừng việc do liên quan dịch bệnh Covid-19, người lao động có được trả lương không?

(Phạm Văn Mai, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Trả lương trong thời gian ngừng việc do liên quan dịch bệnh Covid-19
Ảnh minh hoạ

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Thực hiện Công văn số 264/QHLĐTL-TL ngày 15-6-2021 của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc do liên quan dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện chế độ trả lương ngừng việc cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động như sau:

1. Về nguyên tắc, việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019 để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động;

2. Đối với những trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 sau đây được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019:

a) Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (cách ly tập trung, cách ly tại nhà, cách ly tại khu nhà trọ, cách ly khu lưu trú,...);

b) Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

c) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kể cả các trường hợp người lao động phải ngừng việc khi doanh nghiệp xây dựng, thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh;

d) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Tiền lương ngừng việc trong các trường hợp này do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, nhưng phải đảm bảo:

- Nếu thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống (không tính ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương) thì tiền lương ngừng việc hai bên thỏa thuận nhưng không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (có thể trả bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng);

- Nếu thời gian ngừng việc trên 14 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương) thì:

+ Tiền lương ngừng việc của 14 ngày đầu tiên hai bên thỏa thuận nhưng không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (có thể trả bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng);

+ Tiền lương ngừng việc của những ngày tiếp theo hai bên thỏa thuận (có thể trả thấp hơn, bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng).

Trong thời gian người lao động ngừng việc và hưởng tiền lương ngừng việc như nêu trên thì doanh nghiệp và người lao động được thực hiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc theo quy định tại khoản 6 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người lao động vẫn có thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương hợp đồng lao động của người lao động mà không cần báo giảm mức đóng.

3. Trường hợp doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả (lương ngừng việc) của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có thể làm thủ tục vay vốn để trả lương ngừng việc theo điểm 11 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 hoặc lấy ý kiến Ban chấp hành Công đoàn cơ sở để thống nhất thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019.

Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động phải được thỏa thuận với từng người lao động, thời gian tạm hoãn do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, phải lập văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và được doanh nghiệp, người lao động cùng ký kết. (Lưu ý: người lao động đang nghỉ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,… không thuộc đối tượng tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động cho đến khi hết thời gian nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội).

4. Đối với các trường hợp người lao động ngừng việc do phải cách ly y tế hoặc trong khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ngoài việc doanh nghiệp có trách nhiệm trả lương ngừng việc cho người lao động theo hướng dẫn tại tiết a, tiết b điểm 2 Công văn này); người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp liên hệ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị để được hướng dẫn lập thủ tục đề nghị hỗ trợ người lao động theo điểm 4, điểm 5 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đỗ Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động