Thứ sáu 08/11/2024 05:27
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có tính khả thi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có quy định về nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô. Các quy định về nhà đầu tư chiến lược chỉ nằm trong 01 điều của Dự thảo, nhưng cũng khá chi tiết, từ quy định về danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng; các ưu đãi mà nhà đầu tư chiến lược được hưởng; trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có tính khả thi
Hà Nội vừa khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Ảnh: Khánh Huy

Các quy định này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên có phần chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. TS. Nguyễn Thị Yến, Trường ĐH Luật Hà Nội đã có những góp ý, phân tích một số điểm chưa thật phù hợp của quy định về nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô của Dự thảo, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn quy định quan trọng này của Dự thảo Luật.

Theo quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều 41 Dự thảo Luật, đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đấu thầu được quy định tại Luật Đầu tư; các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và thuộc diện phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án trong Danh mục ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược được thực hiện theo thủ tục sau đây:

Căn cứ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền của TP Hà Nội công bố thông tin dự án, yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và điều kiện xác định nhà đầu tư chiến lược trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

Căn cứ nội dung thông tin được công bố, nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của nhà đầu tư bao gồm: văn bản đăng ký thực hiện dự án; hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện và các tài liệu khác có liên quan (nếu có);

Hết thời hạn đăng ký thực hiện dự án, cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền của TP Hà Nội tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Căn cứ kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư quyết định việc tổ chức thực hiện theo một trong các trường hợp sau:

Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đã đăng ký và đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm hoặc có nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thì thực hiện chấp thuận nhà đầu tư đó theo quy định của pháp luật về đầu tư;

Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm trong đó chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược thì thực hiện chấp thuận nhà đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược đó theo quy định của pháp luật về đầu tư;

Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm trong đó có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng hoặc chọn áp dụng pháp luật về đấu thầu để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong số những nhà đầu tư được xác định đáp ứng điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược.

TS. Nguyễn Thị Yến đánh giá quy định này của Dự thảo Luật là phù hợp, vừa đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư đủ tiềm lực, vừa công khai minh bạch trong lựa chọn, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án trong danh mục mà Thủ đô thu hút đầu tư, nên không cần chỉnh sửa hay bổ sung.

TS. Nguyễn Thị Yến cho rằng, quy định về nhà đầu tư chiến lược theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về cơ bản là đầy đủ và có tính khả thi. Những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung không cơ bản và không lớn nhưng sẽ khiến nội dung điều luật đầy đủ và có tính khả thi cao hơn. Hy vọng khi Dự thảo được thông qua, cùng với rất nhiều quy định hợp lý khác, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ phát huy hiệu quả điều chỉnh tốt trong thực tiễn, là căn cứ pháp lý để xây dựng Thủ đô ngày càng vững mạnh.

Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội: Tăng cường thông tin, tuyên truyền Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Tạo sự đồng thuận nội dung đề xuất trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động