Nồng độ của bụi mịn tại Hà Nội có liên quan đến các hoạt động giao thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTham dự hội thảo có PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Phó trưởng khoa- Khoa Kỹ thuật Môi trường, ĐH Xây dựng; đại diện các Sở, ban, ngành TP Hà Nội và các nhà khoa học.
|
Trong phát biểu của mình, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô (trong đó có môi trường sống) là mục tiêu phấn đấu cho mọi ngành, mọi lĩnh vực mà Thành uỷ, Hội đồng nhân dân TP đã đặt ra. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hoá nhanh như hiện nay, cùng với việc gia tăng dân số trong khi hạ tầng xã hội không theo kịp với nhu cầu cho nên môi trường Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, nhất là ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Hội thảo đã lắng nghe một số nghiên cứu khoa học có giá trị như “Ô nhiễm bụi trong khu dân cư ở Hà Nội” do PGS.TS Trần Ngọc Quang (ĐH Xây Dựng) trình bày, “Phát thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại Hà Nội” của PGS.TS Nghiêm Trung Dũng (ĐH Bách Khoa Hà Nội) và “So sánh Chất lượng không khí giữa Hà Nội và Seoul” của PGS.TS Nguyễn Đức Lượng. Ngoài ra đại diện của Trung tâm sáng tạo Xanh cũng có bài báo cáo về Chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội năm 2018.
Trong các nghiên cứu của mình PGS.TS Trần Ngọc Quang và PGS.TS Nghiêm Trung Dũng đều cho rằng nồng độ của bụi mịn tại Hà Nội có liên quan đến các hoạt động giao thông. Theo PGS.TS Trần Ngọc Quang, phát thải từ các phương tiện cơ giới đã có tác động rõ rệt lên nồng độ bụi siêu mịn bên ngoài công trình. Nồng độ bụi siêu mịn bên trong công trình bị ảnh hưởng chủ yếu bởi nguồn bên ngoài do thói quen mở cửa cho thông gió tự nhiên. Ngoài ra, ông Quang cho rằng 2 đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao đối với ô nhiễm bụi là người già và trẻ em do họ có thời gian ở trong nhà dài.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng trong nghiên cứu của mình đã đưa ra một số dữ liệu chứng minh các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có sự tác động đến ô nhiễm bụi ở Hà Nội. Hệ số phát thải của các phương tiện này vào ngày thường cao hơn vào các ngày nghỉ. Vào ngày thường các phương tiện giao thông đông đúc khiến tốc độ di chuyển chậm hơn ngày nghỉ. Do đó, ông Dũng cho rằng tốc độ của các phương tiện giao thông cũng gây ra những ảnh hưởng đến nồng độ bụi siêu mịn.
Khi so sánh chất lượng không khí tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam với thủ đô Seoul, Hàn Quốc, PGS.TS Nguyễn Đức Lượng (trường ĐH Xây dựng) cho biết nồng độ trung bình của bụi mịn ở Hà Nội cao hơn nhiều so với thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Tại Hà Nội, nồng độ các chất ô nhiễm không khí nhìn chung có xu hướng gia tăng trong mùa khô (mùa thu và mùa đông), tương đối khác so với tại Seoul, có thể do sự khác nhau về đặc tính nguồn phát thải và điều kiện khí tượng giữa 2 thành phố. Xu hướng biến đổi theo các giờ trong ngày của một số chất ô nhiễm ở Hà Nội và Seoul khá tương đồng và thể hiện tác động của nguồn thải giao thông ở các giờ cao điểm tới chất lượng không khí.
Báo cáo được Green ID công bố chỉ ra rằng, tại Hà Nội, diễn biến chất lượng không khí trong 3 năm qua được chỉ ra có mức giảm rất đáng ghi nhận nếu tính riêng cho chỉ số từ 50,5 mg/m3 năm 2016, 42,6 mg/m3 vào năm 2017 xuống còn 40,6 mg/m3 trong năm 2018 (số liệu ở ĐSQ Mỹ). Kết quả phân tích trong 3 năm qua cũng chỉ ra rằng chất lượng không khí ở Hà Nội bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, các ngày có nồng độ bụi cao vượt chuẩn Quốc gia thường tập trung vào các tháng mùa lạnh, và các giai đoạn này thường chịu ảnh hưởng của khối khí từ phía Đông và Đông Bắc. Ngược lại, các tháng mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 9 ở Hà Nội có mức chất lượng không khí khá tốt và nằm dưới Quy chuẩn Quốc gia. Theo Green ID, chất lượng không khí ở Hà Nội trong năm 2018 có được cải thiện nhưng chưa được xếp ở mức tốt.
Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Duy Linh) |
Ngoài việc nghe các nghiên cứu từ các chuyên gia về ô nhiễm không khí, các đại biểu còn thảo luận một số giải pháp, chính sách cũng như sự phối hợp giữa các bên liên quan để hướng tới ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiêm không khí hiện nay.
Hầu hết các chuyên gia tham gia thuyết trình tại buổi hội thảo đều cho rằng cần có thêm các nghiên cứu quan trắc, phân tích, đánh giá chất lượng không khí tại các khu vực, địa điểm khác nhau để đánh giá một cách toàn diện chất lượng không khí tại Hà Nội.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng như các đại diện tham dự hội thảo đều mong muốn có những nghiên cứu sâu rộng hơn để đánh giá tác động của các nguồn thải khác nhau và điều kiện khí tượng tới chất lượng không khí đô thị. Qua đó có cơ sở vững chắc để báo cáo, tham mưu đến TP để xây dựng các biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại