Ra mắt cuốn sách song ngữ về trang phục cổ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCuốn sách “Dệt nên triệu đại” về trang phục triều đình Lê Sơ thế kỷ 15 vừa được hoàn thành vào tháng 5-2020, sau 2 năm nghiên cứu, soạn thảo và hiệu chỉnh. Đây là thành quả từ các hoạt động gây quỹ cộng đồng của các bạn trẻ là du học sinh Việt đang học tập tại Úc kể từ ngày khởi động vào tháng 5-2018.
![]() |
Hình ảnh trang bìa ấn tượng cuốn sách "Dệt nên triều đại" |
Với phiên bản song ngữ Việt – Anh, cuốn sách còn có văn bản lời dẫn về sự hình thành, phát triển của trang phục thời Lê sơ thế kỷ 15.
Nội dung cuốn sách được chia thành các chương dựa theo từng loại trang phục như áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, áo đối khâm… cùng với đó là cấu tạo của trang phục cũng như hướng dẫn cách mặc trang phục từng bước chi tiết.
![]() |
Điểm sáng ấn tượng và được đánh giá cao về cuốn sách khi đầu tư những minh họa sinh động bằng tranh vẽ và ảnh chụp.
Ngoài ra, cuốn sách lịch sử “Dệt nên triều đại” cũng có sự so sánh những điểm giống, khác của cổ phục Việt Nam với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc để thấy được sự giao thoa văn hóa, sự học hỏi và sáng tạo của người Việt xưa.
![]() |
Điểm sáng ấn tượng và được đánh giá cao về cuốn sách khi đầu tư những minh họa sinh động bằng tranh vẽ và ảnh chụp. |
Các hình ảnh minh họa trong cuốn sách đều được các họa sĩ trẻ phác họa mang đậm nét văn hóa Việt, hoặc được sưu tầm từ các nguồn tài liệu tham khảo có uy tín, đảm bảo tính xác thực. Các tài liệu tham khảo tiêu biểu có thể kể đến những tựa sách kinh điển như “Trang phục Việt Nam” của TS. Đoàn Thị Tình, “Trang phục triều Lê Trịnh” của họa sĩ Trịnh Quang Vũ, “Ngàn năm áo mũ” của học giả Trần Quang Đức.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án, nhóm tác giả thuộc Vietnam Centre cho biết: “Khi nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế và thậm chí rất nhiều người Việt dường như chỉ biết tới sự kiên cường trong những cuộc kháng chiến lịch sử mà không phải điều gì khác. Sự thực đó khiến chúng tôi chạnh lòng, bởi một nền văn hóa dân tộc rực rỡ có bề dày ngàn năm ở Á châu lại được định nghĩa bằng một cuộc chiến xảy ra cách nay chưa lâu. Trăn trở đó đã thôi thúc chúng tôi mày mò và tìm cách quảng bá nền văn hóa lâu đời của Việt Nam, thông qua từng khía cạnh, bắt đầu từ khía cạnh ăn mặc”.
Từng chia sẻ với báo PL&XH, thành viên dự án Lê Ngọc Linh cho biết: “Nhiều nước đang tận dụng tối đa yếu tố lịch sử để phát triển công nghiệp văn hóa và quảng bá xây dựng thương hiệu quốc gia. Chúng tôi cho rằng trong một bộ trang phục chứa nhiều yếu tố văn hóa và thời đại. Chính vì thế, chúng tôi đã chọn trang phục để thông qua đó quảng bá về văn hóa Việt Nam, quảng bá nếp ăn nếp ở của người Việt”.
“Cuốn sách “Dệt nên triều đại” – chúng tôi muốn kể câu chuyện xây dựng “nhận dạng” của quốc gia dân tộc thông qua câu chuyện dệt và may. Đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để khẳng định trang phục truyền thống Việt Nam không chỉ bao gồm áo dài, người Việt cũng như cộng đồng thế giới cần mở lòng đón nhận những bộ trang phục như áo Giao Lĩnh, áo Viên Lĩnh,… là nét đặc trưng vốn có trong trang phục Việt cổ xưa”, Lê Ngọc Linh cho biết thêm.
![]() |
Sản phẩm sách búp bê giấy độc đáo đính kèm |
Bên lề việc ra mắt sách, Vietnam Centre còn ra mắt sản phẩm sách búp bê giấy, do họa sĩ Eris Trần thực hiện gồm 10 bộ trang phục cổ phong cho những người ủng hộ dự án.
“Dệt nên triều đại” là dự án nhằm mang lại nguồn tư liệu dễ tiếp cận và sử dụng cho những người muốn tìm hiểu về cổ phục Việt Nam. Đồng thời, tạo hứng thú để những người trẻ tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Thông qua nét đẹp văn hóa, trang phục cổ của người Việt xa để quảng bá tới bạn bè quốc tế. Đây là dự án do nhóm bạn trẻ gồm: Nguyễn Anh Vũ (Chủ tịch của nhóm Văn hóa Việt Nam) của khối sinh viên Việt Nam tại Đại học New South Wales ( Sydney, Australia); Nguyễn Ngọc Phương Đông ( kỹ sư môi trường) và nhà văn, biên kịch Lê Ngọc Linh hiện đang sinh sống và học tập tại Úc đã dành tâm huyết và tự bỏ tiền túi để dựng lại trang phục cổ. Họ hướng tới việc hỗ trợ làm trang phục cho điện ảnh và du lịch. Trước khi ra mắt cuốn sách, nhóm đã tổ chức trình diễn trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê Sơ (1437-1471) tại Hà Nội vào tháng 12-2017 và cuối tháng 4-2018 tại Úc. |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại