Thứ hai 25/11/2024 00:44

Những kết quả nổi bật của Tư pháp Thủ đô trong năm 2018

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2018, Tư pháp Thủ đô với vai trò tham mưu giúp HĐND, UBND Thành phố (TP) ban hành, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), thực hiện tốt các cơ chế chính sách mới, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quản lý đô thị, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Báo Pháp luật & Xã hội điểm lại những kết quả nổi bật của ngành Tư pháp Thủ đô trong năm qua.

Chất lượng xây dựng VBQPPL ngày càng cao

Năm 2018, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của ngành Tư pháp Thủ đô tiếp tục được thực hiện tốt, kịp thời. Qua đó góp phần tích cực xây dựng hệ thống VBQPPL của TP đúng Hiến pháp, pháp luật, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của UBND TP Hà Nội.

Theo báo cáo, trong năm qua, Sở Tư pháp đã góp ý, thẩm định 330 văn bản do các cơ quan Trung ương và TP lấy ý kiến; đã thẩm định, tham mưu UBND TP ban hành 28 Quyết định, trình HĐND TP ban hành 15 Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Nhìn chung, các ý kiến thẩm định, góp ý của Sở có chất lượng tốt, đúng luật và có tính thực tiễn, đã được các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu. Chất lượng công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL tại các quận, huyện, thị xã cơ bản đạt yêu cầu. Trong năm, cấp huyện đã ban hành 58 VBQPPL, đảm bảo chất lượng, tính thống nhất trong hệ thống VBQPPL giữa cấp huyện với TP và Trung ương.

nhung ket qua noi bat cua tu phap thu do trong nam 2018
Hà Nội nhận Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2018 do Bộ Tư pháp trao tặng

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2019, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá: “Về cơ bản, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL đã có sự chủ động, có tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của UBND TP”.

Theo Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn, “điều này được thể hiện ở những VBQPPL của TP được ban hành đều có sự đóng góp ý kiến pháp lý chính xác của Sở Tư pháp. Qua đó giúp cho văn bản của TP được ban hành đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật và có tính khả thi ngày càng cao”. “Việc chủ động tham mưu kiểm tra rà soát VBQPPL của Sở Tư pháp cũng giúp TP xác định rõ được hệ thống VBQPPL cần được sửa đổi, bổ sung như thế nào, chỉ rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành trong việc hoàn thiện thể chế của TP”.

“Sở Tư pháp đã vào cuộc sâu hơn, thường xuyên hơn, đóng góp hiệu quả hơn ý kiến pháp lý để giải quyết những vấn đề vướng mắc, phức tạp về đầu tư kinh doanh, đất đai, xây dựng, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng… của TP. Đặc biệt năm qua đã tham gia tích cực trong các hoạt động tổng kết 5 năm thi hành Luật Thủ đô, xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình Chính quyền đô thị, phục vụ các kỳ họp của HĐND TP…”

Đánh giá cao công tác tham mưu cho HĐND, UBND TP trong xây dựng, thẩm định văn bản của ngành Tư pháp Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, công tác này đã thành truyền thống của ngành Tư pháp.

“Sở Tư pháp, các cơ quan Tư pháp đã rất cố gắng đưa công tác này ngày càng đi vào nề nếp. Trong năm, Sở Tư pháp đã tham gia góp ý, thẩm định 330 văn bản – đây là số lượng rất lớn. Trong số này có rất nhiều Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND đã được ban hành. Ngoài ra Hà Nội trong năm 2017 đã đề xuất Đề án thí điểm quản lý theo mô hình Chính quyền đô thị tại TP. Tôi đã dự một vài cuộc thấy cơ quan Tư pháp tham gia rất tích cực trong đó có rất nhiều vấn đề pháp lý”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nói.

Chuyển biến tích cực sau 5 năm thi hành Luật Thủ đô

Năm 2018, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND TP ban hành Kế hoạch tổng kết 5 năm thi hành Luật Thủ đô và Kế hoạch triển khai nhiệm vụ tổng kết Luật Thủ đô để phân công nhiệm vụ cho các Sở, ngành tổ chức thực hiện. Phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức khảo sát tại một số quận, huyện trên địa bàn TP, tổ chức các buổi tọa đàm về chuyên đề Vùng Thủ đô tại một số tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên… và tổ chức khảo sát tại một số bộ, ngành Trung ương để xây dựng báo cáo của Chính phủ và TP về tình hình 5 năm thi hành Luật Thủ đô.

Qua tổng kết, sau 5 năm thi hành, các quy định của Luật Thủ đô đã nhanh chóng được triển khai vào cuộc sống, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực. HĐND TP Hà Nội đã ban hành 16 Nghị quyết; UBND TP ban hành 3 Quyết định cụ thể hóa Luật trên nhiều lĩnh vực giáo dục, quy hoạch kiến trúc, giao thông vận tải, môi trường, tài chính, đầu tư… Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã giúp TP huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung.

Nhiều chính sách trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và phát triển nhà ở đã triển khai, cụ thể bằng các chương trình, dự án, đề án…TP cũng đã huy động được gần 400 tỷ đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; đã thực hiện công bố Danh mục các dự án dự kiến thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 1), trong đó có 11 dự án công viên với tổng mức đầu tư 36.800 tỷ đồng…Các quy định liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân cũng được thực thi và mang lại hiệu quả thực tế.

Phục vụ tốt hơn nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân

Năm 2018, Hà Nội tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn TP. Qua 3 năm triển khai, cơ sở vật chất phục vụ công tác ký và đăng ký hộ tịch đã và đang ngày càng được cải thiện. UBND các cấp đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các phương tiện làm việc đảm bảo đáp ứng thực hiện nhiệm vụ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn Thành phố như: Trang bị máy vi tính, máy in riêng cho công chức làm công tác hộ tịch, máy photocopy, phòng lưu trữ tài liệu, tủ đựng hồ sơ đảm bảo phục vụ cho việc quản lý, khai thác và bảo quản hồ sơ.

Công chức làm công tác hộ tịch xác định được tầm quan trọng của công tác này nên đã tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham gia đầy đủ các lớp đào tạo nghiệp vụ, luôn nghiên cứu tìm tòi, học hỏi, nâng cao khả năng, trình độ, nghiệp vụ. Theo đó đã phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của công tác đăng ký hộ tịch ngày càng được nâng cao. Tình trạng “sinh không khai, tử không báo” đã được giảm thiểu. Đa số người dân đã tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định.

nhung ket qua noi bat cua tu phap thu do trong nam 2018

3 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch, công tác hộ tịch ngày càng đi vào nề nếp, phục vụ tốt nhu cầu người dân

Một trong những điểm nổi bật trong quá trình triển khai Luật Hộ tịch trên địa bàn Hà Nội là đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch. Theo Sở Tư pháp Hà Nội, đến nay, 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh. Việc này không những đảm bảo thi hành một cách đồng bộ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân mà còn giúp các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh có thể theo dõi được toàn bộ quá trình thực thi của các cơ quan trực tiếp thực hiện; ngoài ra có thể tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi.

Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã mang lại những hiệu quả thiết thực, cụ thể trong công tác cải cách hành chính như: Giảm thao tác, rút ngắn thời gian tra cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời giảm chi phí đi lại của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch.

Từ ngày 1-8-2018, Hà Nội đã triển khai thực Dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch tại 17 đơn vị quận, huyện. Theo đó, công dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng internet và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ cung cấp, không phải đến cơ quan nhà nước để thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Hiện Hà Nội đang từng bước số hóa toàn bộ sổ hộ tịch với dữ liệu của hơn 7,3 triệu người dân; đã có 3 đơn vị số hóa sổ hộ tịch, gồm: quận Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm và Long Biên (tại các quận này, khi công dân có nhu cầu tra cứu thông tin hộ tịch chỉ cần khai thông tin về họ tên, năm sinh là công chức tư pháp- hộ tịch có thể tra cứu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch nhanh chóng, thuận tiện). Các đơn vị còn lại đang triển khai rà soát các loại sổ hộ tịch để chuẩn bị số hóa.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC

Năm 2018, việc rà soát, xây dựng dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực Tư pháp được Hà Nội quan tâm chỉ đạo. Sở Tư pháp đã xây dựng 84 quy trình dịch vụ công mức độ 3, 4 trong lĩnh vực Tư pháp của cả 3 cấp để triển khai.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại cấp huyện, xã được duy trì hiệu quả, đạt tỷ lệ cao tại 7 nhóm TTHC lĩnh vực hộ tịch. Qua theo dõi tại hệ thống dịch vụ công trực tuyến từ 1-1-2018 đến ngày 25-11-2018, toàn TP đã giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 337.981 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98%

Sở Tư pháp phối hợp với Sở Thông tin truyền thông đã tổ chức triển khai dịch vụ công mức 4 về cấp bản sao trích lục hộ tịch. Đến nay đã giải quyết 2.145 hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công mức độ 4 (trong đó 271 hồ sơ cấp phường). Việc thực hiện thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch qua dịch vụ công mức độ 3, 4 đều đạt tỷ lệ cao (trên 96%).

Triển khai hệ thống Một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp đồng bộ toàn TP, Sở Tư pháp đã khai báo 163 quy trình TTHC, tạo lập 39 tài khoản và đã tổ chức vận hành các quy trình trên hệ thống Một cửa điện tử dùng chung (motcua.hanoi.gov.vn); cấp huyện xã đã khai báo, áp dụng 43 quy trình cấp huyện, 56 quy trình cấp xã đối với các dịch vụ công mức 2, 3,4 để triển khai thực hiện tại hệ thống Một cửa và Dịch vụ công của TP.

Trong năm 34 VBQPPL của TP đã được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, các VBQPPL được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND TP phục vụ việc tra cứu dễ dàng, thuận tiện.

Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen trong công tác PBGDPL

Cùng với cải cách hành chính, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Thủ đô trong năm 2018 cũng để lại dấu ấn rõ nét với nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL được đánh giá là đã bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của TP.

Đặc biệt, nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PBGDPL đã được các quận, huyện triển khai. Tiêu biểu như: Quận Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm đã tổ chức nghiên cứu các vướng mắc, khó khăn trong việc thi hành pháp luật, tạo nhóm zalo trao đổi các thông tin về các văn bản pháp luật, tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo chuyên đề, tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm. Quận Bắc Từ liêm, huyện Gia Lâm xây dựng tổ dân phố, thôn điện tử tuyên truyền về pháp luật. Quận Hoàng Mai đẩy mạnh tuyên PBGDPL qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, “nhóm nòng cốt”, PBGDPL qua các loại hình văn hóa, văn nghệ. Quận Cầu Giấy với mô hình Cầu thang pháp luật...

nhung ket qua noi bat cua tu phap thu do trong nam 2018
Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen (tập thể và cá nhân) vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai Ngày Pháp luật

Đáng chú ý, các hoạt động hưởng hướng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn Thủ đô đã đi vào chiều sâu, thiết thực, tạo sự tan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trên toàn địa bàn TP.

Có thể thấy, qua công tác PBGDPL đã góp phần tạo chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật. Trong đó, phải kể đến là những chuyến biến tích cực trong ý thức tuân thủ pháp luật về phòng, chống cháy nổ trên địa bàn TP, ý thức chấp hành thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, quy tắc ứng xử nơi công cộng của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.

Với những kết quả nổi bật trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam 5 năm qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL TP đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ Tư pháp cơ sở

Hiện, 2/3 lượng việc hành chính giải quyết cho người dân ở các cơ quan nhà nước cấp xã, phường thuộc lĩnh vực Tư pháp. Cán bộ Tư pháp xã, phường là bộ phận trực tiếp giải quyết phần lớn các công việc này. Việc bồi dưỡng, chuyên nghiệp hoá đội ngũ công chức Tư pháp cơ sở am hiểu kiến thức pháp luật, thông thạo kỹ năng xử lý công việc chuyên môn để phục vụ tốt nhất cho người dân vì vậy luôn là yêu cầu bức thiết của ngành Tư pháp Thủ đô và được lãnh đạo ngành đặc biệt chú trọng, quan tâm.

Năm 2018, công tác kiện toàn, củng cố tổ chức và đội ngũ cán bộ của cơ quan Tư pháp tiếp tục được chú trọng. UBND TP đã chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện điều động, luân chuyển công chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công chức Tư pháp cơ sở cho 360 công chức Tư pháp – hộ tịch xã phường, thị trấn.

Qua việc triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2018, có thể thấy: Vai trò tham mưu, tư vấn pháp lý của ngành Tư pháp đối với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng chủ động hơn, đúng việc và có hiệu quả. Sự phối hợp giữa ngành Tư pháp với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã ngày một chặt chẽ, hiệu quả. Tổ chức bộ máy toàn ngành được củng cố, kiện toàn, từng bước góp phần quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành chung của TP.

Công tác Tư pháp đã góp phần tích cực, hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền TP, xác định được vị trí, vai trò quan trọng, ngày càng được khẳng định rõ nét hơn trong công cuộc xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động