Trả hồ sơ vụ lừa 300 tỷ đồng tại Cty Chứng khoán SME
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo tại tòa |
Bị cáo Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Chứng khoán SMES; Phạm Minh Tuấn, cựu Tổng GĐ; Nguyễn Thành Nam, cựu GĐ chi nhánh TP HCM, bị truy tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Liên quan đến vụ án, các cựu lãnh đạo PVFI: Chu Xuân Lai, cựu Tổng GĐ; Lê Xuân Tân, cựu Phó Tổng GĐ; Vũ Xuân Công, cựu Phó Ban dịch vụ tài chính; Vũ Thị Hồng Lan, cựu Trưởng Ban dịch vụ tài chính, tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 4/2010- 3/2011, do cần huy động tiền để trả các khoản nợ đến hạn phải thanh toán và sử dụng cá nhân, Phan Huy Chí và các đồng phạm đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối như: Tạo dựng khách hàng, xác nhận, phong tỏa khống số dư chứng khoán có tính thanh khoản cao trong tài khoản giao dịch chứng khoán của các khách hàng để tạo niềm tin và chiếm đoạt của Tổng Cty CP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), Cty CP Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI), Ngân hàng Habubank Hà Nội hơn 299 tỷ đồng.
Thông qua các hợp đồng đầu tư chứng khoán niêm yết số 15 và 16, Phan Huy Chí và Phạm Minh Tuấn đã chiếm đoạt của Tổng Cty CP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) hơn 107 tỷ đồng. Trong đó, số tiền mà bị cáo Tuấn chiếm đoạt là hơn 36 tỷ đồng; Chí chiếm đoạt hơn 44 tỷ đồng. Số tiền còn lại, với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ SMES Phan Huy Chí phải chịu trách nhiệm cá nhân về số tiền sử dụng chung cho hoạt động của SMES. Ngoài ra, thông qua 6 hợp đồng khác, Phan Huy Chí và Phạm Minh Tuấn cùng đồng phạm còn chiếm đoạt của Cty CP Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI) hơn 111 tỷ đồng.
Từ các hợp đồng ủy thác đầu tư, Phạm Minh Tuấn dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt của Habubank 80 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Thanh Nam đã giúp sức cho Tuấn hoàn tất quá trình chiếm đoạt số tiền của Habubank và trực tiếp chiếm đoạt 7 tỷ đồng. Với Nguyễn Huy Sơn, Nguyễn Phương Lan - cựu cán bộ Cty CP Chứng khoán SMES; Cao Tuấn Nghĩa, cựu GĐ Cty CP Tư vấn Anh, bị cáo buộc, biết rõ các khách hàng không sở hữu số dư chứng khoán, nhưng vẫn ký hợp đồng, lập hồ sơ, tạo điều kiện cho Tuấn, Chí cùng Nguyễn Thanh Nam chiếm đoạt.
Bị cáo Chu Xuân Lai, nguyên Tổng GĐ PVFI; Lê Xuân Tân, nguyên Phó Tổng GĐ PVFI; Vũ Xuân Công, nguyên Phó Ban dịch vụ tài chính và Vũ Thị Hồng Lan, nguyên Trưởng ban dịch vụ tài chính PVFI là những người có chức trách, nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước tại DN nhưng đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao.
Những người này không làm đúng, đầy đủ quy trình hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết của PVFI và quy định tại các hợp đồng... nên để bị cáo Phan Huy Chí cùng đồng phạm lợi dụng chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho PVFI hơn 109 tỷ đồng.
Trình bày tại tòa, bị cáo Chí khẳng định “không chiếm đoạt tiền”, không lừa đảo và hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán thực chất là để “đảo nợ”. Bị cáo khai, giữa SMES và PVFI có quan hệ hợp tác kéo dài nhiều năm, gồm nhiều hợp đồng, hợp đồng sau "gối" hợp đồng trước. Bản chất là vay tiền dưới dạng ủy thác vốn.
Trong khi đó, bị cáo Chu Xuân Lai cho rằng, đây không phải là các hợp đồng vay tiền mà là hợp đồng hợp tác chứng khoán niêm yết. Vậy nếu hợp tác đầu tư thì lời ăn lỗ chịu nhưng hợp đồng lại có lãi suất cố định.
“Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các bên và bị cáo đã thực hiện nhằm bảo toàn vốn của Nhà nước” - HĐXX hỏi, bị cáo Lai cho rằng, VKSND truy tố bị cáo tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng vì bị cáo đã phân công cho 2 Phó tổng phụ trách tài chính. Còn đại diện PVFI cho hay, hiện SMES đang sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu PVFI. Trên sổ cổ đông của PVFI có thể hiện SMES là cổ đông. PVFI đã từng khởi kiện ra TAND TP Hà Nội về số cổ phiếu này. Tuy nhiên, hiện trạng số cổ phiếu này được SMES cầm cố cho ngân hàng. TAND TP Hà Nội đang tạm đình chỉ vụ kiện này để chờ kết quả điều tra của cơ quan CA.
Tuy nhiên, chiều 10/5, sau hội ý, thẩm phán chủ tọa Đặng Thị Thanh Huyền công bố quyết định trả hồ sơ, yêu cầu tiếp tục điều tra vụ án. Tòa nhận định, quá trình xét hỏi, bị cáo Phan Huy Chí nhiều lần khẳng định không có hành vi chiếm đoạt tài sản của Tổng Cty CP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), mà chỉ trả nợ muộn. Các lần trả đều được PVI và SME thoả thuận trong biên bản nhận nợ và kế hoạch trả nợ. Bị cáo nộp các tài liệu chứng minh các lần trả, cho thấy bắt đầu thanh toán từ tháng 4/2011. Bị cáo cho rằng "đã thực hiện đúng biên bản nhận nợ này".
Ở vụ việc xảy ra tại Cty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVIF), bị cáo Chí trình bày, đang nắm giữ hơn 3 triệu cổ phiếu của PVIF và xuất trình tài liệu chứng minh. Bị cáo khai số tiền hơn 79 tỷ đồng PVIF đã giải ngân cho SME, trong đó một phần dùng trả cho các khoản tiền SME trước đây, đã sử dụng để mua số cổ phiếu trên. Trước HĐXX, bị cáo Chí và thuộc cấp Phạm Minh Tuấn, cựu Tổng GĐ SME, đều khai không sử dụng cá nhân số tiền trên. Chủ tọa nêu, đây là các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa, nhưng chưa đủ để xác định các bị cáo có chiếm đoạt tài sản của PVI và PVIF và điều này không thể làm rõ tại phiên tòa. Do đó, HĐXX đề nghị làm rõ: Có hay không biên bản xác nhận công nợ, kế hoạch trả nợ giữa PVI với SME với 2 hợp đồng đầu tư chứng khoán ký ngày 21/4/2010? Nếu có thì đã thực hiện thế nào? Số cổ phiếu PVIF đứng tên SME mà bị cáo Chí đang nắm giữ và mục đích mua số cổ phiếu này liên quan thế nào đến số tiền hơn 79 tỷ đồng mà SME nhận từ PVIF theo các hợp đồng?
Quá trình điều tra, bị cáo Phan Huy Chí đã trả cho PVI hơn 65,6 tỷ đồng. Gia đình bị cáo Chí đã khắc phục thêm 15 tỷ đồng, Phạm Minh Tuấn khắc phục hơn 2,3 tỷ đồng… CQĐT đã trả lại cho PVI hơn 18,3 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền PVI được bồi thường là hơn 84 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan CA phong tỏa tài khoản của bị cáo Phan Huy Chí tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam các mã gồm SGB, VBB, SHB, VCV, PXL; tài khoản của bị cáo Phạm Minh Tuấn gồm các mã SME, SVP, PXL và tài khoản tại SMES gồm một số mã chứng khoán cùng hơn 738 triệu đồng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại