Thúc đẩy kinh tế nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Thường trực Thành ủy, Hà Nội là địa phương có số làng nghề lớn, chiếm gần 26,5% tổng số làng nghề cả nước; có số nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú chiếm khoảng 32% tổng số nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cả nước. Ngành thủ công mỹ nghệ giữ vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế Thủ đô, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhanh và sâu rộng.
Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ghi nhận, đánh giá cao đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô đã có nhiều đóng góp trong việc duy trì các nghề thủ công truyền thống; lưu giữ, truyền lại đời sau và phổ biến ra thế giới những giá trị văn hóa, lịch sử được hun đúc qua hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Những năm qua, thành phố đã ban hành, triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề và ngành thủ công mỹ nghệ, như hỗ trợ mặt bằng, cho vay vốn ưu đãi, tổ chức dậy nghề, xử lý ô nhiễm môi trường... Các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở, nhất là các xã có làng nghề luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng hành cùng các nghệ nhân, doanh nghiệp các làng nghề trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, có những cơ chế, chính sách cần tiếp tục được điều chỉnh hoặc đẩy mạnh thực hiện hơn nữa.
Thời gian tới, bên cạnh thời cơ, thuận lợi do việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế Thủ đô nói chung, kinh tế các nghề, làng nghề thủ công truyền thống nói riêng còn gặp nhiều khó khăn: sức ép cạnh tranh ngày càng lớn; nhiều nghề, làng nghề truyền thống đang dần bị mai một... Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân, thợ thủ công mỹ nghệ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô cần nỗ lực, cố gắng, chung tay, góp sức triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy kinh tế nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Đồng thời, khai thác và phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế các nghề thủ công truyền thống, nhất là trong việc tạo sản phẩm du lịch mang đặc trưng bản sắc văn hóa của các làng nghề; bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống, kết nối với các hoạt động quảng bá, giới thiệu tay nghề, làng nghề truyền thống; triển khai thực hiện tốt chương trình mỗi làng một sản phẩm, khuyến khích thuê tư vấn nước ngoài thiết kế các sản phẩm du lịch đáp ứng thị hiếu khách quốc tế và phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện và thực hiện tốt quy hoạch phát triển nghề, làng nghề Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
PV
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại