Những nguyên nhân khó ngờ về chứng nhược thị ở trẻ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhược thị là khi thị lực ở một hoặc cả hai mắt không phát triển bình thường trong thời kì trẻ nhỏ khiến thị lực bị suy giảm, giảm khả năng nhìn. Có những nguyên nhân dẫn đến nhược thị từ các dấu hiệu đơn giản như lác mắt, tật khúc xạ, sụp mi.
PGS-TS, bác sỹ Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ-BV Mắt Hà Nội 2 (Sở Y tế Hà Nội), Giảng viên cao cấp bộ môn Mắt-ĐH Y Hà Nội cho biết, lác mắt (hay còn gọi là lé) là tình trạng trục nhìn của mắt bị lệch, khi nhìn thẳng 2 mắt có trục nhìn không đều nhau. Bình thường mắt nhìn ra xa, song song nhưng mắt lác thì trục bị lệch. Có dạng lác vào trong, lác ra ngoài, lác bên trên và lác xuống dưới.
Theo bác sỹ Nguyễn Đức Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lác mắt ở trẻ em như: do mắt có các cơ điều khiển vận động của mắt giữ cho mắt ở vị trí nhìn thẳng, khi tổn hại cơ hoặc dây thần kinh điều khiển này gây nhìn lệch.
Có nguyên nhân bẩm sinh (dị dạng cơ; hốc mắt) hoặc do trẻ mắc phải bệnh viêm nhiễm gây tổn thương não ảnh hưởng đến trung tâm điều khiển vận động của mắt; bị tổn hại do chèn ép dây thần kinh… Việc xác định nguyên nhân gây lác mắt rất khó khăn. “Trẻ bị lác mắt không chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ mà khi trẻ không nhìn được sẽ có nguy cơ nhược thị do mắt không được nhìn, làm thị lực giảm sút”, bác sỹ Đức Anh nói.
Với những trường hợp bị lác mắt phần lớn được điều trị bằng kính, phẫu thuật. Tuy nhiên, theo bác sỹ điều quan trọng là phát hiện sớm. Nếu muộn và điều chỉnh thì chỉ về giải phẫu còn chức năng đã nhược thị, phục hồi thị lực khó. “Vì thế phải khám sớm để có sự can thiệp sớm. Nếu nhược thị thì phẫu thuật cũng không được vì mắt đã tái lập tình trạng nhìn mất cân bằng rồi nên có mổ cũng có khả năng lác trở lại”.
|
Đối với một bệnh khác về mắt gây nhược thị là sụp mi. Bác sỹ Nguyễn Đức Anh thông tin: sụp mi là tình trạng mi mắt sa thấp hơn người bình thường. Có thể sụp mi 1 mắt hoặc cả 2 mắt. Thông thường sụp mi 1 mắt dễ thấy hơn vì có sự so sánh giữa 2 bên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụp mi như do vận động của cơ, thần kinh; do quá trình phát triển của bào thai; bệnh lý mắc phải về sau có thể gây sụp mi, cơ mi yếu, mi mắt nhỏ hơn bình thường, teo hơn bình thường hoặc cơ mi bị ngắt đoạn; do khối u chèn ép hốc mắt dây thần kinh vận động cũng có thể làm mi mắt sụp xuống; hoặc chấn thương… khó đánh giá được chính xác nguyên nhân gây sụp mi.
Sụp mi không chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ mà nếu mi che lấp đồng tử thì nguy cơ dẫn đến nhược thị, mắt bị che lấp không được nhìn trong thời gian dài bị giảm thị lực. Khi nhược thị phục hồi thị lực sẽ rất khó khăn và lâu dài. Ngoài ra, sụp mi có thể ảnh hưởng đến tư thế đầu, trẻ phải ngửa đầu lên để mắt không bị che lấp, ngửa lên khiến tư thế đầu bất thường.
Vì thế cần phát hiện sớm các trường hợp sụp mi sớm để có biện pháp điều trị phù hợp vì khi nhược thị thì phục hồi khó khăn và lâu dài.
Bác sỹ Đức Anh đưa ra lời khuyên, tật khúc xạ, sụp mi, lác mắt liên quan chặt chẽ với nhau. Sụp mi kèm theo tật khúc xạ, kèm theo lác mắt nên lời cha mẹ cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt nếu có hiện tượng bệnh để được bác sỹ tư vấn thích hợp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại