Thứ sáu 08/11/2024 18:27

“Thuốc lá thế hệ mới” đều độc hại và gây nghiện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước những tác hại của một số loại thuốc lá mới được núp dưới danh nghĩa của loại “thuốc lá thế hệ mới” (gồm thuốc lá điện tử, shisha, thuốc lá làm nóng), Bộ Y tế đề xuất cấm nhập khẩu với thuốc lá điện tử, shisha và quản lý thuốc lá làm nóng như với thuốc lá truyền thống.

Không an toàn như quảng cáo

Để kích thích sự tò mò, thu hút giới trẻ sử dụng các loại thuốc lá điện tử, shisha hay thuốc lá làm nóng, ngành công nghiệp thuốc lá đã khoác lên cho những sản phẩm này mĩ từ “thuốc lá thế hệ mới”. Kèm theo đó là những lời giới thiệu rất hấp dẫn: Thuốc không gây nghiện; dùng để cai nghiện thuốc lá. Ngoài ra, các Cty thuốc lá cũng đánh vào tâm lý “sành điệu”, thời thượng của giới trẻ bằng những hương, vị khác nhau dành cho người đang yêu, người thất tình… Chính vì vậy, ngày càng có nhiều thanh niên tìm đến loại thuốc lá mới này.

Bà Tan Yen Lian, GĐ thông tin và quản trị tri thức, Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) khẳng định: Các sản phẩm thuốc lá mới không an toàn như các Cty thuốc lá tuyên bố và nên bị cấm. Thuốc lá điện tử là các thiết bị hoạt động bằng pin, làm nóng một dung dịch để tạo ra một khí dung, bao gồm nicotine và nhiều hóa chất khác, được người dùng hít. Thuốc lá điện tử có nhiều dạng khác nhau và thường được thiết kế để mô phỏng các sản phẩm thuốc lá thông thường như thuốc lá điện tử, xì gà điện tử, shisha điện tử.

Dung dịch được sử dụng trong thuốc lá điện tử thường chứa nicotine, hương liệu và các thành phần khác như propylene glycol và glycerin thực vật. Thuốc lá làm nóng là một thiết bị làm nóng nguyên liệu thuốc lá và tạo ra khí dung để người dùng hít vào. Các sản phẩm mới này đang phát triển thị trường nhanh chóng ở một số nước.

“Các Cty thuốc lá thường mô tả các sản phẩm thuốc lá mới nổi gần đây là các sản phẩm có tính an toàn cao, ít tác hại hơn thuốc lá truyền thống hay các sản phẩm để hỗ trợ người hút thuốc cai nghiện. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học lại không hỗ trợ các tuyên bố này.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những tuyên bố này là vô căn cứ. Các nhà khoa học Nhật Bản gần đây đã phát hiện ra trong khí phát thải và trong thuốc lá điện tử cũng có các thành phần độc hại giống như thuốc lá thông thường. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong khí thải của thuốc lá điện tử có các chất có thể gây ung thư. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là chất gây nghiện mạnh và có thể gây bệnh tim mạch và các vấn đề hô hấp”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ngoài tính gây nghiện, nicotine gây tác động tiêu cực đến sự phát triển thai nhi trong quá trình mang thai và các bệnh tim mạch. Mặc dù nicotine không phải là chất gây ung thư, nhưng nó có tác động như “chất tạo khối u” và liên quan đến hình thành bệnh ung thư cũng như ảnh hưởng đến thần kinh. Tiếp xúc với nicotine ở trẻ vị thành niên và thai nhi có ảnh hưởng lâu dài đến phát triển não bộ, tiềm năng dẫn đến rối loạn học tập và rối loạn tâm thần kinh.

Đối với thuốc lá làm nóng, đây là sản phẩm thuốc lá làm sản sinh ra khí chứa nicotine với hương vị thuốc lá cho người sử dụng hít vào qua đường miệng. Thuốc lá làm nóng chứa chất gây nghiện cao nicotine (trong thuốc lá) và cũng có các chất phụ gia không phải thuốc lá có hương vị. Sử dụng nhiệt làm nóng (trực tiếp hoặc gián tiếp) sản phẩm thuốc lá (thường ở nhiệt độ trên 200 độ C).

Những sản phẩm này được làm nóng ở nhiệt độ thấp hơn thuốc lá đốt cháy nhưng vẫn có những thành phần giống như thuốc lá thông thường, bao gồm cả các chất gây ung thư và các chất độc gây bệnh tim mạch và hô hấp.

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Thuốc lá điện tử, shisha chứa nicotin, chất gây nghiện, chất độc và chất gây hại khác. Các loại thuốc này có xu hướng tác động đến giới trẻ bởi mẫu mã hình thức được thay đổi để phù hợp với các quốc gia, đặc tính, vùng văn hóa khác nhau; thiết kế khác nhau để bắt kịp gu thẩm mỹ của giới trẻ. Chúng ta sẽ có thế hệ trẻ mới hút “thuốc lá thế hệ mới”, điều này sẽ gây hậu quả cho sức khỏe, môi trường, xã hội không khác gì thuốc lá truyền thống.

