Chủ nhật 30/06/2024 17:42
Vụ lừa bán hàng hiệu ở Bắc Giang:

Tạm hoãn phiên toà để trích xuất tin nhắn trong điện thoại của bị cáo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định tạm hoãn phiên tòa để trích xuất toàn bộ tin nhắn trong điện thoại của bị cáo Trịnh Thu Trang để đảm bảo khách quan của vụ án.
Tạm hoãn phiên toà để trích xuất tin nhắn trong điện thoại của bị cáo
Phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Thu Trang về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh: Công Phương

Bị cáo không có mục đích chiếm đoạt tiền?

Ngày 29/5, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Giang tiếp tục diễn ra phiên toà xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Trịnh Thu Trang (SN 1991, trú tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Nguyễn Thủy Anh (SN 1987, trú tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) và Lương Thị Thu Thảo (SN 1995, trú tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cùng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Sau 2 ngày xét xử, vào phần tranh luận, đại diện VKSND cho rằng, có đủ căn cứ để xác định bị cáo Trịnh Thu Trang phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Nguyễn Thủy Anh và Lương Thị Thu Thảo cùng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Đại diện VKSND đề nghị toà tuyên bị cáo Trang án tù chung thân, Nguyễn Thuỷ Anh từ 15 – 18 tháng tù, Lương Thị Thu Thảo 12 – 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đối đáp lại với đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang, tất các luật sư bào chữa cho bị cáo Trang đều cho rằng, không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo Trang phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Việc truy tố bị cáo Trang là hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại. Bên cạnh đó, nhiều nội dung quan trọng không được cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện và không được làm rõ.

Theo luật sư Trần Văn An (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang), việc kinh doanh mua bán của Trang với các bị hại từ lâu và diễn ra liên tục từ năm 2020 đến nay. Theo tính toán có khoảng 1000 giao dịch, với số tiền lớn, với phương thức và cách thức giống nhau, ổn định, thống nhất.

Hồ sơ vụ án và các bị hại không chỉ ra và không xác định được Trang bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo từ thời điểm nào mà đều tái khẳng định sự thống nhất trong các vận hành, mua bán giữa Trang và những người này. Tuy nhiên, VKSND đã bóc tách ra, đối chiếu công nợ và cho rằng số tiền còn nợ là lừa đảo, còn số giao dịch thành công thì cho là hợp pháp.

Luật sư nêu, Trang cũng bỏ số tiền vốn rất lớn để kinh doanh, việc thua lỗ trong kinh doanh là hết sức bình thường, không có quy định nào của pháp luật đánh đồng số tiền làm ăn thua lỗ là tiền lừa đảo.

Việc Trang đưa ra thông tin về nguồn hàng túi xách hàng hiệu nhập từ nước ngoài ổn định với giá thấp hơn so với thị thường. Nhưng chính cáo trạng cũng thừa nhận Trang mua và nhập hàng của nhiều người từ nước ngoài cũng như trong nước và tất cả qua quá trình làm ăn với Trang lâu dài đều biết rõ Trang mua đi bán lại các hàng hóa này. Không có việc Trang gian dối nói sai sự thật về nguồn hàng, về vai trò, vị trí. Trang không và chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào không đúng sự thật cho đối tác.

Người bị hại Tố Nh là người theo cáo trạng nêu bị Trang lừa đảo số tiền nhiều nhất đến trên 36 tỷ đồng thì hồ sơ đã thể hiện mỗi khi thực hiện các giao dịch với bên thứ ba Trang đã chụp và gửi các giao dịch này cho Tố Nh biết. Điều đó thể hiện rõ Trang không che dấu hoạt động của mình,

Trích xuất toàn bộ tin nhắn trong điện thoại của bị cáo

“Toàn bộ nguồn tiền đều được Trang chi trả cho chính những khách hàng này và thực hiện trong chính thời gian Trang bị quy kết lừa đảo. Như vậy, chính Trang đã dùng tiền của khách hàng trả cho chính khách hàng” - luật sư Trần Văn An nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, luật sư Trần Văn An chỉ ra những vấn đề mà cơ quan điều tra chưa làm rõ và cần phải làm rõ: chưa xác định được việc Trang lừa đảo tiền, hay tài sản. Nếu xác định Trang lừa đảo hàng hóa (túi xách, đồng hồ…) cần phải tiến hành các hoạt động tố tụng đối với Tang vật của vụ án hình sự là tài sản như phải thực hiện hoạt động nghiệp vụ để thu giữ, định giá tang vật từ đó xác định thiệt hại của hành vi lừa đảo.

“Cần cho bị cáo và các bị hại cùng nhưng người liên quan đối chất, đối soát để làm rõ đâu là quan hệ dân sự, đâu là quan hệ hình sự, làm rõ quá trình chuyển hóa hành vi giao dịch dân sự, kinh doanh thành hành vi gian dối, lừa đảo” - luật sư Trần Văn An nhấn mạnh.

Tự bào chữa cho mình, Phạm Thu Trang cho biết, có đủ căn cứ để chứng mình việc bị cáo chuyển khoản và làm theo yêu cầu của chị Tố Nh, bị cáo Trang cho biết, bản thân chị Nh là người điều hành nhóm bán hàng trên, vai trò của Nh là lớn nhất và chi phối với hành động của người khác.

“Tất cả các giao dịch của bị cáo đều có tin nhắn thể hiện rất rõ, chỉ cần sao kê những tin nhắn trong zalo thì thể hiện rất rõ những nội dung bị cáo có lừa đảo hay không, sự thật mãi là sự thật, cho dù 10, 20 năm hay lâu hơn nữa thì mãi nó vẫn là sự thật, bị cáo tin rằng ở đất nước mình vẫn còn có pháp luật” - bị cáo Trang nói tại toà.

Cuối chiều 29/5, sau rất nhiều ý kiến tranh luận của các luật sư về việc đề nghị trích xuất tin nhắn trong điện thoại của bị cáo Trịnh Thu Trang với các bị hại, để làm rõ có hay không việc Trang phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang đề nghị HĐXX tạm dừng phiên toà để trích xuất toàn bộ tin nhắn trong điện thoại của bị cáo Trịnh Thu Trang để đảm bảo khách quan của vụ án.

Do đó, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên toà và sẽ mở lại vào sáng 19/6/2024.

Vụ lừa bán hàng hiệu ở Bắc Giang: bị cáo có đơn tố cáo tại tòa Vụ lừa bán hàng hiệu ở Bắc Giang: bị cáo có đơn tố cáo tại tòa

Tại phiên tòa ngày 28/5, bị cáo Trịnh Thu Trang đã có đơn gửi HĐXX, tố cáo kiểm sát viên, điều tra viên...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động