Thứ tư 26/06/2024 16:31

Tăng 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Cần có các bậc thuế khác nhau

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10%.
Tăng 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Cần có các bậc thuế khác nhau
Khách hàng đang mua nước ngọt tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Cụ thể, tại Dự thảo vừa công bố, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo TCVN 12828:2019, nước giải khát bao gồm đồ uống hương liệu (kể cả nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải và các đồ uống đặc biệt khác), nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, đồ uống thảo mộc, nước giải khát có chứa nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc và không áp dụng đối với các sản phẩm: sữa và sản phẩm từ sữa; thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau, quả nguyên chất và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung như trên là để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Việc này nhằm kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường cũng nhằm nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho rằng, giá nước ngọt có thể tăng 10% khi chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mức tương ứng. Hơn nữa, áp thuế sẽ làm giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các công ty sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu nhưng sẽ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng; Đồng thời người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân và béo phì đáng báo động ở trẻ em Việt Nam từ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% vào năm 2010 lên 19% vào năm 2020. Đây là mức cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%) và cao hơn tỷ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và thu nhập trung bình của khu vực…

Hiện nay, đã có khoảng 85 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường và đã mang lại hiệu quả cả về nhận thức và hành động từ phía người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất về việc giảm lượng đường trong nước giải khát cũng như giảm tiêu thụ nước giải khát có đường.

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) Chu Thị Vân Anh cho biết, trong bối cảnh hiện nay nếu Nhà nước không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt các doanh nghiệp đã rất chật vật trước những khó khăn. Khả năng phục hồi của DN còn rất chậm, đang còn phải trông chờ vào các hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước như đề xuất tiếp tục xem xét gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho đến hết năm 2024, cắt giảm các thủ tục hành chính, phí và lệ phí...

Do đó, việc đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% cần phải dựa trên các cơ sở khoa học, những đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các tác động không chỉ với đối tượng chịu tác động trực tiếp mà còn các đối tượng chịu tác động gián tiếp đến người tiêu dùng, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cũng phân tích nội dung này trên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty cà phê trái cây Meet More Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, cơ quan quản lý cần xem xét không đánh đồng đánh thuế đường thêm vào hay chất tạo ngọt cho sản phẩm và đường tự nhiên có trong sản phẩm.

“Với mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là quá cao, thuế chồng thuế gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh thị trường ảm đạm” - ông Nguyễn Ngọc Luận cho hay.

Trưởng ban Chính sách Hội tư vấn và Đại lý thuế TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Được đưa ra quan điểm: “Tôi cho rằng, cần xem xét khía cạnh mức thuế 10% và có sự lý giải. Bên cạnh đó, cần có các bậc thuế khác nhau tương tự rượu bia tùy nồng độ cồn có mức thuế khác nhau. Theo đó, nước giải khát có độ đường khác nhau, mức thuế tương ứng và phù hợp với bối cảnh chung”.

Indonesia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho thuốc lá điện tử
Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước
Đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động