Nguy cơ giới trẻ nghiện ma túy tiếp cận ma túy thông qua sử dụng ma túy phối trộn trong shisha và thuốc lá điện tử. Với shisha-thuốc lào Ả-rập chứa nicotine, hương vị giống thuốc lá điện tử, đưa hắc-ín, dioxit các bon… vào cơ thể gây tiểu đường, béo phì, phổi.

cac thuoc la the he moi deu doc hai va gay nghien
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Sức khỏe cộng đồng là ưu tiên được đặt lên hàng đầu trong xây dựng các quy định. (Ảnh: V.H)

Đừng để người Việt Nam là vật thí nghiệm cho các doanh nghiệp sản xuất shisha

Bà Tan Yen Lian nhấn mạnh, các Cty có xu hướng hướng tới nhóm khách hàng là thanh niên. Các quốc gia nên cấm các sản phẩm thuốc lá mới này để bảo vệ sức khỏe người dân. Hơn 40 quốc gia trên thế giới hiện đã cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nòng, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN: Brunei, Cambodia, Lào, Singapore và Thái Lan.

TS. Nguyễn Huy Quang chia sẻ, từ những tác hại của thuốc lá điện tử và shisha, với chức năng, nhiệm vụ của mình-lấy sự an nguy sức khỏe của người dân, đặc biệt là giới trẻ nên Bộ Y tế đã đề xuất cấm nhập khẩu sử dụng thuốc lá điện tử và shisha.

“Chúng tôi đề nghị cấm vì tác hại và thiết kế của 2 loại thuốc này với sức khỏe của con người với môi trường và trật tự xã hội. Các thiết bị mở, giới trẻ tự rửa để đổ thêm các chất vào, hấp thu nicotine nhiều hơn. CQCA cũng chưa có phương thức để cai nghiện thuốc lá điện tử và shisha. Nếu đưa vào cấm sẽ phòng ngùa được buôn lậu qua biên giới, nhập khẩu chuyến.

Hải quan quốc tế xếp shisha vào nhóm hóa chất, gây thất thu thuế. Nên cấm sử dụng thuốc lá điện tử và shisha. Đừng để người Việt Nam là vật thí nghiệm cho các DN sản xuất shisha”, TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

Với thuốc lá đun nóng, Bộ Y tế đề nghị cho phép sử dụng và nhập khẩu tại Việt Nam nhưng có điều kiện nhất định vì thuốc này chứa nicotine từ lá thuốc lá; xay nguyên liệu ra, cuộn vào cho kim loại-đặc biệt là thiếc làm kích thích độ nóng cháy thuốc lá. So với thuốc lá truyền thống, thuốc lá cuốn nóng đốt cháy ở 360 độ có thể hút, còn thuốc lá truyền thống dùng bật lửa, diêm ở 500-600 độ mới có thể đốt nóng được.

Thuốc lá đun nóng có 200 chất, thuốc lá truyền thống chứa 7.000 chất. Mức độ độc hại của thuốc lá nung nóng không khác gì so với những chất ở thuốc lá truyền thống.

Tổ chức Hải quan quốc tế xếp nhóm này vào thuốc lá và các chế phẩm khác, sẽ thu được thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá truyền thống. Từ lý do như vậy, Bộ Y tế dự kiến đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép sử dụng thuốc lá làm nóng với điều kiện cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao giống thuốc lá truyền thống nhưng nhỏ hơn thuốc lá truyền thống. Mặt sau của bộ phận làm nóng của thuốc lá nung nóng cũng phải ghi cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh để tạo ra phương thức truyền thông bằng hình ảnh với sản phẩm.

Chúng tôi dự kiến sau khi tổ chức thêm các hội thảo mang tính chất khoa học sẽ có đầy đủ dữ liệu, thông tin bằng chứng khoa học của Việt Nam và thế giới sẽ trình Chính phủ, Quốc hội hoặc Chính phủ tự quyết định vì liên quan đến sức khỏe người dân là tối thượng.

Trước một số ý kiến băn khoăn vì sao vẫn cho phép thuốc lá cuốn nóng lưu hành, không đưa vào cấm hẳn, ông Nguyễn Huy Quang cho biết: Chúng tôi đã xây dựng nhiều quy định, Luật như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và một số văn bản có đụng chạm đến lợi ích nhóm, vì vậy chúng tôi phải cân nhắc đảm bảo lợi ích hài hòa giữa cộng đồng và DN. Tuy nhiên, vẫn đặt vấn đề ưu tiên là sức khỏe người dân. Hiện chúng tôi cần thêm những bằng chứng khoa học xác đáng về những tác hại của thuốc lá làm nóng, từ đó mới có cơ sở để quản lý chặt chẽ hơn.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động