Thứ sáu 22/11/2024 16:21

Tiếp tục mở rộng các cửa hàng trái cây an toàn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó GĐ phụ trách Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, nhấn mạnh, thời gian tới, các quận huyện cần tiếp tục triển khai, rà soát mở rộng các cửa hàng trái cây an toàn…

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, sau 2 năm triển khai thực hiện, đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội” đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, 809/809 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP đã được cấp đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, biển nhận diện. 95% cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng, có trang thiết bị vận chuyển; 80% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc… UBND các quận đã xây dựng được 40 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó GĐ phụ trách Sở Công thương Hà Nội cho hay, từ nay đến cuối năm, ngành công thương Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các chương trình liên kết vùng, hội nghị giao thương kết nối cung cầu sản phẩm trái cây an toàn vào hệ thống phân phối của Hà Nội.

tiep tuc mo rong cac cua hang trai cay an toan

Hà Nội: 100% cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ảnh: Minh Phong

Sở Công thương sẽ triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động kinh doanh trái cây của TP Hà Nội và trang thông tin của TP Hà Nội phục vụ tra cứu về trái cây của các tỉnh, TP trong cả nước.

Ngoài ra, sẽ phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, phát triển chợ thương mại điện tử sản phẩm trái cây an toàn của Hà Nội và các tỉnh tiêu thụ trên địa bàn. Phấn đấu đạt 30 - 50% các tuyến phố văn minh tại quận và các tuyến phố tại trung tâm các huyện, thị xã không kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…

Để phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô, bà Trần Thị Phương Lan đề nghị, thời gian tới, các quận huyện cần tiếp tục triển khai, rà soát mở rộng các cửa hàng trái cây an toàn. Đối với các cửa hàng không đáp ứng được yêu cầu thì cơ quan chức năng thu hồi biển nhận diện.

Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường quản lý nguồn gốc, xuất xứ. Các sản phẩm nào đã có truy xuất nguồn gốc thì phải dán. Đối với các mặt hàng chưa có truy xuất thì phải mở sổ, ghi rõ mua ngày nào, của ai, ở đâu để minh bạch nguồn gốc, chất lượng trái cây.

Đối với vấn đề rác thải nhựa, bà Lan nhấn mạnh, cần giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ, Trung tâm thương mại, DN sản xuất, DN trong cụm công nghiệp. Chính phủ và TP đang rất quyết liệt triển khai việc này. Do vậy, Sở Công thương phải bảo đảm nhiệm vụ theo TP giao; Phấn đấu về đích trước cả nước 1 năm.

Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, hiện nay còn 30 siêu thị siêu thị nhỏ (17%) chưa đạt chỉ tiêu về rác thải nhựa, còn lại các siêu thị lớn đã đạt 100%. Đối với các chợ phải đạt được 50% trong năm 2020 thì đến nay đã cơ bản đạt được, nhiều mô hình được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, TP cần cố gắng hơn nữa bởi việc giảm thiểu rác thải nhựa ở chợ rất khó khăn do nhận thức của bà con tiểu thương còn hạn chế.

Sở Công thương đang vận động các DN đổi mới công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm thân thiện môi trường, nhất là các DN sản xuất bao bì thân thiện để phân phối cho thị trường…

Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động