Sắc màu nghệ thuật giữa lòng phố
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênShow miễn phí “Góc ban công” thu hút hàng nghìn khán giả Thủ đô dịp cuối tuần. Ảnh tư liệu |
Có mặt tại tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và các vùng phụ cận quanh khu vực quận Hoàn Kiếm vào mỗi dịp cuối tuần, du khách được sống đúng nghĩa không gian văn hóa cộng đồng. Nếu khán giả yêu thích nghệ thuật truyền thống có thể ghé thăm các địa chỉ văn hóa đã được lên “kịch bản” trước. Đó là các tiết mục xiếc đặc sắc, nghệ thuật múa rối cạn từ các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long tại khu vực đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng. Khán giả thưởng thức hát xẩm, ca trù tại khu vực tượng đài Vua Lê trên đường Lê Thái Tổ hay đền Bạch Mã nghe hát văn, đền Hương Tượng địa chỉ 64 Mã Mây thưởng thức nghệ thuật tuồng. Trước cửa rạp Chuông vàng 72 Hàng Bạc, biểu diễn cải lương, ca kịch dân tộc. Đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc biểu diễn âm nhạc truyền thống.
Tổ chức định kỳ vào các ngày cuối tuần, Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn tại 2 địa chỉ cửa rạp Công nhân trên phố Tràng Tiền và sân khấu Quảng Lạc với nhiều trích đoạn sân khấu vui tươi, dí dỏm tạo tiếng cười sảng khoái.
Thời gian này, show ca nhạc miễn phí “Góc ban công” của ca sĩ Tuấn Hưng (tại địa chỉ số nhà 19, phố Hàng Khay, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu hút số đông khán giả. Dự định, mỗi tháng ca sĩ Tuấn Hưng sẽ tổ chức một show diễn vào cuối tuần để tri ân khán giả.
Khác với sân khấu trang hoàng với thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, dàn máy lạnh, ghế ngồi sang trọng thì trong không gian nghệ thuật cộng đồng, trong cái đơn sơ của sân khấu, các nghệ sĩ đối diện với khán giả, khán giả được trực tiếp giao lưu ở khoảng cách gần gũi, thân thuộc.
Ở đó, khán giả người đứng, người ngồi, chẳng cần “mũ cao, áo dài”, đôi khi là trang phục ở nhà, thêm cái quạt nan phe phẩy tìm được chỗ nào ưng ý thì chọn và xem kịch nói, nghe chèo, nghe xẩm, nghe tuồng với cái “mộc” nhất của bộ môn truyền thống. Hoặc đơn giản là giơ những cánh tay, ánh đèn flash điện thoại để cổ vũ, thăng hoa với các tiết mục biểu diễn của các ca sĩ trẻ trong show “Góc ban công”.
Điểm nổi bật của nghệ thuật đường phố không chỉ tạo không gian thưởng thức văn hóa còn là dịp để khán giả trải nghiệm với đầy đủ các loại hình nghệ thuật, tương tác với nghệ sĩ. Để tổ chức các đêm biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong lòng phố đi bộ, đều là sự nỗ lực cống hiến không mệt mỏi của những người nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp.
Khởi sắc từ các hoạt động văn hóa truyền thống trên phố đi bộ đã góp phần thúc đẩy du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô nói chung. Qua đó, tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại