Thanh âm Tết Hà thành
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTranh: Tuyết Mai |
Thanh âm Tết Hà thành trong ký ức của tôi là tiếng “leng keng” của những chuyến tàu điện lướt qua trên phố. Dường như, ngày cuối năm nên tàu tăng chuyến nhiều hơn thường lệ. Chuyến nào cũng chật như nêm. Mọi người hối hả mang hàng hóa, nông sản đến các chợ. Một số người lên tận chợ Hàng Da, chợ Đồng Xuân mua sắm đồ chuẩn bị Tết. Đêm muộn, nằm trong chăn ấm, tôi vẫn nghe thấy tiếng bánh xe miết trên đường ray miệt mài.
Chạm Tết, máy nước công cộng bỗng trở nên rộn rã khác thường bởi các bà, các mẹ rủ nhau rửa lá dong, vo gạo, đãi đỗ. Tiếng trò chuyện hỏi thăm nhau về việc chuẩn bị Tết ra sao cứ râm ran, đến là vui. Hai anh em tôi thường được mẹ phân công việc rửa lá dong, đãi đỗ. Những tàu lá dong xanh mướt được tôi rửa thật sạch, rồi dựng vào chiếc thùng tôn cho ráo nước để anh trai mang về. Rá đỗ óng vàng được anh trai tôi khệ nệ bê về, để sẵn trong bếp để mẹ bắc chõ đồ lên. Gạo nếp mẹ vo sau cùng và xóc vào đó chút muối hạt.
Tối đến, bố tôi ngồi tỉ mẩn tước lá dong, chẻ lạt. Vừa làm, bố vừa dạy anh em tôi: “Tước lá dong tưởng đơn giản mà phải thật khéo. Tước già tay thì khi gói dễ bị rách lá, tước non tay thì khi “dựng góc” cho bánh sẽ không đẹp”. Khi đỗ xanh được mẹ đồ chín, nắm thành từng nắm nhỏ xinh, thịt lợn cũng đã ướp xong xuôi, bố tôi bắt đầu gói bánh. Anh em tôi lăng xăng giúp bố mẹ vài việc vặt. Chỉ một loáng, bố đã gói bánh xong và xếp vào nồi to đã đặt sẵn trên bếp. Đêm muộn, âm thanh “lịch sịch... lịch sịch” của nồi bánh chưng sôi trên bếp, tiếng củi cháy “lách tách” đi vào trong giấc ngủ của anh em tôi.
Đi chợ Tết cùng mẹ luôn mang đến cho tôi cảm giác vui sướng, háo hức. Khi nhà cửa đã dọn dẹp xong xuôi, tôi lẽo đẽo theo mẹ đi chợ. Nhà tôi ở phố Hàng Bột nên mẹ thường đưa tôi đi chợ Phan Phù Tiên. Ôi chao, những ngày cuối năm, hàng hóa xếp đầy ngồn ngộn từ trong chợ tràn ra cả vỉa hè các con phố lân cận như Cát Linh, Đoàn Thị Điểm, Bích Câu... Tiếng mặc cả, mua bán rộn rã.
Đặc biệt, tiếng rao của một bác ngồi ở góc chợ khiến tôi chú ý. Chỗ ngồi của bác khá khiêm nhường, hơi khuất nhưng nhiều người luôn tìm đến. Bác miệt mài làm việc, thi thoảng lại cất tiếng rao: “Mài dao kéo đơiiii....”. Tiếng rao của bác trầm, khàn, ngắt quãng đột ngột nhưng đặc biệt thu hút. Gần Tết, nhiều nhà cần mài dao kéo nên bác rất đông khách.
Chiều 30 tháng Chạp, các gia đình cùng quây quần làm cỗ tất niên dâng cúng gia tiên. Cách thức chế biến, bày biện món ăn được các bà, các mẹ truyền dạy cho con cháu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác ấm cúng khi cùng mẹ nấu cỗ Tết. Mẹ nhẹ nhàng hướng dẫn tỉ mỉ cách cắt tỉa các loại củ quả làm “chân tẩy”, cách thái bóng quả trám, cách tỉa hoa từ cà rốt, cà chua... Tất cả tạo thành mạch nguồn văn hóa ẩm thực truyền thống thấm vào cốt cách người con mảnh đất Hà thành.
Tết xưa của Hà Nội gắn với tiếng pháo. Trong túi hàng Tết bao giờ cũng có băng pháo hồng tươi. Mẹ tôi thường cất kỹ để dành đến Tết đốt. Ấy thế nhưng lũ trẻ con chúng tôi thường tích cóp tiền lẻ để mua pháo tép về đốt từ trước Tết. Các anh lớn hơn thì đốt pháo “tôm”, pháo “cối”. Những ngày cận Tết, thi thoảng trên phố vang lên tiếng pháo khiến lòng người thêm chộn rộn.
Đêm giao thừa, nhà nào cũng treo sẵn băng pháo ở trước cửa. Khi trên đài tiếng nói Việt Nam báo khoảnh khắc giao thừa đã điểm, nhà nhà đốt pháo. Tiếng pháo giòn giã râm ran cùng hương thuốc pháo thơm nồng lan trong gió xuân mãi in sâu trong ký ức những đứa trẻ thời đó như anh em chúng tôi.
Sớm mùng một, tôi được đánh thức bởi tiếng rao “Muối ơ...” loang dài trên phố. Mẹ tôi mở cửa, mua một túi muối, đổ vào chiếc hũ sành nơi góc bếp. Theo quan niệm dân gian, đầu năm mua muối sẽ mang đến may mắn, hạnh phúc cho gia đình.
Ngày mùng một cũng là ngày “Chính đán”, anh em chúng tôi xúng xính trong quần áo mới, ra phòng khách chúc Tết ông bà bố mẹ và thật vui sướng khi được nhận tiền mừng tuổi mới tinh. Suốt mấy ngày Tết, xung quanh hàng xóm, người cùng phố, bạn bè, người thân thường đến nhà nhau chúc Tết. Tiếng cười nói, chúc tụng rộn ràng thật vui.
Mỗi năm trôi qua, thanh âm Tết Hà thành trong tôi được lấp đầy thêm trên khuông nhạc thời gian. Dẫu có thêm bao thanh âm mới, tôi mãi nhớ tiếng pháo Tết rộn rã, lời chúc nguyện năm mới ăm ắp niềm vui, tiếng rao bán muối đầu năm, lời thì thầm của mưa xuân, tiếng chuông chùa lan xa trong thinh không... Tất cả hòa quyện, thấm đẫm cảm xúc thân thương khi nhớ về mảnh đất Hà thành dấu yêu.
Vẫn còn đó nếp xưa người Hà Nội | |
Ẩm thực Hà thành- hành trình cảm xúc! | |
Tìm vị Tết xưa của người Hà thành |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại