Nữ phạm nhân ấp ủ nhiều dự định ngày về
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhạm nhân Trần Thị Cầu mong sẽ được học nghề làm hành trang hoàn lương. |
Đánh đổi tuổi xuân vì tham tiền
Hơn chục năm trong trại cải tạo, đi qua những dằn vặt, đau khổ và cả nhớ con, phạm nhân Trần Thị Cầu, SN 1988, trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn luôn trách bản thân mình. Học chưa hết lớp 9, nhưng chỉ vì món tiền hời trước mắt, cô đã đánh đổi hạnh phúc gia đình mình, tình mẫu tử và đẩy nhiều cô gái vào cảnh tan nát.
Là con gái út trong gia đình có 3 anh em nên dù 2 anh và gia đình thường xuyên ra biên giới gánh hàng thuê, nhưng cô lại được ưu tiên hơn. Bố mẹ và 2 anh động viên cho Cầu theo học để bằng bạn bằng bè, thế nhưng vì lười học nên chỉ học đến lớp 9, cô đành rẽ ngang. Do trước đó, mỗi lần nghỉ hè, cô cũng ra vành đai biên giới xách hàng thuê nên có cơ hội được giao lưu, tiếp xúc với người bên kia biên giới và có vốn tiếng Trung kha khá. Bên cạnh đó, cô cũng nuôi ảo tưởng sẽ lấy chồng bên kia biên giới cho có cuộc sống giàu sang, không phải lao động cực nhọc. Nghỉ học, cô vượt biên qua biên giới đi bán hàng thuê cho những ông chủ ở bên Trung Quốc, đi về theo giấy thông hành theo kiểu sáng đi, chiều về. Trong một lần bán hàng thuê cho một cửa hàng bán chăn ga, gối đệm, Cầu đem lòng yêu người thanh niên cũng bán hàng thuê ở đây. Sau một thời gian yêu đương, Cầu trở thành vợ của người thanh niên này. Cô sinh được một bé trai và phải gửi con về cho bố mẹ chồng nuôi vì công việc ở nơi làm thuê chiếm quá nhiều thời gian khiến cô không thể chăm sóc con được.
Cô cho biết thời gian đầu vợ chồng rất yêu thương nhau và dù chi tiêu tùng tiệm song cả hai luôn vui vẻ. Rồi khi đứa con đầu lòng chào đời, giữa hai người vẫn chưa hề xảy ra xô xát. Thế nhưng khi Cầu bắt đầu đi làm trở lại, việc gửi con về cho bố mẹ chồng chăm sóc để Cầu đi làm thì cô cảm giác bản thân chỉ như người đẻ thuê.
Theo chia sẻ của Cầu thì xa con được 2 năm, Cầu bàn với chồng phải làm một việc gì đó để có nhiều tiền thuê cửa hàng tự chủ vì nếu cứ làm thuê thế này thì mãi sẽ không đủ tiền để nuôi daỵ con. Và rồi không hiểu duyên cớ thế nào, Cầu đã nhận lời tiếp tay cho một chủ chứa. Theo lời Cầu thì món tiền vài chục triệu mà bà chủ chứa hứa hẹn sẽ trả công khiến cô mờ mắt. Nhất là lời tỉ tê được hưởng lợi nhuận phần trăm từ số tiền hàng tháng do các cô gái này kiếm được đã thôi thúc Cầu mau chóng về nước tìm người.
Theo tài liệu điều tra, năm 2010, Cầu cầm tập tờ rơi có in chữ Trung Quốc vượt biên về nước rồi tìm đến các quán nước ở thành phố Lạng Sơn, tìm cách tiếp cận những cô gái trẻ. Hai cô gái là Hà Thị K. và Sùng Thị C. cùng quê ở Bảo Thắng, Lào Cai, đang làm thuê cho một cửa hàng ăn tại đây, sau khi nghe Cầu nói đang cần tuyển người đi phát quà khuyến mại cho khách hàng, thời gian làm việc chỉ một tháng nhưng mức lương khá cao nên đồng ý đi theo. Cầu tỏ ra thận trọng khi bảo hai cô hãy suy nghĩ kỹ đi, nếu đồng ý đi làm thì gọi điện thoại cho Cầu.
Mấy ngày sau, Cầu nhận được điện thoại của hai cô gái trên, thông báo đồng ý đi phát hàng khuyến mại. Cầu xin phép chủ nghỉ làm ra cửa khẩu đón hai cô bạn này rồi dẫn vào chợ Pò Chài, nói dối là đưa đến gặp ông chủ. Tại một cửa hàng trên tầng 2, trong lúc hai cô gái bình thản ngồi đợi thì Cầu lẻn ra một cửa khác với cọc tiền bán người. 50 triệu đồng tiền bán 2 cô gái trẻ là cả một gia tài mà Cầu có mơ cũng không nghĩ tới. Cô dự định nếu thực hiện được vài chuyến như thế sẽ đủ tiền thuê một gian hàng trong chợ để kinh doanh, không còn cảnh ngày ngày đi làm thuê bị chủ quát mắng, bắt lỗi nữa. Cô đâu ngờ một trong số 5 nạn nhân bị Cầu lừa bán trốn thoát về nước đã làm đơn tốt cáo. Năm 2012 Cầu bị bắt và phải trả giá bằng bản án 22 năm tù.
Mong được học nghề làm hành trang hoàn lương
Hơn chục năm cải tạo trong trại giam, phạm nhân Trần Thị Cầu bảo rằng cô cũng giống như nhiều phạm nhân khác, đều trải qua các công việc như may, làm mi mắt giả... và gần đây thì cô được chuyển ra đội chăn nuôi. Với Cầu, công việc nào cũng cho cô những trải nghiệm vui và có động lực để phấn đấu quay về. Thế nhưng, trong tù, nhiều đêm nghĩ về cuộc đời mình, nghĩ về những nạn nhân từng bị cô lừa bán cho chủ chứa mà lòng cô lại nặng trĩu.
Phạm nhân Trần Thị Cầu bảo rằng vì tham tiền cô đã bán rẻ lương tâm, để đẩy những cô gái trẻ vào những ổ chứa và bị đánh đập rất dã man khi các cô không chịu tiếp khách. Cầu chia sẻ, thời gian đầu vào trại cải tạo, cô luôn sống trong tâm trạng mặc cảm, day dứt và hối lỗi. Rồi những nỗi nhớ nhà, nhớ đứa con bé bỏng thi thoảng lại trỗi dậy khiến Cầu không mấy khi có được một giấc ngủ ngon. Cũng may là được mọi người thông cảm, cán bộ động viên nên Cầu dần lấy lại được thăng bằng. Cô như tìm thấy con đường mà mình phải đi qua.
Nhưng khi nhắc đến gia đình, Cầu bảo mình là đứa con bất hiếu. Khi không đỡ đần được gì cho cha mẹ, đã phạm tội để ông bà phải lo lắng. Theo lời Cầu thì 2 anh trai cũng đã có gia đình riêng, nhưng bố cô thì không may bị tai nạn và qua đời. Thương chồng, mẹ Cầu cũng đổ bệnh và thường xuyên đau yếu. Vì thế, từ ngày lên trại, chỉ có anh trai thỉnh thoảng lên thăm động viên cô cải tạo tốt, mong được hưởng sự khoan hồng và sớm trở về.
Phạm nhân Trần Thị Cầu bảo, nhìn thấy cảnh gia đình, cô trách bản thân nhưng đó cũng là động lực để cô phấn đấu cải tạo, trở về. Vì vậy, đến nay cô đã được giảm án mấy lần và ngày về của cô đang rất gần. “Nhiều đêm nghĩ đến ngày được hoàn lương, em vui lắm vì mình sắp có cơ hội gặp con, gặp gia đình. Nhưng để có được cuộc sống an nhiên sau khi ra trại, em cũng đang ấp ủ học nghề, để sau này làm hành trang đứng được ngoài cuộc sống, nuôi được con và không làm gánh nặng cho gia đình...”, nói rồi phạm nhân Trần Thị Cầu xin phép vào đội lao động.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại