Ô tô bị cây đè do bão Yagi, chủ xe có được bồi thường?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCây xanh đè bẹp một chiếc xe ô tô trong bão Yagi |
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, một số phương tiện ô tô bị cây đổ, bật gốc, đè bẹp, có được đền bù không? Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời: Điều 604, Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Song không phải bất cứ lúc nào người bị thiệt hại cũng được bồi thường bởi chủ sở hữu cây, người được giao chăm sóc cây sẽ không phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp:
Sự kiện bất khả kháng (sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép). Do vậy, nếu các đơn vị quản lý cây xanh hoặc chủ sở hữu của cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa cành cây, buộc cây nhằm hạn chế tai nạn xảy ra nhưng do mưa gió cây xanh vẫn đổ, bật gốc… gây thiệt hại thì họ không phải bồi thường; hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại như chủ phương tiện dừng đỗ xe tại vị trí sai quy định.
Do vậy, để xác định cây đổ làm thiệt hại phương tiện ô tô, ai phải bồi thường thì phải xem xét đơn vị quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa và người chủ phương tiện có lỗi hay không?
Nếu đơn vị quản lý cây xanh không thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Về trách nhiệm bồi thường đối với những chiếc xe bị hư hỏng khi bị cây gãy, đổ vào, luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, cây và xe ô tô đều được xác định là tài sản. Nếu xe ô tô đâm vào cây, khiến cây đổ, hư hại tài sản là cây cối thì người gây tai nạn đâm đổ cây có trách nhiệm bồi thường. Ngược lại, khi xe ô tô dừng đỗ đúng quy định mà cây đổ gây hư hại đến xe thì người quản lý cây phải bồi thường.
Tuy nhiên, để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại cần phải chứng minh rằng mình đã bị thiệt hại do tài sản của người khác gây ra và thiệt hại đó không có lỗi của mình, không thuộc trường hợp bất khả kháng.
Nếu việc đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe. Nếu cây đổ là bất khả kháng, không có lỗi của bên nào nhưng chủ xe có mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ bồi hoàn, sửa chữa toàn bộ thiệt hại.
Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Do đó, thiệt hại nếu được xác định là do sự kiện bất khả kháng hoặc bên bị thiệt hại có lỗi thì chủ xe sẽ không được bồi thường. |
Tình huống pháp lý vụ dùng điện bẫy chuột gây chết người | |
Luật sư phân tích hành vi mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại