Phạt đến 10 triệu đồng khi bán giá cao hơn niêm yết
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHóa đơn VAT được tính 100% để hợp thức hóa việc tăng giá ngày Tết |
Tăng giá gấp đôi, gấp ba
Mới đây, trên mạng xã hội cũng như phản ánh của báo chí có quán cà phê trong Tp Hồ Chí Minh “thay” việc tăng phụ phí phục vụ Tết cho quán bằng cách tăng… 100% thuế VAT trong phần hóa đơn tính tiền cho khách. Vụ việc trên đã khiến dư luận ồn ào, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng phụ phí phục vụ ngày Tết là chuyện không có gì lạ. Nhiều thực khách khi đi uống cà phê hoặc đi ăn ở ngoài cũng đã xác định giá ngày Tết sẽ có chênh lệch so với ngày thường. Tuy nhiên việc tăng 100% giá sản phẩm kèm theo đó là sự không báo trước hoặc giải thích thỏa đáng cho khách là điều tối kỵ. Đặc biệt lại tréo nghoe đến mức đặt ở phần thuế VAT để hợp thức hóa giá tăng. Sự việc trên đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, ngày 8-2, cán bộ của Chi cục thuế sở tại đã xuống làm việc với quán cà phê trên. Tất nhiên, quán cà phê này sẽ nhận mức xử phạt hành chính, nếu có.
Câu chuyện trên không phải là một chuyện hy hữu. Trong những ngày Tết, không ít những lời kêu ca than phiền về chuyện tăng phụ phí này. Cũng bức xúc về việc tăng giá đồ uống nhưng không đi đôi với phục vụ, một thực khách ở Long Biên cho biết, hôm Tết anh chị này cũng có đến một quán cà phê tại Sài Đồng (Long Biên). Việc chấp nhận phụ phí phục vụ ngày Tết hầu hết các Thượng đế vào quán đều không ý kiến, điều họ bức xúc đó là giá đồ uống tăng nhưng cung cách phục vụ lại cực kỳ tệ. Theo đó, thực khách này nói: “Đi 3 người gọi 3 cốc đồ uống. Sau khi chờ đến cả nửa giờ đồng hồ mới được nhận 2 cốc, hỏi cốc thứ 3 thì họ bảo chờ. Đến khi chờ lâu quá chúng tôi mới vào hỏi trực tiếp nhân viên pha chế thì bên pha chế bảo chưa hề nhận thông báo về cốc nước đó của chúng tôi. Vậy là chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới nhận đủ đồ uống…”.
Cũng cùng tâm trạng, chị Nguyễn Ngọc Trâm (Hoàng Mai) cho biết, vì biết Tết nhất các quán hàng ăn ngày Tết phục vụ sẽ kém chu đáo vì ít người làm mà thực khách lại đông nên chị đã cố tình chọn một nhà hàng trong chuỗi nhà hàng có tiếng ở Hà Nội về ẩm thực Huế. “Khi vào, tôi được nhân viên quán thông báo tăng 25% giá, việc ấy không thành vấn đề. Tuy nhiên, cái tôi thấy không hài lòng đó là cách phục vụ của nhân viên quán. Giá thành đồ ăn không rẻ, quán cũng có thương hiệu nhưng cái cách phục vụ của nhân viên không hề tỏ ra tôn trọng khách hàng. Đồ ăn thì quả thực rất kém so với ngày thường…”, chị Trâm nói.
Qua khảo sát, các quán bún, phở ở các phố Bạch Mai, Trường Chinh… đều tăng từ 50-100% giá thành, đặc biệt, càng vào khu vực trung tâm TP, mức tăng giá càng cao. Tại khu vực quận Hoàn Kiếm, các cửa hàng ăn uống vỉa hè trên các phố Hàng Điếu, Hàng Gà, Hàng Chiếu, Hàng Khoai... đều tăng giá gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.
Những quy định của pháp luật
Anh P.K, nhân viên tư vấn của một Cty về giải pháp kinh doanh cho rằng, việc tăng giá ngày Tết là một việc lợi bất cập hại. Anh cho rằng, ngày Tết khách hàng sẽ vào quán đông hơn ngày bình thường. Nếu quán tăng giá bán sẽ khiến cho cái nhìn của khách hàng về quán trở nên xấu hơn. Hoặc họ có thể tìm kiếm sự lựa chọn một quán đồ uống khác gần đó khiến cho tỷ lệ khách quay lại quán sẽ ít đi. Chính vì thế theo anh, nên giữ nguyên giá bán để có thể tạo thiện cảm, nâng cao khả năng khách hàng quay lại quán.
Việc tăng giá vô tội vạ ngày Tết thực tế cũng phạm vào một số những quy định được ghi trong các bộ Luật, thông tư. Theo đó, tại mục 2, Điều 6 Luật Giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế, kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá.
Đối với hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hoá đơn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP). Theo đó, Điều 12 Nghị định 109/2013 nêu rõ, phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng lần đầu. Mức phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng, được áp dụng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.
Theo các chuyên gia, để xử lý việc tăng giá như vậy cũng không hề đơn giản bởi không phải nhà hàng, quán ăn nào cũng đăng ký, thông báo giá niêm yết cho các cơ quan chức năng để có cơ sở xử phạt. Nhất là trong những ngày Tết, có những quán hàng ăn uống tự phát, chỉ mở ra để kiếm lời mấy ngày nghỉ Tết. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ của mình, trong bất kỳ tình huống nào, người dân trước khi sử dụng dịch vụ ăn uống nên hỏi trước giá, chọn các quán quen bán lâu năm hoặc các chuỗi nhà hàng uy tín để tránh những chuyện bức xúc chỉ vì chuyện… ăn. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại