Thứ sáu 17/01/2025 13:40

Tắc đường ngày cận Tết - câu chuyện "đến hẹn lại lên"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm nào cũng vậy - cứ đến hẹn lại lên, gần Tết là đường tắc chứ không phải đến tận năm nay, khi Nghị định 168 thực sự đi vào cuộc sống mới… tắc.
Tắc đường ngày cận Tết - câu chuyện
Hình ảnh chiều 27 tháng Chạp năm ngoái (năm 2024) trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Khánh Huy

Tắc đường ngày cận Tết – “đến hẹn lại lên”

Những ngày gần đây, những hình ảnh và câu chuyện được chia sẻ và kêu ca nhiều nhất đó là sự đông đúc trên mọi con phố. Chuyện tắc đường, ùn nghẽn từ sáng đến chiều, bất kể là giờ thấp điểm hay cao điểm khiến người tham gia giao thông mệt mỏi.

Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không có vấn đề nếu chuyện tắc đường không trùng với thời điểm Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành. Rất nhiều luồng mặc dù không nói thẳng, nhưng ám chỉ sự tắc đường do mức phạt quá nặng của Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

“Tôi thấy mọi người thực sự quên, hay cố tình quên câu chuyện cứ đến Tết là đường tắc – tình trạng này diễn ra “thường niên” chứ không phải chỉ khi Nghị định 168 có hiệu lực mới như thế. Tôi nhớ thời điểm này năm ngoái, khi di chuyển từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến Ngã Tư Sở, tôi đã vật vã đến gần 1 tiếng đồng hồ. Đường Hà Nội sẽ đông cho đến khoảng 23 tháng Chạp, Tết ông Công ông Táo sẽ đỡ đi, khi sinh viên các trường Đại học bắt đầu nghỉ Tết. Và gần như thoáng đãng sau ngày 26 Âm lịch, ngày cuối cùng đi làm theo quy định của Nhà nước” – anh Hoàng Văn Đức (Hà Đông, Hà Nội) nêu quan điểm.

Còn theo anh Phạm Hải Lê (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, dịp gần Tết là khoảng thời gian mà lượng xe chở hàng và đội ngũ shipper vừa tăng số lượng vừa tăng cường độ công việc, nhân viên các công ty hoặc chạy deadline, chạy doanh số, hoặc đua nhau đi biếu quà Tết cho đối tác, khách hàng. Người ở các tỉnh lên thành phố chạy việc, mua hàng, ngoại giao… cũng đông nườm nượp. Trong khi đó, diện tích đường sá vẫn chỉ có vậy, làm sao không nghẽn, không ùn ứ cho được?

“Đổ lỗi cho Nghị định 168 thì không đúng. Không lẽ cứ phải leo lên vỉa hè đi, cứ phải vượt đèn đỏ hoặc tham gia giao thông như đàn ong vỡ tổ mới không… tắc đường. Nghĩ thế nào thì thấy nó cũng không đúng!” – anh Hải Lê nói.

Tắc đường ngày cận Tết - câu chuyện
Hình ảnh tắc nghẽn ở Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển khi Nghị định 168 chưa đi vào cuộc sống. Ảnh: Khánh Huy

Tắc đường không chỉ ở Việt Nam

Thực tế, việc tắc đường không chỉ ở Việt Nam. Tắc đường cũng là điều quen thuộc đối với người dân thành phố một số nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia...

Bangkok là thành phố tắc đường kinh khủng nhất thế giới trong giờ cao điểm, theo điều tra của TomTom - một công ty hàng đầu về các sản phẩm giao thông, định vị, bản đồ. Theo đó, trong danh sách 15 thành phố kẹt xe tồi tệ nhất trong giờ cao điểm năm 2016 thì đứng đầu là thủ đô của Thái Lan.

Còn đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng trên là Jakarta. Những ai từng đặt chân đến thủ đô của Indonesia đều có thể khẳng định đây là nơi luôn gây ác mộng nhất về nạn tắc đường. Chỉ cần đi gần chục km, một người lái ô tô phải căn thời gian lên đến hàng giờ. Cách đây ba năm, tình trạng tắc nghẽn giao thông khiến Jakarta phải chịu thiệt hại tới 4,6 tỷ USD. Tổng thống Joko Widodo khi đó phải thốt lên: “Jakarta không thể chìm đắm trong tắc nghẽn như thế này nữa”.

Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh cũng “không ngoài cuộc” ở “vấn nạn” nghẽn đường này. Nhiều năm qua, người dân dường như đã quá quen thuộc với tình trạng ùn tắc giao thông khi cứ vào giờ cao điểm, các trục đường huyết mạch thường xuyên chật cứng, người tham gia giao thông tại các khu vực nội thành không khác gì đi trong “ma trận” khi muốn thoát khỏi các điểm ùn tắc. Thậm chí, tại một số điểm như đường Vành đai 3 trên cao ở Hà Nội, ùn tắc giao thông có thể diễn ra bất cứ lúc nào, không kể giờ cao điểm, ngày thường hay cuối tuần.

Trên thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng theo từng năm, nhất là tại các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm và cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn.

Nguyên nhân chung do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như rào chắn thi công dự án gây hẹp lòng đường, hạ tầng chưa đồng bộ và do quá tải kết cấu hạ tầng. Từ đó hình thành nên những “điểm đen” có nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, năm 2024, trên địa bàn TP có 33 điểm có nguy cơ về ùn tắc giao thông. Trong đó, 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh mới trong năm 2024. TP Hồ Chí Minh cũng còn 24 điểm ùn tắc, trong đó nhiều nơi đã không chuyển biến suốt nhiều năm.

Trước tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, hàng năm, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội và Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã tổ chức rà soát các điểm giao thông có nguy cơ ùn tắc và các “điểm đen” có nguy cơ gây tai nạn, để có giải pháp tổ chức giao thông cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Thế nhưng, có một thực tế là năm này xử lý được từng này “điểm đen” nhưng sang năm lại phát sinh những điểm ùn tắc mới.

Năm 2019, TP Hà Nội xử lý được 9 điểm ùn tắc nhưng phát sinh 10 điểm; năm 2020 xử lý 8 điểm, phát sinh 11 điểm; năm 2021 xử lý 10 điểm, phát sinh 8 điểm; năm 2022 xử lý được 8 điểm, phát sinh 10 điểm; năm 2023, xử lý được 15/37 điểm thì lại phát sinh 11 điểm ùn tắc mới.

Ngoài việc xử lý các “điểm đen” ùn tắc giao thông, các giải pháp như xén dải phân cách, mở rộng vỉa hè và mở rộng đường cũng đã được hai thành phố lớn áp dụng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nỗ lực triển khai những giải pháp này dường như chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

“Để có được giải pháp căn cơ, có lẽ cần phải có một cái nhìn tổng thể hơn về hệ thống giao thông đô thị, bao gồm việc quy hoạch đô thị hợp lý, kéo giảm mật độ dân cư khu vực trung tâm, phát triển giao thông công cộng một cách đồng bộ và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành luật giao thông là những vấn đề cấp thiết phải được đặt ra. Đồng thời, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng thành phố” - một chuyên gia nhận định.

Mức xử phạt nghiêm khắc hơn, góp phần khiến người tham gia giao thông tuân thủ luật hơn, rõ ràng đây là điều tốt và chẳng liên quan gì đến tắc đường thời gian gần đây cả. “Nửa tháng qua khi thực hiện Nghị định 168, tình hình trật tự, an toàn giao thông chuyển biến rõ rệt khi giảm cả về số vụ, số người chết, số người bị thương so với trước đây. Vậy nên, nói chuyện tắc đường là do Nghị định 168 là nhảm nhí” - vị chuyên gia này khẳng định.

Tăng mức phạt nhiều lỗi vi phạm giao thông từ ngày 1/1/2025 Tăng mức phạt nhiều lỗi vi phạm giao thông từ ngày 1/1/2025
Tài xế ô tô không bật đèn sau 18h bị phạt đến 1 triệu đồng Tài xế ô tô không bật đèn sau 18h bị phạt đến 1 triệu đồng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động