Thứ năm 19/12/2024 22:08

Sự sẻ chia về vùng lũ: Một dân tộc luôn đùm bọc, yêu thương trong hoạn nạn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những ngày qua là những ngày đau buồn đối với chúng ta, thiên tai ập đến mang theo bao đau thương tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Và chúng ta lại thấy một tinh thần dân tộc mạnh mẽ, kiên cường, luôn đùm bọc và yêu thương.

Bất chợt bão lũ mang đến bao đau thương!

Mới đầu mùa mưa lũ, nhưng những gì diễn ra tại miền Trung, đặc biệt ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã cho thấy sự khốc liệt của thiên tai trong năm nay.

Với những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương, nhiều tỉnh, khẳng định đợt mưa lũ năm nay còn vượt qua những đỉnh lũ từng khiến chúng ta phải khiếp sợ. Đau thương chồng đau thương khi lũ chồng lũ, bão chồng bão.

Liên tiếp chúng ta phải đón nhận bao tin dữ do bão lũ gây nên. Đó là sự hi sinh anh dũng của 13 liệt sỹ tại Rào Trăng 3, Thừa Thiên Huế bị vùi lấp khi trên đường đi cứu hộ cứu nạn công nhân; đó là nỗi đau thấu trời xanh, nát ruột gan về tin 22 chiến sỹ bị vùi lấp trong đêm tại xã Hướng Phùng, Quảng Trị sau một ngày mệt mỏi chống lũ cùng nhân dân. Đó là sự hi sinh của những đồng chí Công an như liệt sỹ thượng úy Trương Văn Thắng (SN 1989) khi đi cứu hộ cứu nạn tại xã Hướng Việt, Quảng Trị.

ngun ngut su se chia ve vung lu mot dan toc luon dum boc yeu thuong trong hoan nan
Đau thương bao phủ miền Trung ruột thịt

Trong những liệt sỹ anh dũng hi sinh ấy, có những người mang quân hàm tướng, tá - sự mất mát lớn không chỉ riêng gia đình các anh, mà còn là sự mất mát lớn của lực lượng quân đội, lực lượng công an... là sự mất mát lớn của Đảng và Nhà nước khi những người con kiên trung, trí tuệ gặp nạn, hi sinh.

Chưa dừng lại tại đó, tin dữ về 17 công nhân tại Rào Trăng 3 hiện vẫn còn mất tích, trước đó cơ quan chức năng, lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy hai thi thể.

Đó là tin dữ về một gia đình 6 người bị lở núi chôn vùi trong tích tắc. Đó là hàng trăm nghìn người phải chấp nhận vào tâm lũ, cứu hộ cứu nạn khẩn cấp trong tình thế hết sức nguy hiểm, rủi ro nhưng vẫn kiên cường, xông pha không hề áy náy, lo lắng cho tính mạng.

Mở báo chí, mạng xã hội ra, tiếp nhận những thông tin dữ ấy, nhiều người tay run chẳng còn dám bấm để đọc tiếp. Ai cũng thấy đau lòng, "buốt" thịt trước những hi sinh, mất mát đến khủng khiếp ấy chỉ vỏn vẹn mấy ngày đầu mưa lũ.

Mạng xã hội đâu đâu cũng những dòng trạng thái, nước mắt chực trào trước những mất mát, hi sinh. Trước sự đói, rét, kêu cứu trong đêm của nhân dân nơi "rốn" lũ. Thương nhân dân chực chờ cứu viện, thoát cảnh hiểm nguy và trắng tay vì bão lũ, chỉ hi vọng còn giữ được tính mạng.

ngun ngut su se chia ve vung lu mot dan toc luon dum boc yeu thuong trong hoan nan
Các anh hi sinh vì bình yên của nhân dân...

Những đau thương ấy, chẳng ai muốn xảy ra, nhưng nó đã diễn ra một cách thảm khốc, tàn nhẫn nhất.

Trong chốc lát, cơ quan mất đi người thủ trưởng gương mẫu, chiến sĩ mất đi người đồng đội gan dạ, kiên trung, nhân từ. Vợ mất chồng sau những ngày tháng dài đằng đẵng chưa gặp nhau vì nhiệm vụ, con mất cha, cha mẹ mất đi người con mẫu mực, hi sinh và trung thành với tổ quốc, chưa từng kêu mệt, hay bỏ cuộc trước gian truân, mọi nhiệm vụ dù khó khăn, dù nguy hiểm và đầy bất trắc.

“Các anh đã ngã xuống cho bình yên nhân dân, hãy an nghỉ nơi vòng tay đất mẹ, các anh quá mệt rồi...”; “những người lính bộ đội Cụ Hồ kiên trung gan dạ, quật cường...đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc, đất nước...”;... những đòng trạng thái trên mạng xã hội nối tiếp nhau dài đằng đẵng, thể hiện sự tiếc thương, tri ân sự hi sinh, quả cảm, đau xót trước mất mát vì bão lũ đối với chiến sỹ, nhân dân ta. Cứ thế đọc và cứ thế chực trào nước mắt, trái tim như muốn chết lặng, cảm xúc như đờ đẫn vì quá đau thương...!

Những đoàn xe cứu trợ!

Trong hoạn nạn, trong những mất mát, đau thương ấy, một tinh thần đoàn kết, sẻ chia, yêu thương, đùm bọc nhau của dân tộc Việt Nam ta lại hiện hữu, bùng cháy mạnh mẽ, xé tan sự âm u, lạnh lẽo do thiên tai hoành hoành, đưa đến.

Những ngày này, trên đường Quốc lộ, trong các ngõ ngách "rốn" lũ, chúng ta thấy xe cộ nườm nượp chạy, chất đầy các nhu yếu phẩm như gạo, bánh chưng, lương khô, nước... và rồi từ những chiếc xe tải, những gói hàng cứu trợ được công an, bộ đội địa phương dùng thuyền, xuồng, cano cẩn thận mang vào, trao tận tay cho người dân.

Từ những điểm nóng nhất, mọi chi viện đều thực hiện một cách rốt ráo, với mong mỏi, không để ai đói, không để ai rét trong mưa lũ. Trước thảm kịch thiên tai . Đó là sự quan tâm bức thiết, kịp thời từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước diễn biến và hậu quả thiên tai gây nên.

ngun ngut su se chia ve vung lu mot dan toc luon dum boc yeu thuong trong hoan nan
Những đoàn xe cứu trợ ùn ùn vào tâm lũ.

Tại kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình và xử lý hỗ trợ, khắc phục mưa lũ miền Trung diễn ra chiều 19-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam mỗi tỉnh 100 tỉ đồng để hỗ trợ người dân trong mưa lũ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã đồng ý cấp thêm cho mỗi địa phương miền Trung 1.000 tấn gạo và yêu cầu Bộ Tài chính trong hôm nay “phải đưa gạo ra khỏi kho”, các địa phương phải cấp đến đúng đối tượng.

Đối với đề nghị hỗ trợ lương khô của các tỉnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo, kịp thời hỗ trợ, trong trường hợp cần thiết thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp lại cho Bộ Quốc phòng sau.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế phải cử bộ phận cán bộ xuống cùng người dân vùng lũ để hướng dẫn công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh sau lũ.

Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đặt các phương tiện nhỏ để cứu dân một số vùng bị mắc kẹ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu dân với tinh thần “không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất”.

ngun ngut su se chia ve vung lu mot dan toc luon dum boc yeu thuong trong hoan nan
Những chiếc bánh chưng thắm đượm tình người...

Nhân dân khắp mọi miền tổ quốc, tổ chức các chương trình đóng góp từ thiện hướng về đồng bào vùng lũ. Đó là những nồi bánh chưng gửi về vũng lũ, những chiếc chăn, màn, nước sạch, lương khô, quần áo....nối tiếp nhau từ đoàn này tới đoàn khác cứ thế vào các điểm nóng, vào tận tâm lũ, đi phát từng nhà.

Vào tận nơi ngập sâu, các khu di dời dân tập trung, các điểm tránh lũ an toàn để phát hàng cứu trợ cho người dân gặp lũ.

Mạng xã hội trở thành cầu nối hữu hiệu kết nối chặt chẽ giữa nhân dân vùng lũ, các cơ quan chức năng, các đơn vị công an, bộ đội, lực lượng cứu hộ cứu nạn với các nhà hảo tâm, mạnh thường quân.

Để rồi hàng nhu yếu phẩm cứ thế xuyên mưa, xuyên những đêm bão, vượt lũ vào tận tay người dân đang đói rét, cơ hàn vì lũ lụt. Từ các cầu nối của lực lượng chức năng, những chuyến hàng cứu trợ cứ thế kịp thời đến tay người vùng lũ, để rồi họ không phải đói, khát, lạnh và cô đơn trong mưa lũ, thiên tai.

“Nụ cười người dân vùng rốn lũ” chẳng phải vì do quen với bão lũ, cũng chẳng phải lạc quan trước việc trắng tay, đói khát vì bão lũ. Mà là nụ cười ấm áp, ấm lòng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, và sự gắn kết yêu thuơng, san sẻ, đùm bọc “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của những người dân không chịu ảnh hưởng từ lũ lụt dành cho bà con vùng lũ đang "ngàn cân treo sợi tóc" trước bão lũ kinh hoàng.

Mất mát, khổ cực vẫn nở được nụ cười mĩ mãn vì họ cảm thấy họ không cô đơn, và họ sẽ không đói khát, không bị bỏ rơi phía sau, bỏ rơi trong hoạn nạn. Những nụ cười đáp lại là sự biết ơn, cảm kích về sự giúp đỡ, đùm bọc, sẻ chia hoạn nạn bằng trái tim chân thành.

Đó là động lực lớn nhất để mỗi gia đình, người dân trong vùng "rốn" lũ, đang trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề của mưa bão nhưng vẫn chiến đấu không mệt mỏi trước lũ dữ, an tâm vượt qua hoạn nạn.

Bỗng dưng lan tỏa hình ảnh những nồi bánh chưng xanh đỏ lửa, cùng với đó là những tâm tư như “nếu sợ mỳ tôm thì đã có bánh chưng, bằng mọi giá sẽ không để ai phải đói, phải khổ sở”.

Từ một nồi bánh chưng cá nhân, đến cả làng nấu bánh chưng, rồi cả xã nấu bánh chưng. Tất cả những chiếc bánh chưng đủ vị, đủ chất ấy lần lượt được chuyển vào tâm lũ, đến tay nhân dân vùng lũ. Người dân Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành... ở Nghệ An cứ thế hò nhau nấu bánh chưng.

Bánh chưng chẳng phải đón tết, bánh chưng chi viện cho bà con. Những nồi bánh thấm đượm tình người, thấm đượm trách nhiệm, đùm bọc.

Những dấu chân thầm lặng trong "rốn" lũ...!

Để kết nối, chuyển hàng hóa vào tận tay người dân trong vùng lũ, các đoàn xe cứu trợ phải cậy nhờ lực lượng chuyên trách phòng chống bão lũ, cứu hộ cứu nạn tại địa bàn.

Đó là lực lượng với đầy đủ công an, bộ đội, lãnh đạo xã, các cơ quan đoàn thể xã... một lực lượng khá hùng hậu thực thi nhiệm vụ giúp dân trong bão lũ. Họ trở thành điểm tựa cho người dân vùng lũ trong việc di dời đến nơi an toàn, bảo đảm tính mạng, tài sản cho nhân dân, kịp thời hỗ trợ thức ăn nước uống cho người dân.

ngun ngut su se chia ve vung lu mot dan toc luon dum boc yeu thuong trong hoan nan
Nhân dân cả nước hướng về bà con vùng lũ.

Những “chiến sĩ” ấy trở thành điểm cầu kết nối chắc chắn, nhanh nhất mà các đoàn cứu trợ có thể gửi gắm như yếu phẩm, lương thực, nước uống... cho bà con trong vùng lũ.

Thậm chí nhiều đoàn còn được các anh tạo điều kiện, sử dụng ác phương tiện chuyên dụng, bảo đảm an toàn, chở vào tận nơi "rốn" lũ để phát hàng cứu trợ cho bà con, đồng thời động viên bà con vượt khó khăn, hoạn nạn.

Hơn ai hết, các anh hiểu tâm tư, nguyện vọng của các đoàn cứu trợ, và bằng mọi cách các anh đều khắc phục khó khăn, hoàn cảnh để kết nối tốt nhất giữa bà con trong lũ với những người đến trao quà.

Đó là câu chuyện cảm động về gương hi sinh cao cả, anh dũng của Chủ tịch huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) Nguyễn Văn Bình.

Anh Bình đã hy sinh cùng các đơn vị chức năng trong khi tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 để lại mẹ già đau ốm cùng vợ và 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn. Anh là một chủ tịch huyện gương mẫu, mẫu mực về người cán bộ nhân dân hiện nay tại địa phương.

Sự hi sinh của anh khiến nhân dân rơi lệ, cảm kích và nêu gương về một hình tượng sống làm việc vì nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Anh ra đi thực hiện nhiệm vụ và hi sinh khi nhà cũng đang bị ngập sâu trong nước lũ. Ngôi nhà cấp 4 xây từ những năm 1990, cái tivi đời cũ nơi góc nhà... tất cả đều khiến nhân dân ngậm ngùi, tiếc thương vô hạn.

ngun ngut su se chia ve vung lu mot dan toc luon dum boc yeu thuong trong hoan nan
Những dấu chân thầm lặng...

Là câu chuyện Phó Công an huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh tên là Trần Phong. Những ngày qua, Công an Hà Tĩnh điều động tất cả lực lượng, phương tiện vào vùng lũ để cứu hộ cứu nạn, chăm lo, giúp đỡ nhân dân trong lũ, bảo đảm tài sản, tính mạng cho mỗi người dân.

Anh Phong cũng như bao người đồng đội khác, nhưng hoàn cảnh anh kể ra mới thấy khâm phục hơn. Mấy ngày qua mệt nhoài trụ trong rốn lũ huyện Cẩm Xuyên, anh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ, giúp nhân dân. Trong khi đó, nhà anh cũng đang ngập trong nước lũ.

Tất tả, chạy đôn chạy đáo, dường như anh chẳng còn nhớ tới nhiệm vụ cho gia đình, có lẽ anh biết vợ con anh hiểu và chia sẻ với nhiệm vụ anh, có lẽ họ đều hiểu rằng anh đang phục vì nhân dân, đó là mệnh lệnh, là trách nhiệm.

Quần áo ướt sũng, quân phục vẫn chỉnh tề, bóng dáng những người chiên sỹ Công an Nhân dân như anh Phong trong vùng lũ thật đẹp đẽ, cảm phục biết bao. Quan tâm thăm hỏi, động viên bà con an tâm mà chống chọi, có anh em chiến sỹ sát cánh, gánh vác cùng trong khi nhà mình thì... chẳng còn gì.

Bất chấp nguy hiểm, những phóng viên vẫn lao vào tâm lũ cùng lực lượng chức năng. Với mong mỏi có được những thước phim, tấm ảnh chân thực nhất, những thông tin chân thực nhất.... nơi vùng lũ lụt đang tàn phá. Sẵn sàng dấn thân vào hiểm nguy để đưa tin một cách trung thực nhất, kịp thời nhất và chính xác nhất cho nhân dân cả nước nắm bắt, thấy rõ.

Những phóng viên ngoài chiếc áo phao, máy quay, máy ảnh là sự co ro, rét run người vì ướt sũng do mưa. Lội nước cả ngày trời và thậm chí bám trụ lại trong đêm để có được những bài viết, những thông tin thời sự với chút mỳ tôm sống và lương khô, nước mang theo. Tất cả sức lực dồn vào công việc đưa tin, còn lại chẳng quan tâm nề hà sự nguy hiểm, đói rét...

Thế đấy, đó chỉ là những tấm gương trong hàng ngàn tấm gương khác đã và đang ở nơi vùng lũ. Họ vẫn sẵn sàng lao vào vùng nguy hiểm dẫu biết rủi ro và có thể chẳng thể trở về.

Công việc, nhiệm vụ, hơn tất thảy đó là việc họ thấu hiểu nhân dân hoạn nạn đang cần họ, cần sự giúp đỡ của họ để vượt qua nguy nạn, để có thể bảo đảm tính mạng, tài sản.

Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động