Thông tư hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSẽ thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng sai mục đích
Thông tư hướng dẫn quản lý nhà ở công vụ được đưa ra trong bối cảnh việc quản lý sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập. Tình trạng sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích, sai đối tượng đã diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội .
Nhằm hạn chế việc sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích, đối tượng, tại Khoản 1, Điều 4 của Dự thảo thông tư nói trên có nội dung quy định rõ:
a) Nhà ở công vụ phải được quản lý chặt chẽ trong quá trình sử dụng, không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng; việc cho thuê phải đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện theo quy định.
b) Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác, hoặc nghỉ công tác thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ.
c) Đối với nhà ở công vụ của Chính phủ thì việc quản lý, bố trí cho thuê thực hiện theo quy định tại Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 7-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ.
Tháng 3-2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện nâng cao hiệu suất sử dụng nhà công vụ; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định; thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật; sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định.
Những “nhà công vụ” bị chiếm giữ làm “nhà riêng” gây khó khăn trong việc bố trí chỗ ở cho các cán bộ, công nhân viên chức thuộc diện phải luân chuyển, điều động từ địa phương này đến địa phương khác công tác. Ảnh:TL
Cần bổ sung tội danh “tham nhũng nhà công vụ”?
Theo quy định của pháp luật, nhà công vụ là loại nhà ở cấp cho những đối tượng theo yêu cầu công tác chuyển về, nhưng không có nhà ở nên được các cơ quan hữu quan tạo điều kiện về chỗ ở. Một số liệu thống kê công bố, tính tới cuối tháng 9-2014, tổng diện tích nhà ở công vụ là 1.603.498 m2. Trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn căn hộ chung cư và 55.966 nhà ở liền kề.
Thực trạng “chiếm giữ nhà công vụ” xảy ra khá phổ biến, nhưng chưa xử lý được triệt để. Tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII, “nội dung” này từng được đưa ra bàn thảo. Nhiều ý kiến từ các ĐBQH cho rằng, nên bổ sung vào BLHS một tội danh tham nhũng mới, đó là “tham nhũng nhà công vụ”. Để có chế tài nghiêm khắc như cưỡng chế, công khai thông tin, xử lý hành chính, xử lý hình sự với người chiếm đoạt tài sản công trong đó có nhà công vụ.
Những năm qua, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã rất gương mẫu, tự nguyện trả lại biệt thự công, nhà công vụ ngay sau khi thôi đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, đáng tiếc là có những trường hợp, cán bộ lãnh đạo quản lý khi không còn giữ chức vụ nữa, lại tự cho mình quyền sử dụng vĩnh viễn và “quên” trả lại nhà công vụ, cố tình biến nhà công vụ thành… nhà riêng của mình. Hiện tượng nhà công vụ bị cơi nới, chia nhỏ, phá vỡ đi không gian, biến biệt thự công thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ, xảy ra không ít.
Chính sách nhà ở công vụ là chính sách rất đúng đắn để đảm bảo cho những cán bộ, công chức, viên chức, hoặc lãnh đạo Đảng, Nhà nước… được luân chuyển, điều động công tác, xa nơi ở cũ có chỗ ở trong thời gian công tác. Hoặc bác sĩ, giáo viên, quân nhân… khi được điều động đến vùng sâu, vùng xa công tác, sẽ được bố trí nhà để ở, ổn định cuộc sống trong thời gian nhận nhiệm vụ.
Nếu “nhà công vụ” được xây dựng từ sự đóng góp của toàn xã hội, lại bị cá nhân chiếm giữ làm “nhà riêng” thì sẽ rất khó khăn phức tạp, trong việc bố trí chỗ ở cho các trường hợp cán bộ, công nhân viên chức, thuộc diện phải luân chuyển, điều động từ địa phương này đến địa phương khác công tác.
Đủ cơ sở để xử lý hình sự “tham nhũng” nhà công vụ
Trao đổi với PV báo PL&XH, luật sư Trương Anh Tú, trưởng VP luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Việc xây dựng Thông tư hướng dẫn cụ thể để từ đó làm rõ hơn chế tài xử lý là cần thiết. Nhưng rõ ràng đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành chúng ta đã đủ cơ sở xử lý hình sự đối với hành vi “tham nhũng” nhà công vụ.”
Thứ nhất, tại Điều 270 BLHS quy định “Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” như sau: Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Tức là, tiền đề luật pháp đã có quy định về chiếm dụng nhà ở, chỉ cần tìm hiểu thêm để thấy rằng thế nào là “trái phép” sẽ có biện pháp tương xứng để xử lý.
Thứ hai, tại Điều 4 Thông tư số 01/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 16 – 1 - 2014, cũng quy định về quản lý sử dụng nhà ở công vụ:
“1. Nhà ở công vụ phải được quản lý sử dụng bảo đảm các quy định tại Điều 21 của Nghị định số 34/2013/NĐ-CP và các quy định cụ thể như sau:
a) Nhà ở công vụ phải được quản lý chặt chẽ trong quá trình quản lý sử dụng, không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng; việc cho thuê phải đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện theo quy định;
b) Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ;…”
“Như vậy, rõ ràng hành vi không trả lại nhà khi hết tiêu chuẩn (về hưu, miễn nhiệm, luân chuyển...) là hành vi vi phạm quy định về quản lý nhà ở, cần phải xử lý hình sự. Tuy nhiên, trước khi xử lý hình sự chúng ta cần điều kiện “đủ” đó là xử phạt hành chính về việc không trả lại nhà, sau đó nếu đương sự vẫn cố tình không trả lại thì sẽ xử lý hình sự”, luật sư Trương Anh Tú nói.
Nếu thực trạng “chiếm giữ hoặc sử dụng sai mục đích nhà công vụ” không được xử lý thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cán bộ quản lý với nhau, giữa cán bộ quản lý Trung ương và địa phương. Do vậy, giải quyết triệt để việc chiếm dụng “nhà công vụ” cũng là một mong muốn không chỉ của cán bộ, công chức, mà còn là nguyện vọng chính đáng của người dân.
Theo luật sư Trương Anh Tú: “Đối với các trường hợp chiếm dụng nhà công vụ, chẳng hạn như không trực tiếp ở mà đem cho thuê kiếm lời thì có thể xử lý với tội danh tại Điều 142 BLHS quy định về Tội sử dụng trái phép tài sản. Theo đó: “Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác, có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích, mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Điều luật này được hoàn thiện trên cơ sở Tội sử dụng trái phép tài sản XHCN được quy định tại Điều 137 BLHS năm 1985.” |
Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại