Thứ sáu 26/04/2024 06:44

Tăng cường quản lý dựa trên đặc trưng của thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Có một đặc điểm ở thị trường mua bán online ở Việt Nam, đó là số lượng người bán hàng không được thống kê chính thức trên các nền tảng mạng xã hội là rất lớn, điều này đòi hỏi phải có cách quản lý và chính sách phù hợp…

Mảnh đất màu mỡ

Thương mại điện tử (TMĐT) tạo ra hàng nghìn tỷ USD cho hoạt động kinh tế những năm gần đây và đang tiếp tục tăng tốc. Với dân số trẻ, lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, TMĐT tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ thời gian qua.

Hoạt động quảng cáo bán hàng trên mạng facebook, zalo có rất nhiều thuận lợi, phục vụ cho nhu cầu mua bán của rất nhiều người nhưng cũng có bất cập, kẽ hở, dễ gây nhiễu loạn thị trường hàng hóa, giá cả, dễ bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, bán hàng giả, hàng kém chất lượng và gây thất thu thuế của Nhà nước cũng như gây mất an ninh, an toàn thông tin mạng. Nhiều trường hợp, hình ảnh hàng hóa là thật nhưng khách lại nhận về hàng giả, hàng nhái.

Như vụ việc ngày 7-7-2020, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đã phát hiện, bắt giữ kho hàng hóa hơn 10.000m2 với trên 150.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại tỉnh Lào Cai và nhiều đối tượng đang livestream trên các tài khoản facebook, zalo để bán các mặt hàng này.

Tại Gia Lai, trong tháng 7-2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã tạm giữ trên 2.000 sản phẩm gồm sách giáo khoa, giày, túi xách, mắt kính, đồng hồ, nước hoa có dấu hiệu in giả, làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được các đối tượng ở TP Pleiku, huyện Chư Sê rao bán trên các trang mạng facebook, zalo.

Việc phát hiện và xử lý vi phạm trên TMĐT nêu trên không phải là ít, nhưng khó khăn hiện nay là vẫn còn nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua Cty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ thiết lập fanpage để chạy quảng cáo. Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì nên việc ngăn chặn và xử phạt gặp rất nhiều khó khăn.

Rất khó nhận biết được hàng hóa thật - giả trên mạng bởi thông tin lên mạng thì là hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.

Hơn nữa, vẫn có những trường hợp người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng, điều này đang vô tình tiếp tay cho hàng nhái, hàng giá có “đất” sống.

Có một đặc điểm khác biệt ở thị trường Việt Nam, đó là số lượng người bán hàng không được thống kê chính thức trên các nền tảng mạng xã hội là rất lớn. Các mặt hàng chủ yếu được bày bán trên các trang mạng xã hội là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thời trang và đồ gia dụng.

Người Việt Nam sử dụng internet trung bình 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày, chủ yếu thông qua smartphone. Mục đích sử dụng internet chính của người Việt là để vào các mạng xã hội. Điều này dẫn tới việc mạng xã hội đang trở thành một trong những kênh bán hàng hiệu quả nhất hiện nay.

tang cuong quan ly dua tren dac trung cua thi truong mua sam truc tuyen viet nam
60% tổng giao dịch trực tuyến thuộc về các tài khoản cá nhân, các trang fanpage và group trên mạng xã hội.

Tìm giải pháp quản lý?

Dựa trên những số liệu thống kê mới đây, các nền tảng (sàn) TMĐT hiện chỉ chiếm 40% tổng số giao dịch trực tuyến tại Việt Nam. 60% tổng giao dịch còn lại thuộc về các tài khoản cá nhân, các trang fanpage và group trên mạng xã hội.

Điều này dẫn tới một thực tế là việc thanh toán khi mua bán, trao đổi hàng hóa trên mạng xã hội tại Việt Nam hiện vẫn còn rất sơ khai, chủ yếu qua hình thức COD (nhận hàng - trả tiền). Ở Việt Nam, các hãng vận chuyển gần như miễn phí dịch vụ COD. Nhiều DN logistic coi hình thức thanh toán COD như một dịch vụ giá trị gia tăng khi vận chuyển, trong khi ở các thị trường khác, phí COD chiếm khoảng 3% giá trị đơn hàng.

Nguyên nhân của tình trạng này là bởi, người dùng Việt thường thay đổi quyết định mua hàng do việc chốt đơn theo cảm xúc. Ngoài ra, mua sắm trên các trang mạng xã hội sẽ thuận tiện hơn cũng như dễ dàng để tương tác, trò chuyện hơn.

Cụ thể, mua sắm trên các trang mạng xã hội sẽ trải qua 4 bước và tại mỗi bước thì việc mua sắm trên trang mạng xã hội lại có những lợi thế riêng so với các trang TMĐT.

Bên cạnh đó, các nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ hoàn đơn khi mua hàng online cao còn do người mua hết tiền lúc nhận hàng, shipper không gọi điện được cho người mua hoặc người mua “bom đơn” không nhận.

Có thể thấy, tính trách nhiệm trong việc đặt đơn hàng theo hình thức giao hàng - nhận tiền (COD) rất thấp. Thực tế này gây thiệt hại lớn cho các cá nhân, DN bởi những thiệt hại về chi phí marketing và cơ hội doanh thu. Việc phát triển công cụ thanh toán số trên môi trường mạng xã hội sẽ giúp các DN nhanh chốt đơn hàng, giảm tỷ lệ hoàn đơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của TMĐT.

Giải pháp được đưa ra là các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với hoạt động quảng cáo, bán hàng online. Tham mưu, kiến nghị ban hành các quy định để kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo phản cảm, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu, “đấu giá chui”, trốn thuế...

Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác, tự phòng ngừa. Nên chăng có một cơ quan chuyên trách quản lý vấn đề gian lận thương mại trên mạng xã hội.

Các chủ thể quảng cáo, bán hàng trên mạng zalo, facebook, mạng xã hội phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thiết lập, quản lý, tiến hành các hoạt động bán hàng trên mạng, nhất là phải đăng ký với cơ quan chức năng, quảng cáo và bán các loại hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng theo quy định, không quảng cáo phản cảm, không quảng cáo và bán hàng giả, hàng lậu, hàng bị cấm buôn bán, trốn thuế vì các vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về phía người dân cần có sự tỉnh táo khi tiếp cận các quảng cáo trên mạng xã hội để lựa chọn cho mình mặt hàng phù hợp, có chất lượng, giá cả hợp lý, có nguồn gốc rõ ràng, chủ động tố giác tội phạm, báo cho chính quyền, cơ quan chức năng khi nhận được quảng cáo phản cảm, quảng cáo hàng cấm, khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên mạng.

Hình thức thanh toán qua dịch vụ COD (nhận hàng trả tiền) có một điểm yếu là số lượng khách hàng bỏ đơn nhiều, thời gian quay vòng vốn chậm. Tỷ lệ hoàn đơn của loại hình này rơi vào khoảng từ 8-10%, cá biệt, một số sản phẩm, dịch vụ có tỷ lệ hoàn đơn lên tới 25-30%.
Anh Hùng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động