Phim tài liệu “Ngày con chào đời”: Sự sống nảy mầm từ những đau thương
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGam màu tươi sáng
Đúng như lời giới thiệu trước đó của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư sau hiệu ứng phim tài liệu “Ranh giới”, tập 2 phim “Ngày con chào đời” sẽ là gam màu tươi sáng từ những giọt nước mắt hạnh phúc khi con cất tiếng khóc chào đời và được đoàn viên với gia đình.
Hơn 47 phút đã ghi lại hành trình của hành trình dưỡng thai, vượt cạn, chia cắt sau khi sinh của các sản phụ bị mắc COVID-19 tại bệnh viện Hùng Vương. Cùng với đó là tinh thần nỗ lực, căng mình của đội ngũ y bác sĩ, những “bình oxy sống” tiếp lửa cho bệnh nhân chiến thắng chính mình.
Dõi theo diễn biến trong phim, người xem lặng người khi chứng kiến sự khốc liệt của căn bệnh virus SARS-CoV-2 mà các sản phụ phải đối mặt. Đứng giữa lằn ranh sinh tử, đứng giữa những lựa chọn cứu sản phụ hay thai nhi mà chỉ được chọn 1, giữa lúc sản phụ đã mắc virus SARS-CoV-2, đôi khi phải trân quý từng nhịp thở cho riêng mình và cả đứa trẻ. Bởi thế, đội ngũ y bác sĩ luôn sẵn sàng tinh thần cấp cứu kịp thời nhất.
Đằng sau những hình ảnh chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ y, bác sĩ thì bộ phim đan xen những khoảng lặng, đó là tiếng thở phào nhẹ nhõm trước ca mổ đón thai nhi thành công, nhưng cũng có sự bất lực, tiếc nuối khi không thể cấp cứu được sản phụ trong tình trạng suy hô hấp nặng. Và tựa đề “Ngày con chào đời” đã phần nào xoa dịu sự khốc liệt của cuộc chiến sinh tử từ tiếng khóc trẻ thơ, từ sự sống nảy mầm từ những đau thương.
Sản phụ rơi nước mắt khi nhận được hình ảnh chụp lại con của các y bác sĩ trong chương trình "Nhịp cầu yêu thương” |
Ngay ngày đầu phát sóng, bộ phim tài liệu “Ngày con chào đời” đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Chỉ sau chưa tròn một ngày đăng tải trên mạng xã hội, bộ phim đã nhận được hơn 30.000 lượt xem và hàng nghìn bình luận, đánh giá. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, bộ phim chạm tới trái tim khán giả, mang tới nhiều cảm xúc chân thật.
Không thể phủ nhận, hiệu ứng của bộ phim “Ngày con chào đời” giảm sút so với “Ranh giới” trước đó. Tuy nhiên, tập 2 phim “Ngày con chào đời” đã hoàn thiện những vấn đề thiết sót trong “Ranh giới” trước đó là không xâm phạm hình ảnh đời tư của nhân vật.
Có thể thấy, các thước phim được quay chủ yếu qua ánh mắt, các cảnh cận về nhân vật em bé được làm mờ đến tối đa. Lời thoại của bác sĩ, sản phụ mắc virus SARS-CoV-2 đã không còn quá cường điệu, kịch hóa.
Chia sẻ sau tập phim “Ngày con chào đời” đã phát sóng, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư bày tỏ: "Tôi hi vọng bộ phim sẽ có sự tác động mạnh mẽ đến người xem và khiến suy nghĩ của nhiều người thay đổi, để những người dân hiểu sự khốc liệt của cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 như vai trò của “Ranh giới” trước đó ".
“Ngày con chào đời” là tác phẩm làm riêng về các “chiến binh nhí” cất tiếng khóc chào đời nơi tâm dịch. Ra đời trong hoàn cảnh mẹ bị nhiễm Covid-19, các em bé chịu đủ mọi sự thiệt thòi. Không được người thân ẵm bồng, không được bú những giọt sữa mẹ đầu đời, các em bé buộc phải xa mẹ, sống trong những khu cách ly, cũng bị nhiễm SARS-CoV-2, rồi cũng trải qua nhiều lần xét nghiệm, kiểm tra.
Hình ảnh thân thương của "chiến binh nhí" được các y bác sĩ gửi tới ba mẹ đang hoàn thành quy định cách ly y tế |
Không có người thân bên cạnh, các con được nuôi nấng, chăm bẵm từ tình yêu của những người mẹ khoác chiếc blouse hồng thân thương. Họ là 60 tình nguyện viên đăng ký tình nguyện cho hơn 100 khoa sơ sinh.
Bên cạnh những nốt trầm của về cuộc chiến sinh tử, những giọt nước mắt lăn dài trên băng ca nơi bệnh viện thì hình ảnh hài hước của cậu bé tên “Cò” (cách gọi thân mật ở nhà), con trai 4 tuổi của sản phụ Huỳnh Thị Lệ Thủy và anh Lê Thanh Hùng mang tới tiếng vười vui nhộn, đáng yêu và trong trẻo.
Những điều đặc biệt
Điều đặc biệt, hai bộ phim “Ranh giới” và “Ngày con chào đời" có sự trùng lặp ở bối cảnh khu K1 tại bệnh viện Hùng Vương, đội ngũ y bác sĩ. Nhưng thực tế, các bác sĩ đều đeo mặt nạ kín, chẳng ai nhận ra ai trong hoàn cảnh ấy.
21 ngày lao vào “điểm nóng” của tâm dịch, điều đạo diễn Tạ Quỳnh Tư tiếc nuối trong quá trình sản xuất hậu kỳ phim “Ngày con chào đời” từ chính những áp lực, tranh cãi từ bộ phim “Ranh giới” về việc xâm phạm đời tư nhân vật.
Thế nên, trong dàn dựng hậu kỳ đòi hỏi đội ngũ ê-kíp làm phim cẩn trọng lựa chọn chi tiết, bối cảnh phim, kiểm duyệt hậu kỳ mà không quá ảnh hưởng đến mạch cảm xúc phim muốn truyền tải.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết: "Có nhiều điều tiếc nuối nhưng ở "Ranh giới" thì nhiều hơn. Có những cái tôi tin có thể mang đến cảm xúc cao trào, khiến người xem xúc động hơn nhưng tôi lại không thực hiện được. Có câu chuyện đang theo rồi đến phút cuối lại dang dở. Có những bà mẹ tôi xin số điện thoại liên hệ nhờ về nhà gia đình quay nhưng sau đó các mẹ không đồng ý nữa, chúng tôi phải bỏ.
Hay ông bà đồng ý quay cảnh đón con cháu về, mẹ cháu đang ở khu cách ly gọi facetime về, quay được một lúc cháu bé khóc, mẹ cháu không đồng ý quay nữa mình cũng đồng ý vì trong hoàn cảnh người ta đang đối mặt với dịch bệnh, mình không thể bảo người ta cho chúng tôi quay thêm chút nữa".
47 phút của tập phim đã khép lại với hình ảnh những em bé được đoàn tụ trở về với gia đình, nụ cười thân thương của các y bác sĩ, sự động viên tích cực với sản phụ vẫn đang hoàn thành quy định cách ly y tế là những hình ảnh kết lại hành trình đưa yêu thương gắn kết yêu thương.
Các em bé được đoàn tụ trở về với gia đình |
“Điều kỳ diệu nhất trong đại dịch Covid-19 là khi con cất tiếng khóc chào đời. Chúc các con: Co-Na, Co-Vy; Hùng; Dũng; Kiên; Cường; Mạnh; Thành; Đạt; Như Ý; Cát Tường… hãy lớn lên mạnh mẽ, kiên cường và hãy sống tử tế, bao dung con nhé.” Những dòng chữ yêu thương được gửi tới từ lá thư “Nối nhịp yêu thương” là cái kết có hậu về một hành trình đặc biệt của ê-kíp phim tài liệu do đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong thực hiện.
Đạo diễn phim “Ranh giới” kể về 15 ngày lao vào “Chiến trường K1” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại