Chủ nhật 28/04/2024 14:55
Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”

Phát huy đồng bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Phát huy đồng bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, tổ chức doanh nghiệp, trường học, cộng đồng dân cư, tôi mong rằng Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” sẽ sớm được lan tỏa sâu rộng trong đời sống Nhân dân, phát huy thế mạnh góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”, Đảng viên Trịnh Thanh Phi (Tổ dân phố số 2 Lý Nam Đế phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ.
Phát huy đồng bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân
Đảng viên cao tuổi Trịnh Thanh Phi cho biết: Cần khuyến khích việc mở rộng việc xây dựng quy ước, quy chế ứng xử trong trường học, doanh nghiệp, phát triển hình thức quy ước tự quản khu dân cư, nhà chung cư, ngõ phố gắn với thực hiện thực chất tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ảnh: Mộc Miên

Xây dựng nếp sống văn hóa người Tràng An

Mỗi khi nói tới lịch sử văn hiến hơn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nếp sống hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội, mỗi người dân Hà Nội dù đang sống tại Thủ đô hôm nay hay ở nơi xa đều tự hào với danh thơm đó.

Tiếp tục kết thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp đó, nhiều năm qua, toàn bộ hệ thống chính trị Thủ đô đã tổ chức nhiều phong trào, cuộc vận động, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ kiên trì xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, sống nhân ái, nghĩa tình.

Năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành 2 bộ “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc TP”, “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”. Bước đầu, đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Qua 7 năm triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử, các phong trào, cuộc vận động xã hội như “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đăng ký thực hiện gia đình văn hóa, thực hiện nét ứng xử của người dân phố cổ, hoạt động từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, văn minh thương mại, xây dựng Thủ đô sáng xanh, sạch, đẹp… được người dân tích cực hưởng ứng, đạt những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, ứng xử có văn hóa, văn minh ở công sở, nơi công cộng xét về ý thức của cộng đồng, mỗi người dân, mỗi con người chưa thực sự trở thành nếp quen tự giác mọi lúc, mọi nơi, còn nhiều yếu kém, hạn chế.

Không khó nhận ra những tồn tại như ứng xử người với người chưa tốt, hành vi phát ngôn, giao tiếp thiếu văn hóa, lối sống “đèn nhà ai nấy rạng” khá phổ biến. Trách nhiệm sống “mình vì mọi người, mọi người vì mình” bị mai một, ý thức vì cộng đồng kém, hành vi vứt, xả rác tùy tiện, không ít người có hành vi rất thiếu văn hóa, bất lịch sự nơi công cộng, văn hóa học đường xuống cấp, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, mê tín tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân.

Trước thực trạng đó, để xứng đáng truyền thống ngàn năm văn hiến, là “Thủ đô trái tim của cả nước”, quán triệt thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực phát triển văn hóa con người là nền tảng phát triển đất nước, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP, xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội , nguồn lực quan trọng cho phát triển thủ đô bền vững, ngày 19/2/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Chỉ thị đã đánh giá đúng mức những kết quả đạt được trong xây dựng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, bên cạnh đó đã thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, yếu kém.

Nguyên nhân khách quan của những hạn chế, yếu kém xây dựng văn hóa, nếp sống thanh lịch, văn minh là tác động mặt trái của cơ chế thị trường, sự tác động tiêu cực của mạng xã hội dẫn đến tâm lý chạy theo giá trị vật chất, đua đòi, bắt chước lối sống ngoại lai, lệch chuẩn, trái thuần phong mỹ tục, coi nhẹ giá trị văn hóa, đạo đức. Bên cạnh đó, Hà Nội là nơi tập trung người lao động địa phương khác đến, khách vãng lai, một bộ phận ý thức ứng xử văn hóa kém cũng ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa, trật tự nơi công cộng.

Tuy nhiên, Chỉ thị nêu rõ, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Về nhận thức, trách nhiệm, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trước hết người đứng đầu còn xem nhẹ giá trị văn hóa, đạo đức, tinh thần. Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở, nơi công cộng, xây dựng nhân cách người Hà Nội văn minh, thanh lịch chưa được chú trọng, thiếu tích cực, đồng bộ, triển khai thực hiện thiếu chiều sâu, chưa chú ý kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt hành vi sai trái, phản văn hóa còn nhiều hạn chế.

Thẳng thắn khắc phục hạn chế, yếu kém

Để góp phần vào sự nghiệp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, cần nhìn thẳng vào yếu kém, hạn chế, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền phát huy đồng bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tổ chức xã hội, đơn vị doanh nghiệp, trường học, gia đình, người dân tạo sự tự giác hướng vào trọng điểm xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh. Với góc nhìn, trách nhiệm của một đảng viên với huy hiệu 55 tuổi đảng, cựu chiến binh có 50 năm công tác, sinh sống ở Thủ đô, tôi cho rằng cần làm tốt những việc sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt văn hóa là nền tảng cho sự phát triển Thủ đô, đất nước, trên cơ sở đó tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền trong thực hiện xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh, coi đó là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Các cấp ủy, chính quyền cần truyền trách nhiệm, cảm hứng cho đảng viên, gia đình đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị, xã hội, đội ngũ trí thức gương mẫu thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh, ứng xử nơi công cộng, công sở. Vận động mọi tầng lớp Nhân dân tự giác chấp hành pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, thực hiện tốt ứng xử văn hóa, văn minh thương mại, từ đó góp phần lôi cuốn, lan tỏa trong Nhân dân ý thức tự giác sống có văn hóa, thanh lịch, văn minh.

Thứ hai, thông qua 2 bộ quy tắc ứng xử mà UBND TP Hà Nội đã ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố”, “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”, nên khuyến khích việc mở rộng việc xây dựng quy ước, quy chế ứng xử trong trường học, doanh nghiệp, phát triển hình thức quy ước tự quản khu dân cư, nhà chung cư, ngõ phố gắn với thực hiện thực chất tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Những nội dung trên không chỉ với công dân Thủ đô, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi với người lao động, du khách sống, qua lại trên địa bàn Thủ đô biết, cùng tự giác thực hiện.

Thứ ba, cùng với hoàn thiện hệ thống các văn bản quy tắc, quy ước ứng xử có tính khuyến cáo, hướng dẫn hành vi, đề cao sự tự giác thực hiện của người dân. Những vi phạm chuẩn mực quy tắc ứng xử văn hóa, nếu pháp luật đã quy định cần kiên quyết xử lý sai phạm kịp thời. Trong thực tế, những hành vi tiêu cực như tùy tiện vứt, xả rác, xả thải, thả rông gia súc, dựng, đỗ xe trên hè phố, lòng đường vi phạm quy định luật lệ giao thông đều đã có quy định, chế tài xử lý cần thực hiện nghiêm túc, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

Thứ tư, coi trọng việc phát hiện, biểu dương, tôn vinh những hành động, hành vi nêu gương mẫu mực xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh, văn hóa, nghĩa tình, gia đình văn hóa tiêu biểu tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, xã hội.

Thứ năm, trên cơ sở thực hiện xây dựng tổ chức Đảng đạo đức, văn minh, đẩy mạnh xây dựng nếp, thực hành văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, tổ chức Đảng, chính quyền, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức phát huy trách nhiệm, gương mẫu, động viên, khuyến khích giáo dục người thân, gia đình đấu tranh với các hành vi sai trái, lệch chuẩn văn hóa, quản lý ấn phẩm độc hại, internet đen.

Thứ sáu, các cơ quan truyền thông, văn hóa, xuất bản, đơn vị nghệ thuật sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật định hình hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực cốt cách người Thủ đô thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới

Thứ bảy, coi trọng giáo dục lớp trẻ, nhận thức, trách nhiệm, tự giác, nòng cốt thực hiện, đồng thời là người góp phần bảo vệ, tôn vinh những giá trị văn hóa, cốt lõi của người Thủ đô. Đề cao niềm tự hào, tự trọng, giữ gìn hình ảnh đẹp của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Thứ tám, tăng cường việc xây dựng, thực hành ứng xử văn hóa trên môi trường số, tạo điều kiện để người dân tương tác thuận lợi, khai thác tài nguyên giá trị văn hóa, tư vấn của chuyên gia…Những hành vi ứng xử sai trái, thiếu văn hóa trên môi trường mạng xã hội cần được kịp thời phê phán, khuyến cáo kịp thời.

Với tinh thần quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp, Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” sẽ có sự chuyển biến thực sự, phát huy thế mạnh góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Mỗi người trẻ là “đại sứ văn hóa” của Hà Nội Mỗi người trẻ là “đại sứ văn hóa” của Hà Nội
9 nhiệm vụ xây dựng văn hóa người Hà Nội 9 nhiệm vụ xây dựng văn hóa người Hà Nội
Đảng viên Trịnh Thanh Phi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động