Tiếng máy ngân vang, thu nhập người lao động ổn định
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrong đại dịch vân ổn định sản xuất
Mặc dù TP Hà Nội đã thực hiện hai đợt giãn cách nhưng mọi hoạt động tại các Cty nằm trong Cụm công nghiệp thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng vẫn diễn ra bình thường. Người lao động có việc làm, còn DN có doanh thu, chăm lo tốt đời sống người lao động, đóng góp ngân sách cho Nhà nước…
Những ngày này lượng sản phẩm bánh kẹo của Cty CP thực phẩm Richy Miền Bắc vẫn đều đều theo các chuyến xe phân phối khắp các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài. Gần 600 lao động trong Cty không những không phải nghỉ việc vì giãn cách mà vẫn có việc làm, thậm chí còn được hưởng lương tăng ca do khối lượng đơn đặt hàng về nhà máy ngày một nhiều.
Hoạt động sản xuất tại Cty CP thực phẩm Richy Miền Bắc vẫn ổn định, đời sống người lao động được đảm bảo. Ảnh: Đ.T |
Theo ông Trần Sỹ Trực, Chủ tịch HĐQT Cty, bí quyết nằm ở chỗ, đơn vị đã lập phương án sản xuất, phương án phòng, chống dịch cụ thể, tuyệt đối tuân thủ 5K, vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và người lao động. Ngay sau đó phương án này đã được UBND huyện thẩm định và phê duyệt. Lao động tại Cty chủ yếu sinh sống ngay tại địa bàn huyện. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 50 người sống tại huyện lân cận. Cty đã bố trí chỗ ăn nghỉ cho số lao động này theo phương thức 3 tạị chỗ. Hiện lương bình quân/ tháng với mỗi lao động là 8 triệu đồng. Toàn Cty không có ai là F0, F1 hoặc có người nhà liên quan đến các F nói trên.
Hiện Cty có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích như bánh gạo, bánh Karo trứng tươi chà bông. Không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà sản phẩm của Richy còn xuất khẩu đi 30 nước trên thế giới, đặc biệt được yêu thích tại thị trường Châu Mỹ, Châu Á, trong đó có Hàn Quốc.
Năm 2020, sản phẩm bánh Karo trứng tươi chà bông của Cty lọt Top 1 “Hàng Việt Nam được nhiều người tiêu dùng yêu thích năm 2020”. Cũng trong năm 2020, Richy vinh dự được Chính phủ và Bộ Công thương xét chọn là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Sản xuất ổn định nên Cty có thêm động lực hướng tới các hoạt động vì cộng đồng. Gần đây nhất, thông qua Liên đoàn lao động và Mặt trận Tổ quốc huyện, Cty đã ủng hộ 3 tỷ đồng cho quỹ vaccine, ủng hộ lần thứ hai số lượng 30 thùng bánh mỳ, 10 thùng bánh gạo cho lực lượng phòng, chống dịch tuyến đầu. Mới đây, Cty đã được Liên đoàn lao động huyện bắn biển vùng xanh.
Nói về hoạt động sản xuất của các DN vẫn ổn định trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa, ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, lãnh đạo huyện và các phòng ban liên quan luôn nhận thức DN là xương sống của nền kinh tế. Họ có hoạt động được thì mới có điều kiện đóng góp cho xã hội. Hiện toàn huyện có 16 xã, thị trấn, được chia ra làm các vùng đỏ, gồm xã Tân Lập, vùng cam, gồm xã Trung Châu, vùng vàng, xã Tân Hội, Thọ An, còn lại là vùng xanh. Hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra bình thường với điều kiện tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Các DN hoạt động trong các cụm công nghiệp phải lên phương án sản xuất, phòng, chống dịch bệnh cụ thể. Ngay sau khi nhận được phương án, UBND huyện cử cán bộ tới thẩm định, kiểm tra, nếu thấy đạt, trong vòng một ngày sẽ ra quyết định phê duyệt phương án. Với những DN nằm ngoài cụm công nghiệp, thuộc trách nhiệm quản lý của xã, thị trấn, quy trình thẩm định cũng như vậy. Tốc độ phê duyệt phương án hết sức nhanh, linh hoạt, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động.
Chính vì thực hiện tốt công tác quản lý nên tính đến thời điểm này, tại các DN trên địa bàn không có trường hợp nào bị F0, F1.
Thêm những ý tưởng sản xuất, kinh doanh mới
Vùng xanh được mở rộng, đồng nghĩa với các hoạt động sản xuất được cởi mở hơn. Những ngày này, bà Đặng Thị Cuối, Chủ nhiệm HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, địa chỉ thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng như trút được gánh nặng khi 13 lao động của HTX quay trở lại làm việc.
Trước giãn cách đợt 1, sản phẩm rau của HTX được phân phối tới hệ thống chuỗi cửa hàng Sói Biển, HTX Đất Việt, 16 trường học trên địa bàn huyện… Do ảnh hưởng dịch bệnh, một lượng lớn rau tiêu thụ không hết khiến bà Cuối chuyển hướng liên kết với Hội phụ nữ tại nhiều phường, xã trên địa bàn Hà Nội thực hiện các chuyến xe rau từ thiện.
Bà Đặng Thị Cuối bên mô hình nho Hạ đen mới. Ảnh: K.H |
Giờ khi người lao động quay trở lại sản xuất, sản phẩm rau củ tiêu thụ ổn định hơn, bà Cuối cũng có những hướng kinh doanh mới hơn. Trong tổng số diện tích 5ha, bà dành hẳn 1,5ha chuyên trồng loại nho mới có tên Hạ đen. Tháng 11 này nho sẽ được thu hoạch với hình thức bán hàng để người mua vào tận vườn, tự tay lựa chọn. Tới đây, khi mọi việc ổn định, HTX lại đưa ra thị trường mỗi ngày 2 tạ rau củ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, Đan Phượng đang thực hiện tốt Công điện số 20 ngày 6-9 của UBND TP Hà Nội về tăng tốc kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Hiện tại toàn huyện có 159 DN đang hoạt động theo phương án sản xuất đã được phê duyệt với 8.443 công nhân và người lao động. Có 8 DN thực hiện phương án sản xuất 3 tại chỗ; 136 DN thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”; 13 DN thực hiện phương án kết hợp 3 tại chỗ với 1 cung đường 2 điểm đến. Để hạn chế việc tập trung đông người nên các DN, cơ sở sản xuất bố trí làm việc từ 2 đến 3 ca/ngày. Tại vị trí ra, vào mỗi Cty đều bố trí bộ phận kiểm soát, tuân thủ tốt 5K.
Cũng theo ông Hùng, hiện tại toàn huyện đã tiêm xong mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 10.000 người lao động tại các DN trên địa bàn, trong đó nhiều người đã hoàn thành tiêm mũi 2. Việc tiêm vắc xin và tăng cường phát triển sản xuất đang là ưu tiên hàng đầu của huyện để tiếp tục mở rộng vùng xanh, đưa đời sống Nhân dân sớm ổn định trở lại.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại