Tích cực nâng cao chất lượng công tác dân số
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHỗ trợ cộng tác viên dân số…
Xuất phát từ thực tế có nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (KHHGĐ) tại Vĩnh Phúc như: Tỷ lệ tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, tạo ra áp lực lớn trong việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ; Mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh; Nhận thức của một bộ phận cư dân đối với vấn đề hôn nhân, gia đình vẫn còn nhiều hạn chế; Cơ cấu dân số theo tuổi chuyển dịch theo hướng già hóa dân số…
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt, đẩy mạnh thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (KHHGĐ), trong đó có Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh về “Quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”.
Phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh tư liệu) |
Trao đổi với PV về vấn đề hỗ trợ thù lao đối với CTV dân số, ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc cho biết: “Theo nội dung Nghị quyết 16 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, các CTV dân số sẽ được hỗ trợ thù lao 150.000đ/người/tháng; hỗ trợ việc thực hiện dịch vụ KHHGĐ và sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho một số đối tượng đặc thù.
Đây tiếp tục là chính sách mang ý nghĩa rất thiết thực của tỉnh đối với công tác nâng cao chất lượng dân số. Việc thực hiện tốt Nghị quyết sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu chuyển trọng tâm từ công tác Dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển”.
Nâng cao chất lượng dân số…
Lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc chia sẻ thêm, công tác dân số ngày càng đòi hỏi những yêu cầu cao hơn theo tình hình phát triển của xã hội, nên việc quy định hỗ trợ mức thù lao 150.000 đồng/người/tháng, là rất thiết thực trong việc động viên khích lệ các CTV “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động các gia đình không vi phạm chính sách pháp luật về dân số; phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Chính sách quan tâm động viên, đã giúp các CTV thêm tâm huyết, và trách nhiệm hơn với công tác xã hội.
Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh cũng quy định, các trường hợp phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và thuộc vùng miền núi khi thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh sẽ được hỗ trợ chi phí lần lượt là 160 nghìn đồng/trường hợp/1 lần mang thai và 550 nghìn đồng/trẻ; 5 bệnh bẩm sinh được hỗ trợ sàng lọc là thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa axit amin, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa đường.
Ra quân tuyên truyền phổ biến kiến thức để người dân nâng cao chất lượng dân số (ảnh tư liệu) |
Chính sách này của tỉnh có thể xem là giải pháp hữu hiệu giúp phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp có điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ tầm soát dị tật; từ đó, kịp thời phát hiện, can thiệp và điều trị sớm bệnh lý bẩm sinh và các rối loạn chuyển hóa để trẻ sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường.
Được biết, tính đến hết năm 2020, dân số toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 1,16 triệu người. Từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số của Vĩnh Phúc tăng thêm hơn 151.000 người; cơ cấu dân số theo độ tuổi trên địa bàn dần thay đổi theo hướng tích cực. Chất lượng dân số được nâng lên rõ rệt cả về thể lực và trí lực.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu nâng cao chất lượng dân số đã tạo nền tảng đưa chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2009 của tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước; năm 2020 Vĩnh Phúc là 1 trong 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chỉ số này.
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đều vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm rõ rệt; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn tiền hôn nhân đạt hơn 82%. Đặc biệt, số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh và số phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh ngày càng cao.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại