Thanh Hóa: Liên tiếp sạt lở bờ sông Bưởi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLiên tiếp xuất hiện những điểm sạt lở sau những trận mưa lớn khiến người dân lo lắng. Ảnh: Huy Hoàng |
Người dân luôn trong tình trạng bất an khi mùa mưa lũ về
Thạch Thành là huyện có sông Bưởi chạy qua với chiều dài khoảng 60km. Tại huyện Thạch Thành, đê sông Bưởi được đánh giá là tuyến đê xung yếu, phòng lũ cho 8 xã, thị trấn với hơn 50.000 người dân. Được đầu tư nâng cấp từ năm 2009, đến nay, sau hơn 14 năm, cả 3 tuyến đê tả, đê hữu sông Bưởi và đê bao xã Thạch Định đều có dấu hiệu xuống cấp, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai.
Theo phản ánh của người dân xã Thành Trực và Thạch Định (huyện Thạch Thành), thời gian gần đây, phía bờ tả sông Bưởi liên tục bị sạt lở, nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản của người dân và các công trình khác...
Vị trí sạt lở tại xã Thành Trực được chính quyền địa phương căng dây và cắm biển cảnh báo. Ảnh: Huy Hoàng |
Ghi nhận tại các điểm sạt lở cho thấy, khu vực dọc bờ tả sông Bưởi thuộc thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 1,4km dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 523. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Tại xã Thạch Định xảy ra sạt lở 2 vị trí ở thôn Định Hưng và Thạch An, tổng chiều dài sạt lở khoảng 60m, cách đê bao Thạch Định 30 - 40m. Phần sạt lở tạo thành vách đứng sâu khoảng 5 - 6m, sát vào tường của nhà dân.
Vị trí sạt lở tại thôn Thạch An, xã Thạch Định đã vào gần nhà dân. Ảnh: Huy Hoàng |
Anh Đỗ Văn Sánh (SN 1976, trú thôn Thạch An, xã Thạch Định) cho biết: “Từ khi sinh ra đến nay tôi đã chứng kiến không ít lần nước sông dâng cao gây ngập lụt nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng sạt lở như thế này. Khoảng 10 ngày trước, tôi thấy đất ở phía sau nhà cứ từ từ nứt rồi sạt xuống sông. Trong nhà tôi có 5 người gồm mẹ già, vợ và 2 con, giờ cứ nơm nớp lo sợ khi mùa mưa lũ đang tới gần. Hàng năm, chính quyền địa phương đều tập huấn các phương án "4 tại chỗ". Nhưng mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được các cơ quan chức năng đầu tư nâng cấp tuyến đê cho yên tâm trong mỗi mùa mưa bão".
Đang loay hoay quét sân, biết chúng tôi đến ghi nhận tình trạng sạt lở đê sau nhà, bà Lê Thị Muộn (71 tuổi, mẹ anh Sánh) gác lại công việc, lại gần chia sẻ: “Nhà tôi trước sống dưới sông rồi lên bờ cũng được hơn 30 năm nay. Sống hơn nửa đời người, tôi từng chứng kiến nhiều trận lụt lịch sử ở Thạch Thành nhưng đây là lần đầu thấy hiện tượng sạt lở như thế này. Chỉ mong các cấp chính quyền sớm có phương án xử lý để đảm bảo cho người dân chúng tôi. Mùa mưa lũ tới rồi nếu cứ để tình trạng như thế này thì chúng tôi hoang mang lắm, chẳng có tâm trạng mà làm ăn, sinh sống”.
Điểm sạt lở đến sát mép tường nhà anh Đỗ Văn Sánh, khiến gia đình anh luôn trong tình trạng bất an. Ảnh: Huy Hoàng |
Cần sớm có phương án xử lý
Theo tìm hiểu, từ ngày 15/9, trên địa xã Thạch Định xuất hiện mưa nhiều khiến mực nước sông Bưởi dâng cao gây sạt lở 2 vị trí ở thôn Định Hưng và thôn Thạch An, ảnh hưởng trực tiếp tới 5 hộ dân đang sinh sống. Nguy cơ diễn biến các điểm sạt lở có thể kéo dài thêm hàng trăm mét và sẽ làm ảnh hưởng đến 19 hộ dân với gần 70 nhân khẩu.
Thông tin từ UBND huyện Thạch Thành cho biết, hiện địa phương đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các điểm có nguy cơ sạt lở và có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm xem xét, công bố tình huống khẩn cấp sạt lở và sớm cho đầu tư xây dựng công trình: xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ Sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực để đảm bảo an toàn cho Nhân dân trong mùa mưa bão năm 2023.
Điểm sạt lở đã vào sát khu vực nhà dân và có nguy cơ mất an toàn nếu xảy ra mưa lớn kéo dài. Ảnh: Huy Hoàng |
Trao đổi với Pháp luật & Xã hội, ông Trần Bá Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo huyện Thạch Thành đã xuống hiện trường. Trước mắt đã căng dây, cắm biển cảnh báo và tuyên truyền cho người dân biết. Đồng thời, có văn bản báo cáo UBND tỉnh và các sở ngành liên quan.
Bên cạnh đó, yêu cầu các xã bố trí lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai túc trực 24/24 giờ tại các vị trí xảy ra sạt lở đất và khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kịp thời di dời người dân, tài sản, vật nuôi đến vị trí an toàn khi có sự cố xảy ra. Thường xuyên theo dõi, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thành để có biện pháp chỉ đạo ứng phó kịp thời.
Trên một diễn biến khác, dựa trên cơ sở kiểm tra thực địa của các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, GTVT, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, ngày 22/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Bưởi đoạn qua xã Thành Trực.
Hiện tại đang trong mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở đất bên bờ sông Bưởi tại huyện Thạch Thành vẫn có nguy cơ tiếp diễn. Rất mong cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm có biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại